Ký ức sống

Tản mạn về cái cửa sổ

,
Chia sẻ

Cửa sổ đã vượt ra nhiều điều hơn là chức năng sử dụng của nó.

Về phương diện kiến trúc, cái cửa sổ là một bộ phận không thể thiếu được ở bất cứ một ngôi nhà nào, nhất là trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta. Cụ thể hơn, nó có nhiệm vụ lấy ánh sáng, lấy gió, ngăn tiếng ồn và chống trộm cắp. Tất nhiên là về mặt mỹ quan, cửa sổ làm cho ngôi nhà thêm đẹp, thêm xinh nếu như được bố trí hợp lý. Thử tưởng tượng một ngôi nhà vài ba tầng mà không có cửa sổ thì kín bưng khác gì cái lô cốt.
 
Cửa sổ phố xưa như mắt nhà (Ảnh 3D Hanoi)

Từ ngày thị trường bung ra, thân phận cái cửa sổ cũng có một bước ngoặt mới. Thoạt đầu, người ta sính kính và nhôm nên phá cửa sổ có cánh đi, lên khung nhôm kính cho nó đúng mốt thời thượng. Nắng tha hồ mà vào nhà vì chẳng còn cửa chớp ở phía trong  nữa. Người ta đã có dự phòng một cái rèm xinh tươi ở sau làn kính rồi đấy,  nhưng khốn nỗi, khi kéo rèm lại, vào những ngày nắng trung bình thôi thì cũng thấy tối và bức bối. Vậy là phải bật điều hoà lên. Hưởng thụ cái mốt mát mẻ tốn tiền này chưa phải là thói quen của người mình. Vậy là phải cải cách một chút, nghĩa là trong cả mảng kính ở mặt tiền cũng có vài ô kính mở ra được để đón gió tự nhiên. Vậy là lại lỉnh kỉnh, ấy là chưa kể đến cái nạn trộm leo vào đúng cái chỗ đục cửa ra ấy, như nhà ông A, bà B ở phố nọ, đường kia.
 
 Bấy giờ, mới nghĩ ra rằng cái bọn Tây xưa kia thế mà khôn. Cửa sổ kính chớp, lại có chấn song là phù hợp với khí hậu và con người bản xứ. Gần đây, lại có các loại của bằng nhựa của Tầu, rồi của cao cấp như "Ơ rô uyn đô" kín và khít đến kinh người. Xem quảng cáo trên ti vi mà đã thấy chất lượng ghê gớm: đóng mở đủ các chiều, lại kín đến nỗi nhà ngay mặt phố tàu xe qua lại nườm nượp, còi bóp inh ỏi  mà trong nhà vẫn yên ả, tiếng dương cầm thánh thót nghe rõ mồn một.
 
Những sắc màu cửa sổ một thuở chưa xa

Ngôi nhà tôi ở đối diện với một toà nhà năm tầng. Thật ra đây là nhà tập thể xây từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Mặt bên ngôi nhà này có mảng tường đặc không cửa sổ và mảng có cửa sổ. Thế nhưng số phận của những cửa sổ này cũng thay đổi luôn theo ý thích của những người ở tại đây, chẳng đếm xỉa gì tới mỹ quan chung. Tầng năm thì làm lại chấn song theo kiểu hoa vòng vèo cho lạ mắt và sơn mầu đỏ choé cho khác với chấn song của các tầng dưới, tầng bốn thì làm lại cả  bộ cửa bằng gỗ lim đánh bóng lộn nằm trong hộp khung cho dễ đóng mở, và cho thiên hạ biết là của sổ cao cấp, tầng ba tự nhiên lại thu hẹp của sổ lại, tuồng như chủ nhân sợ ánh sáng, còn tầng hai cũng chẳng chịu thua, đục luôn một cái hốc to tướng dưới bệ cửa để nhét máy điều hoà một cục, sơn trát qua loa. Đã thế, ngay mảng tường đặc kề bên, ở tầng bốn, có ông vùa mua lại căn hộ, ngang nhiên đục ra một cái cửa sổ rất vô duyên.
 
 Thế đấy, người ta kêu ca về nạn cơi nới, lấn chiếm đất công ở tầng một nhưng ít ai để ý đến những thay đổi làm mất mỹ quan của từng ngôi nhà do đục phá của sổ lung tung, mà vốn dĩ nó đã bị xuống cấp, xấu xí lắm rồi. Nghe đâu, tại một vài khu đô thị mới, nhà cao đến mười mấy tầng, quảng cáo rùm beng là rất bền đẹp và hiện đại mà có hộ đã phải tốn thêm mấy chục triệu đồng để thay đổi lại toàn bộ cánh của sổ để khắc phục những cơn gió mạnh ở trên cao và để chống ánh nắng chói chang vào những ngày hè.
 
Cái cửa sổ, nghe ra là chuyện vặt nhưng thiết kế nó và sử dụng nó cho đúng, cho hợp không phải là điều đơn giản. Nhìn ngôi nhà như tôi vừa mô tả trên, chắc người nước ngoài chỉ liếc qua đã biết rõ được trình độ dân trí của những người mang tiếng là trí thức đang sống trong những toà nhà như thế.
 
Nồng nàn một hồi ức
 
Gần đây người ta lại mê kiểu nhà của Tây đầu thế kỷ, thế nên mái đá đen kiểu măng sác (manchard), nhà quét vôi vàng, cửa sổ kính chớp lại thịnh hành. Quanh Hà Nội, thiếu gì trụ sở của Uỷ ban nhân dân quận huyện mà cứ na ná như Chủ tịch Phủ tại đường Hùng Vương ấy. Chẳng phải vì người ta thấy công dụng của cửa kính chớp mà làm như vậy, mà vì thích bắt chước kiểu này, kiểu kia sau khi đã chán kính cùng nhôm, chán các kiểu mái chỏm nhọn. Họ không hiểu gì về kiến trúc, và tai hại hơn là những người có nghề kiến trúc lại phục vụ họ tận tình, quên cả cái gọi là "kiến trúc đức". Vì thế nên mới có người nhắn nhủ rằng:
 
Biết anh là " kiến trúc gia"
Phú ông thuê vẽ vila một toà
Anh rằng sẽ có ngôi nhà
Vừa ý ông chủ, nhưng mà... đầu tiên
Chủ rằng cậu chớ ngại phiền
Tiền đâu tôi chịu, tất nhiên chu toàn
Chỉ cần thiết kế đàng hoàng
Mô đéc thời thượng thật sang với đời
Miễn là cậu cứ nghe lời
Thể hiện đúng ý chịu chơi của mình.
Thế rồi lên một công trình
Ai nhìn cũng phải giật mình thất kinh
Nhà ở hay một cái đình?
Com-lê đội nón, dáng hình quái thai
Lại còn trang trí mặt ngoài
Đá đen tầng dưới, trát mài tầng trên
Chủ nhân được dịp khoe tiền
Rào sắt uốn éo từ hiên đến vườn
Ông làm cho đẹp phố phường
Hay là bôi bẩn môi trường cảnh quan ?
Còn điều nữa đáng phàn nàn:
Về anh " kiến trúc" tham lam hơn Bờm
Méo nghề vì cái niêu cơm!

Kim Thi

Chia sẻ