Nhiều chiêu "móc túi" khách hàng với hàng hóa đóng gói

Theo ANTĐ,
Chia sẻ

Các “chiêu” gian lận trong hàng đóng gói sẵn hiện nay chủ yếu là nhà sản xuất không ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì hàng đông lạnh; độn hàng cấp thấp vào hàng chất lượng tốt; ghi không đúng xuất xứ hàng hóa để nâng giá bán; hàng thiếu trọng lượng, thể tích... để “móc túi” người tiêu dùng (NTD)...

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (TCĐLCL) TP HCM, trong năm 2012, Chi cục đã tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn TP HCM. Chi cục đã lấy mẫu của 54 lô hàng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: bánh, mứt, kẹo, đường, muối, mì chính và bột gia vị. Kết quả kiểm tra phát hiện có 2 lô không đạt yêu cầu. Đồng thời kiểm tra 133 nhãn hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên cũng phát hiện có 13 nhãn sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với UBND quận 10 kiểm tra các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tại 8 đơn vị thì phát hiện 2/13 lô hàng và 2/17 nhãn hàng hóa không đạt. Theo đánh giá của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM, các đơn vị sản xuất, đầu mối nhập khẩu hàng đóng gói sẵn chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định nhãn hàng hóa, cụ thể là ghi sai đơn vị đo lường, thiếu địa chỉ nơi sản xuất (đối với hàng nhập khẩu), thiếu thành phần định lượng...

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hình thức gian lận trong hàng đóng gói sẵn hiện nay chủ yếu là nhà sản xuất không ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì hàng đông lạnh, do đó tỷ lệ hao hụt thường 20-25%. Nhiều trường hợp trên nhãn hàng hóa ghi không đúng xuất xứ để nâng giá, như: cá saba Đài Loan nhưng doanh nghiệp đóng gói lại ghi cá saba Nhật Bản để bán giá cao hơn rất nhiều; những loại nước chấm, dầu ăn, đồ hộp có nước… là những mặt hàng thường thiếu trọng lượng nhiều nhất.

Nhiều chiêu
Nhiều mặt hàng đóng gói sẵn tại siêu thị chưa thực hiện đúng quy định về nhãn, thiếu trọng lượng.

Tại TP HCM, hiện có hơn 2.000 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh (siêu thị) hàng đóng gói sẵn. Nhưng thực tế trong thời gian qua, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm tra các sản phẩm này với con số còn quá khiêm tốn. Nếu tính từ 3 năm trở lại đây (từ 2010 đến 2012), chỉ mới có 254 đơn vị bị kiểm tra, trong đó phát hiện 59 đơn vị vi phạm (chiếm khoảng 23,2%). Các mặt hàng kiểm tra chủ yếu là hàng khô, còn các mặt hàng như: Bia, rượu, nước giải khát, nước uống (loại nước uống có gas), thủy sản (sản phẩm đông lạnh)… thì chưa kiểm tra được do thiếu phương tiện kỹ thuật.

Ông Nguyễn Minh Chiến – Chi Cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh An Giang cũng nêu lên con số đáng giật mình về tình trạng “rút ruột” hàng đóng gói sẵn tại địa bàn tỉnh này. Trong tháng 9/2012, Chi cục tiến hành thành lập đoàn kiểm tra và mua 16 mẫu hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng. Kết quả kiểm tra phát hiện có 7/16 mẫu không đủ trọng lượng (chiếm tỷ lệ 43%). Trước đó, tháng 11/2011, Chi cục kiểm tra 18 mẫu trà, cà phê, mì ăn liền, khô, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước giải khát... tại siêu thị và cửa hàng. Kết quả có 9/18 mẫu (chiếm tỷ lệ 50%) thiếu trọng lượng từ 11-29%.

Ông Chiến cũng cho biết: “Qua kiểm tra đo lường các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng đóng gói sẵn, chúng tôi phát hiện cứ 100 đồng thì nhà sản xuất ăn gian trọng lượng, “móc túi” của khách hàng hết 29 đồng. Nhiều đơn vị khi bị phát hiện hàng hóa đóng gói thiếu trọng lượng còn khiếu nại. Sau đó thì đổ lỗi do cơ sở sản xuất bao bì thiếu dung tích hoặc do nhân viên sơ suất cân cả rổ, bao bì”
Chia sẻ