Nhiều thiết bị đào tạo tự làm trở thành phương tiện giảng dạy hữu ích

Phạm Thanh,
Chia sẻ

Các thiết bị đào tạo tự làm tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 được đánh giá là những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học.

Các thiết bị đào tạo tự làm tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 được đánh giá là những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học.

Kết tinh từ tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo

Điểm nổi bật tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 là những thiết bị được kết tinh từ tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong phong trào cải tiến, sáng chế tự làm thiết bị đào tạo. Tham dự Hội thi năm nay có 57 tỉnh thành tham dự, với tổng số 381 thiết bị dự thi của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị; từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT.

Nhiều thiết bị đào tạo tự làm trở thành phương tiện giảng dạy hữu ích - Ảnh 1.

Trao giải cho các tác giả đạt giải tại Hội thi.

Điều này thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của các cơ quan quản lý. Thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.

Một trong những thiết bị đạt giải nhất tại Hội thi là “Mô hình máy ép nhựa mini” của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình được thiết kế dựa trên thực tế trong quá trình đào tạo nghề chế tạo khuôn mẫu, các thiết bị thực hành của trường còn thiếu thốn về số lượng, vận hành phức tạp. Khi xảy ra lỗi mất nhiều thời gian, tiền bạc để sửa chữa và ảnh hưởng tới học sinh khi làm quen máy. Kiến thức các em tiếp thu trên lớp chỉ mang tính lý thuyết, chưa thực sự tạo động lực, hứng khởi tiếp thu, gây chán nản…

Nhận thấy những bất cập trên, nhóm tác giả là giáo viên của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến các doanh nghiệp tìm hiểu, căn cứ chương trình đào tạo nghề chế tạo khuôn mẫu để lên ý tưởng thiết kế mô hình trên. Thiết bị cũng rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị nhập khẩu.

Cũng phải kể để các mô hình thiết bị dạy học nghề ấn tượng khác như: Mô hình điều khiển phun xăng điện tử của trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; Mô hình dây chuyền sản xuất sử dụng cánh tay robot của trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An…

Nhiều thiết bị đạt tiêu chuẩn sản phẩm thương mại

Theo ông Đỗ Năng Khánh, nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường, như Mô hình hướng dẫn thực hành phù điêu chân dung (cụ Nguyễn Sinh Sắc); Mô hình lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp.

Nhiều thiết bị đào tạo tự làm trở thành phương tiện giảng dạy hữu ích - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Thanh Thảo, giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu thuyết trình Mô hình máy ép nhựa mini.

Hầu hết các thiết bị đào tạo tự làm tham gia dự thi Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điển hình như mô hình Đào tạo internet vạn vật (IoT); Mô hình Bàn gá thực hành hàn đa năng...

Năm nay, các tác giả, nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị, nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng "tích hợp" các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một "thiết bị" hay "mô hình", đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới, làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị.

Điển hình như “Mô hình dây chuyền chế biến khô thủy sản; Mô hình thực hành PLC – Mạng truyền thông công nghiệp; Mô hình thực tập hệ thống chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô có hỗ trợ chấm điểm số tự động.

Dự kiến, trong thời gian tới ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các thiết bị đào tạo và để hoạt động này thực sự trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề xuất hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự sản xuất thiết bị đào tạo và định kỳ sẽ tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải nhằm phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.

Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII, 2022 đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân. Trong đó, 30 thiết bị đạt giải nhất, 45 thiết bị đạt giải nhì, 75 thiết bị đạt giải ba. Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 6 đoàn đạt giải tập thể, gồm: Giải Nhất thuộc về đoàn TPHCM; Giải Nhì được trao cho đoàn Hà Nội và Vĩnh Phúc; Giải Ba thuộc về đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng và Tiền Giang.

Chia sẻ