Nhất quyết đưa con vào trường tiểu học trọng điểm, ông bố hối hận suốt nhiều năm

Thanh Hương,
Chia sẻ

Trên thực tế, đối với cuộc đời của một đứa trẻ, những điều đẹp đẽ nhất không phải là điểm số hay tiền bạc, mà là tình yêu thương, trí tuệ, tự do và hạnh phúc.

Trong một video, nhà tâm lý học Hà Lĩnh Phong (Trung Quốc) từng kể: Khi con gái còn nhỏ, anh đã làm việc chăm chỉ để có thể kiếm tiền, gửi con đến trường tiểu học tốt nhất trong huyện. Năm lớp 1, cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu con gái anh làm một bài kiểm tra đọc chính tả. Cô bé đạt 97 điểm/100 điểm, tức là chỉ sai 3 trong số 100 ký tự.

Anh hết lời khen ngợi: "Oa, con xem, con mới bắt đầu học tiểu học mà đã được 97 điểm rồi. Thật kinh ngạc...".

Bất ngờ là tối hôm đó, giáo viên gọi điện thoại hỏi Hà Lĩnh Phong: "Anh thấy bài của con gái mình thế nào?". Người bố thành thật nói: "Tôi nghĩ là tốt, rất tốt, cảm ơn cô".

Kết quả là giáo viên nổi giận, bắt đầu to tiếng: "Làm sao anh cho rằng điểm số của con mình tốt? Anh có biết cả lớp được 17 em đạt 100 điểm, còn lại được 99 điểm, thậm chí không có một điểm 98. Con anh được 97 điểm, điều này gây trở ngại nghiêm trọng cho thành tích cả lớp".

Nhất quyết đưa con vào trường tiểu học trọng điểm, ông bố hối hận suốt nhiều năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một giáo viên như vậy dạy con trong suốt những năm tiểu học, có thể hình dung được cuộc sống của cô bé khốn khổ như thế nào. Tuy nhiên thời điểm đó, ông bố này vẫn nghĩ đó là bởi cô giáo lo lắng cho việc học của con.

Trên thực tế, trong mấy năm tiểu học, vì điểm kém, con gái anh đã bị mắng mỏ thậm tệ và bắt nạt. Hà Lĩnh Phong lại quá bận kiếm tiền và giao du nên không hay biết gì về hoàn cảnh của con mình.

Anh chỉ cảm thấy rằng điểm số của con gái không theo kịp vì bố mẹ cho con học không đủ, vì vậy cố gắng tìm một gia sư. Mãi đến khi con gái vào cấp 2, anh mới dần biết được mọi chuyện mà con phải gánh chịu.

Khi học lớp 4, có lần cháu đi xe buýt đến trường, thậm chí còn muốn nhảy xuống xe. Sau khi biết được những điều này, đến tận bây giờ anh vẫn còn hối hận. Hà Lĩnh Phong cảm thấy rằng sai lầm lớn nhất mà anh từng mắc phải trong đời là gửi con gái mình đến trường tiểu học tốt nhất trong huyện.

Ý định ban đầu của anh là mang đến cho con gái mình những điều kiện và nguồn lực tốt nhất để giúp con có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng ai có thể ngờ rằng, con gái không chỉ rơi vào tình cảnh đau khổ suốt một thời gian dài không thể tự giải thoát, còn suýt chút nữa cũng vì đó mà có hành động tiêu cực.

Trong chương trình truyền hình nổi tiếng "Thiếu niên nói", từng có cô gái tên Tiểu Lê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Tiểu Lê đến từ Thượng Hải, xuất thân trong một gia đình giàu có. Hơn nữa, cô là một học sinh xuất sắc từ khi còn nhỏ, thông minh và chăm chỉ. Sau đó, cô được nhận vào một trong những trường trung học cơ sở tốt nhất ở Thượng Hải. Xung quanh toàn là "học bá", nữ sinh cảm thấy một cảm giác khủng hoảng chưa từng có.

Vì vậy, cô bắt đầu thúc đẩy bản thân làm việc chăm chỉ hơn, mong muốn dành 24 giờ mỗi ngày để học. Ngoài bài tập ở trường, cô còn làm rất nhiều bài tập thêm, ngày nào cũng phải học đến hai, ba giờ sáng, thời gian ngủ thường không đến 4 tiếng.

Đối với cô ấy, chỉ có không ngừng học hỏi mới cảm thấy mình đúng, bất kỳ trò giải trí, thư giãn nào cũng sẽ sinh ra áy náy, mặc cảm nặng nề.

Chỉ là một ngày, sợi dây buộc quá chặt đã bị đứt.

Chịu áp lực trong thời gian dài, Tiểu Lê mắc chứng lo âu và trầm cảm nặng, buộc phải nghỉ học và ở nhà. Nhưng bố mẹ cô không hiểu và liên tục thuyết phục con đi học để trở lại "đường đúng" càng sớm càng tốt. Kết quả là vào ngày thứ hai của năm học mới, Tiểu Lê đã trèo lên bậu cửa sổ của lớp học và định tự tử, nhưng may mắn được cứu sống.

Học sinh ưu tú càng dễ bị trầm cảm

Hồ Đặng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận thấy rằng so với các trường bình thường, học sinh từ các trường ưu tú dễ bị trầm cảm hơn.

Một cố vấn tâm lý có thâm niên chuyên tiếp nhận học sinh tiểu học và THCS thẳng thắn nói: "Hơn một nửa số học sinh mà tôi tiếp đón đến từ các trường rất tốt ở địa phương, và nhiều em từng là học sinh giỏi trong mắt những người xung quanh".

Bởi vào trường danh tiếng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với tâm lý mình không còn là học sinh giỏi nhất. Áp lực từ bạn bè xuất sắc, sự nghiêm khắc của thầy cô, nỗi lo thứ hạng, kỳ vọng quá cao từ gia đình. Những khó khăn này như núi đè nặng, khiến các em không thở nổi.

Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy nguồn lực và cơ hội của những ngôi trường danh tiếng, và họ đang cố gắng hết sức để gửi con mình đến đó để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đằng sau mặt trời là bóng tối. Đằng sau không ít những ngôi trường danh giá là sự cạnh tranh khốc liệt, là áp lực khổng lồ khiến vô số trái tim bé nhỏ không thể chịu nổi.

Cách đây ít lâu, số liệu thống kê về chứng trầm cảm năm 2022 của Trung Quốc đã gây sốc: Bệnh nhân trầm cảm dưới 18 tuổi chiếm 30%; Trong số bệnh nhân trầm cảm, 50% là học sinh.

Căn bệnh trầm cảm ngày càng đến gần hơn với con em chúng ta.

Tại Khoa Tâm thần Nhi của một bệnh viện thuộc Đại học Bắc Kinh, lúc 10 giờ sáng, cửa phòng khám đã vây kín bởi các bậc phụ huynh đang hồi hộp chờ gọi. Những chiếc ghế chờ bên cạnh đầy trẻ nhỏ. Đến 6h tối vẫn còn rất nhiều phụ huynh chờ đợi cùng con.

Trịnh Nghị, Giáo sư khoa Thần kinh Nhi tại Bệnh viện An Định Bắc Kinh, nhớ lại rằng khi ông mới trở thành bác sĩ, trẻ em và thanh thiếu niên gặp ít vấn đề hơn, vào thời điểm đó, một khoa có hơn 20 giường, về cơ bản là đủ. Nhưng mấy năm nay, số lượng giường bệnh của khoa đã tăng lên 60, cộng với khoa đặc biệt, tổng cộng có hơn trăm giường nhưng vẫn thiếu...

Khi mỗi đứa trẻ được sinh ra, hy vọng duy nhất của cha mẹ là trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ thường quên đi ý định ban đầu của mình và ngày càng đặt nhiều kỳ vọng.

Trên thực tế, đối với cuộc đời của một đứa trẻ, những điều đẹp đẽ nhất không phải là điểm số hay tiền bạc, mà là tình yêu thương, trí tuệ, tự do và hạnh phúc.

Có ba gợi ý dành cho các bậc phụ huynh:

1. Chọn trường cho con không phải là tìm trường tốt nhất mà là tìm trường phù hợp nhất

Việc cha mẹ đau đầu chọn trường cho con là chuyện rất bình thường. Nhưng "giải pháp tối ưu" được cha mẹ lựa chọn kỹ càng có thực sự phù hợp với con? Thật sự muốn chọn trường cho con, không phải là tìm trường tốt nhất, mà là trường phù hợp nhất. Hãy tìm loại đất phù hợp cho con bạn để trẻ có thể thực sự bén rễ và phát triển.

2. Đừng để trẻ sống như nô lệ của điểm số khi còn nhỏ

Chúng ta không nên để trẻ phải đeo gông cùm của điểm số ngay từ khi còn nhỏ, mà hãy nói với trẻ rằng điểm số không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá cuộc đời. Con nên có cuộc sống, sở thích và vòng tròn bạn bè của riêng mình, nên chơi, tập thể dục và chạy dưới ánh mặt trời.

3. Cho phép trẻ nhảy ra khỏi "đường đua" và tự mình sống cuộc đời mình

Nhiều cha mẹ cảm thấy rằng vào trường tốt nhất, đạt điểm cao và làm một công ty lớn với mức lương cao là một cuộc sống thành công. Nhưng trên thực tế, chưa bao giờ có một tiêu chuẩn chung về sự thành công hay xuất sắc. Mỗi đứa trẻ là một kho báu duy nhất.

Chúng ta không thể dùng cùng một thước đo để đo lường những cuộc đời khác nhau. Một số trẻ em thích côn trùng và mơ ước trở thành nhà sinh vật học, đó cũng là một loại vĩ đại. Một số trẻ em thích hoa và mơ ước sau này mở một cửa hàng hoa, đó cũng là một loại hạnh phúc.

Chúng ta nên tôn trọng tình yêu của đứa trẻ, thay vì để nó bị ràng buộc bởi các quy tắc và quy định. Thành công lớn nhất của bậc làm cha làm mẹ là nuôi dạy con khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc và tiến bộ. 


Chia sẻ