Nhiễm khuẩn bệnh viện, hãy dè chừng!

,
Chia sẻ

Không ít bệnh nhân khi nằm lại bệnh viện đã bị nhiễm khuẩn bệnh viện khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng và nguy cơ tử vong cũng tăng theo.

PGS.TS Lê Hoàng Ninh, viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho biết tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 600.000 trường hợp bị nhiễm khuẩn bệnh viện, trên tổng số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện mỗi năm.

Ba loại nhiễm trùng bệnh viện phổ biến là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng tiêu hóa.

Nhiễm khuẩn từ người thân

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng người bệnh nhiễm phải vi khuẩn khi nằm bệnh viện.

Ngoài các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn bệnh viện như do cơ địa của chính người bệnh (người già, trẻ sơ sinh non yếu, người mắc bệnh mãn tính phải nằm viện kéo dài, người phải trải qua nhiều can thiệp xâm lấn vào cơ thể), bệnh viện quá đông đúc, nhân viên y tế thiếu, phòng ốc quá chật hẹp, công tác chăm sóc, điều trị chưa được đảm bảo vô trùng; còn một yếu tố quan trọng là thân nhân bệnh nhân!
 


Lâu nay chỉ cần một người bệnh nhập viện sẽ kéo theo nhiều thân nhân đến bệnh viện thăm nuôi. Các thân nhân cùng nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh đã không rửa tay; sử dụng đồ dùng kém vệ sinh như khăn lau, chiếu trải dưới đất (sau đó lại phủ lên những chiếc khăn trải giường sạch mà bệnh viện cung cấp)... Đây là những yếu tố nguy cơ góp phần mang nguồn bệnh đến cho người bệnh.

Theo PGS Lê Hoàng Ninh, nhiễm trùng trong bệnh viện thường làm bệnh nhân bức xúc và lo lắng vì thời gian điều trị kéo dài, chi phí tăng... Cụ thể, khi người bệnh nhiễm trùng vết mổ thì thời gian nằm viện tăng 9-24 ngày, chi phí điều trị tăng 2-32 triệu đồng. Ngoài ra, một số nhiễm trùng bệnh viện còn có tỉ lệ tử vong cao.

Không đủ dung dịch rửa tay

Bác sĩ Thanh Hà nhấn mạnh rửa tay là một trong những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả. Thông tư 18 của Bộ Y tế cũng quy định tất cả nhân viên y tế, học sinh, thân nhân, khách đến thăm bệnh viện đều phải rửa tay để ngăn ngừa lây nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có trong môi trường chăm sóc cho người bệnh, cũng như từ chính những người bệnh nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, đến nay biện pháp phòng ngừa này vẫn chưa được áp dụng đầy đủ vì còn nhiều bệnh viện thiếu chỗ rửa tay cho thân nhân bệnh nhân, hoặc có nơi có chỗ rửa tay nhưng không cung cấp dung dịch rửa tay.

Một thực tế khác là hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ ràng về chi phí hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện. Theo bảo hiểm y tế, chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện được đưa vào trong chi phí giường bệnh với mức giá hiện nay là 8.000-10.000 đồng/giường (gồm chi phí giường nằm, phục vụ và chống nhiễm khuẩn).

Tuy nhiên, các nhà quản lý bệnh viện cho rằng với mức giá này chi trả riêng cho giường nằm còn chưa đủ chứ tính gì đến các chi phí khác.

Bác sĩ Thanh Hà dẫn chứng: chỉ tính riêng một nhân viên y tế làm việc tại khoa hồi sức tích cực sẽ phải rửa tay 20-80 lần/ngày, còn nhân viên y tế làm việc tại các khoa khác cũng rửa tay ít nhất 20 lần/ ngày.

Mỗi lần rửa tay mất 3ml dung dịch rửa tay. Một nhân viên y tế làm việc tại nơi này có thể phải dùng 60-240ml dung dịch xà bông hoặc cồn chuyên dụng trong y tế (chai 500ml thông thường có giá 40.000-80.000 đồng). Chi phí này nhân lên với số nhân viên y tế đang làm việc trong bệnh viện tăng hơn rất nhiều.

Do vậy, nhiều bệnh viện đang lúng túng vì không biết lấy nguồn kinh phí nào để chi cho hoạt động chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Để rửa tay hiệu quả, ngoài dung dịch rửa tay còn cần khăn lau tay sạch dùng một lần hoặc khăn lau tay vô trùng... Bên cạnh đó, nhiều loại dụng cụ y tế bắt buộc tái sử dụng nhiều lần như dụng cụ nội soi, dụng cụ hô hấp nhưng không chịu được phương pháp tiệt khuẩn ở nhiệt độ cao theo quy định, phải sử dụng phương pháp ngâm tiệt khuẩn.

Trong khi phương pháp ngâm tiệt khuẩn dễ bị nhiễm khuẩn lại khi bảo quản, dẫn đến nguy cơ không an toàn cho người bệnh.

Những điều không nên:

- Có quá nhiều người thân đi theo chăm sóc người bệnh.

- Mang quá nhiều dụng cụ có nguy cơ trở thành vật chứa các nguồn bệnh cho chính người thân của họ (chiếu, chai lọ, chén bát...).

- Dùng chiếu đã trải dưới đất để trải lên giường người bệnh.

- Mua thức ăn ngoài đường với nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho người bệnh.


- Nhổ nước miếng hoặc cho con em mình tiêu, tiểu bên ngoài nhà vệ sinh.

- Vứt rác bừa bãi trong bệnh viện.

- Để chân bẩn trèo lên giường bệnh.

Những điều nên:

- Mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà đi cùng.

- Sử dụng quần áo và đồ dùng do bệnh viện cung cấp cho người bệnh.

- Ăn thức ăn đã được bệnh viện chế biến để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ thành phần và năng lượng theo nhu cầu người bệnh.

- Tuân thủ quy định vệ sinh vô khuẩn khi cùng tham gia chăm sóc người bệnh như: rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn hoặc vệ sinh cho trẻ. Dùng nước đun sôi hoặc đảm bảo vệ sinh an toàn cho trẻ uống.

- Tiêu, tiểu đúng nơi quy định.

- Bỏ rác vào đúng nơi quy định.
Theo Tuổi Trẻ
Chia sẻ