Nhiều người tuyên bố từ bỏ công cuộc tìm vé concert Westlife dù vẫn còn tới hơn 1 tháng mới diễn ra

Dương Dương,
Chia sẻ

Điều đang xảy ra sau khi tình trạng vé concert của nhóm nhạc Westlife vô cùng khan hiếm.

Việc vé concert Westlife mở bán vào ngày 26/9 và nhanh chóng "sold out" chỉ sau chưa đầy 3 tiếng khiến nhiều người không kịp trở tay làm cho "thị trường" mua đi bán lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một điều dễ thấy là đang diễn ra cảnh "cầu vượt cung", quá nhiều người tìm mua vé, gần như áp đảo các bài đăng rao bán vé. 

Song, cũng bởi lượng người tìm mua quá lớn nên nhiều đối tượng đã dựa vào đó để trục lợi. Trên các hội nhóm trao đổi về concert Westlife liên tục xuất hiện bài đăng cảnh báo cẩn trọng khi mua vé.

Gian nan tìm vé xem Westlife khiến một số người bỏ cuộc, có nơi vẫn rao bán giá "trên trời" - Ảnh 1.

Mua lại vé gặp đối tượng trục lợi và cách xử lý gây bất ngờ

Mới đây nhất, một tài khoản đã chia sẻ câu chuyện mua vé Westlife để mọi người tham khảo và lấy đó làm bài học. Theo lời kể, chị G. (sinh năm 1992, Hà Nội) có liên lạc với một người tên Q. để mua 4 vé CAT 3. Hai bên sau khi trao đổi đã hẹn gặp mặt để giao dịch trực tiếp tại một chung cư ở Hà Nội. Khi lên nhà, chị G. gặp một người giới thiệu là chồng của Q. Kiểm tra sơ qua và thấy người này nói chuyện đàng hoàng nên chị G. đã chốt nhận vé qua mail và chuyển tiền ngay. 

Sẽ không có gì đáng nói nếu như một số người khác trong group bày tỏ sự hoài nghi về tài khoản bán vé cho chị G. Sau đó, một người khác có nhu cầu mua vé cũng liên lạc, hẹn gặp Q. và chồng L.T.A. Tuy nhiên, vì thấy không uy tín nên hai bên không giao dịch. Chị G. cũng qua đợi ở sảnh chung cư để kiểm tra cùng người mua kia thì bên bán có ý định bịt khẩu trang bỏ đi. 

Ảnh chụp màn hình bài chia sẻ của chị G. 

Thế nhưng, hai người mua cùng với bảo vệ tòa nhà đã kịp thời chặn lại đối tượng và nhờ công an phường tới hỗ trợ. "Các đồng chí trao đổi giải thích vì đây là giao dịch dân sự, mua bán, chưa thể khẳng định là lừa đảo... Nên các anh hỗ trợ tư vấn mình và L.T.A thống nhất trả vé và hoàn tiền, viết biên bản. Chốt lại, L.T.A đã chuyển khoản lại mình 5.900.000đ và viết biên bản tự nguyện đưa mình laptop và điện thoại, hẹn trả nốt 4.100.000đ, nếu không mình xử lý điện thoại và laptop", chị G. viết.

Ngoài chị G. với số tiền mua vé tương đối lớn thì một số tài khoản cũng chia sẻ gặp đối tượng nhận tiền cọc rồi "bốc hơi".

"Vì đã hứa mua vé tặng hai con nên mình tìm được người bán, đã kiểm tra căn cước công dân, đến tận nơi ở, nhận vé qua mail, nhìn người ta xóa mail rồi mới giao 50%, hẹn khi vào được sân sẽ chuyển khoản nốt. Nhưng cuối cùng vẫn là bị mất tiền". 

"Người bán cho mình còn chắc như đinh đóng cột là chỉ cần cọc 2 triệu rồi cứ bao giờ kết thúc concert thì chuyển khoản đủ cũng được. Mình mới thử check vé với mọi người trong group thì lại trùng mã".

Một điều rất đáng ghi nhận trong lần mua vé concert này là dù gặp phải các đối tượng nghi ngờ trục lợi, "bùng cọc" nhưng thay vì chỉ đăng bài lên mạng xã hội thì người mua đều trực tiếp ra mặt xác minh và liên hệ tới cơ quan chức năng để được tư vấn và xử lý. Sau khi xử lý gần như xong xuôi, họ mới tổng hợp lại và chia sẻ để những người sau lấy đó làm bài học. Thậm chí, nhiều người còn lập các group cùng nhau check vé, phát hiện các trường hợp đáng nghi ngờ. 

Nhiều group hỗ trợ nhau check vé.

Trên thực tế, cách xử lý này không phải mới nhưng là điều không ai nghĩ lại có thể xảy ra. Bởi trong đợt concert BLACKPINK hồi cuối tháng 7 hay một số show ca nhạc gần đây cũng xảy ra rất nhiều trường hợp mua phải vé giả, bị "mất trắng" tiền mua vé, song, đa phần người mua chỉ chọn cách lên tiếng trên mạng xã hội và coi đó là bài học đắt giá, rút kinh nghiệm cho lần sau. 

Liên tiếp gặp phải hay đọc được các trường hợp rủi ro khi mua vé lại khiến cho không ít người bày tỏ rằng có lẽ họ sẽ bỏ cuộc từ đây hoặc cứ đợi đến sát ngày rồi tính tiếp. 

"Chúc mọi người mua vé thành công. Mình xin phép out nhóm ạ".

"Tầm này giao dịch trực tiếp cũng chẳng được mấy % là thật. Em book vé máy bay và khách sạn rồi ra tận sân giao dịch, ngồi yên vị em mới chuyển khoản còn lại. Còn không có thì em ngồi ngoài hóng ké cho đỡ mua bực vào người".

"Giờ vẫn chưa mua được vé. Chắc cứ đặt vé máy bay vào đó rồi ngồi ngoài nghe vọng ra thôi". 

Gian nan tìm vé xem Westlife khiến một số người bỏ cuộc, có nơi vẫn rao bán giá "trên trời" - Ảnh 4.

Một số người cho biết từ bỏ việc mua vé vì gian nan.

Có nơi đăng pass vé nhưng giá cao thêm 40%

Khi cộng đồng mạng ngập tràn bởi những câu chuyện pass vé, mất tiền thì vẫn có một số bài đăng rao bán vé khiến ai nấy hỏi xong phải giật mình.

Có người rao bán vé với nội dung là mua cho bản thân nhưng vì vướng lịch khác không thể sắp xếp nên muốn bán lại. Thế nhưng, đến khi hỏi ra thì người này lại cho biết giá bán sẽ cao hơn giá gốc 40%. Hay một trường hợp khác, rao bán vé mời 10 triệu/cặp nhưng nói rằng không có mã vé, chỉ có bản in đen trắng. 

Trong khi có quan điểm rằng, các fan US-UK hay nói rộng hơn là những khán giả ở thế hệ 8X, 9X sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua vé gặp thần tượng. Thậm chí, có người còn chấp nhận trả phí qua trung gian để có vé uy tín. Song, phản ứng của cộng đồng mạng lúc này cho thấy họ chỉ mua khi chính đáng chứ không tiếp tay cho những người bán vé "chợ đen" và hét giá lên vô lý như vậy.

Chia sẻ