"Bệnh nhà kín" hay hội chứng nhà cao tầng

,
Chia sẻ

Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nặng đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó tập trung, mũi bị kích thích, khô họng, da mặt khô, ngứa, nóng, căng hoặc đỏ...

 Đó là triệu chứng đã mắc ''bệnh nhà kín'', còn gọi là hội chứng nhà cao tầng hoặc hội chứng đau yếu do nhà ở. Bệnh này không có gì lạ với những người sống và làm việc trong các tòa cao ốc...

Trong một diễn đàn quốc gia về sức khỏe môi trường mới đây tại Việt nam, một cán bộ của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động đã có tham luận về ''bệnh nhà kín''. Đây là một loại bệnh được hiểu là những triệu chứng ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe hoặc tiện nghi của những người sống và làm việc trong những tòa nhà, thường là những tòa nhà có kết cấu kín.

Bệnh nhà kín nằm ngay quanh ta

Tại các tòa nhà này, mọi người tiếp xúc thường xuyên với các nguồn ô nhiễm từ các vật liệu trong nhà như: amiăng từ các lớp cách nhiệt, cách âm; bụi sợi từ tần, phin lọc; bụi vô cơ và hữu cơ từ các loại thảm, giấy dán tường, màn treo...

Ngòai ra, còn có ô nhiễm từ các họat động của con người như: khói thuốc lá, hệ thống lò sưởi, các loại bếp đun, các thiết bị máy móc... Ô nhiễm từ các loại ký sinh trùng da, lông của gia cầm gia súc, nấm mốc vi khuẩn từ nệm, thảm, vải, phấn hóa, sâu bọ...

Thậm chí ngay cả các yếu tố vi khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bức xạ nhiệt..; chiếu sáng, tiếng ồn, độ rung và các yếu tố tâm lý (lo lắng, mối quan tâm công việc, mức độ tự chủ, không gian làm việc...) đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà (viết tắt là IAQ).

Từ những năm 1970, để tiết kiệm năng lượng do giá năng lượng tăng, người ta tăng cường biện pháp cách nhiệt, làm kín nhà, giảm đi một số giá trị khuyến cáo như không khí trong sạch, cường độ chiếu sáng, nhiệt độ không khí... Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, nhất là các vùng nông thôn miền núi với kết cấu nhà ở chủ yếu thoáng hở, dễ ảnh hưởng bởi không khí ngoài nhà (bụi, phấn hoa, SO2, NOx, O3...). Việc sử dụng đun nấu bằng các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt hoặc củi, rơm rạ... có thể phát sinh lượng bụi hô hấp gấp 10-100 lần so với dùng ga.

Với chất lượng IAQ như vậy- hội chứng nhà bệnh, viết tắt là SBS, xuất hiện. Mặc dù chưa nổi cộm như các bệnh nghề nghiệp trong sản xuất công nghiệp nhưng SBS đang được các nhà khoa học nghiên cứu đặt ra những vấn đề về điều kiện lao động và sức khỏe.

Tuy nhiên, khi hỏi về ''bệnh nhà kín'' thì phần lớn không ai biết rõ, ngay cả đối với nhân viên văn phòng, những người sống và làm việc trong các tòa cao ốc. Thậm chí, khi nghe phân tích về bệnh này, nhiều người coi hoàn toàn bình thường như việc hàng ngày vẫn tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm đó mà ... không hề biết nguy cơ gây bệnh!

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những ảnh hưởng chính đến sức khỏe cộng đồng từ IAQ là viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi. Biểu hiện của IAQ ảnh hưởng chính đến hệ hô hấp và tim mạch với các triệu chứng như đau đầu, kích thích mắt mũi họng; tình trạng buồn ngủ, uể oải, thẫn thờ; mệt mỏi thần kinh; hôn mê, ngủ lịm, thậm chí tử vong (do CO2, vi khuẩn Legionella).

Trên thế giới có khoảng 30% các tòa nhà mới xây hoặc mới sửa chữa có khả năng phải chịu tỷ lệ cao bất thường những lời kêu ca về chất lượng không khí trong nhà... Vương quốc Anh chi phí 360-650 triệu bảng Anh hàng năm cho SBS; hay như Thụy Điển cứ 4 người dân lại có 1 người chịu ảnh hưởng ít nhiều từ SBS; còn ở Mỹ thì cứ 3 tòa nhà có 1 tòa nhà có khả năng gây SBS...

Việt Nam quá ít nghiên cứu về IAQ và chưa có tiêu chuẩn về IAQ

 

Màn treo, lớp cách nhiệt, hoa giả... đều có thể là tác nhân gây bệnh

Ở nước ta, IAQ đã được một số nhà khoa học nghiên cứu, nhưng hầu như chưa có một nghiên cứ nào về SBS tại các nhà cao tầng. Nếu có thì rất ít ỏi, chủ yếu là những nghiên cứu về ô nhiễm môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng.

Năm 1997-1998, nhóm tác giả Trịnh Xuân Minh trong một điều tra về hiện trạng môi trường nhà ở trong các khu chung cư cũ ở Hà Nội cho thấy ô nhiễm không khí chủ yếu là khí CO và H2S do chất đốt trong quá trình đun nấu, đặc biệt nồng độ các chất khí này cao hơn nhiều khi dùng bếp than so với dùng bếp ga. Ngoài ra là ô nhiễm về mùi do chất lượng nhà ở kém, đặc biệt là cá khu vệ sinh, bếp, đường ống thóat, chỗ lưu chất thải. Các số liệu thống kê qua điều tra sức khỏe dân cư cho thấy tình trạng bệnh tật của người dân ở chung cư là khá cao. Nhưng đây lại không phải là nghiên cứu về IAQ với SBS tại các nhà cao tầng có kết cấu kín.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay thì kết cấu nhà ở, nhà làm việc và trang thiết bị nội thất cũng như nhu cầu về tiện nghi sống và tiện nghi làm việc thay đổi, nhất là việc xây nhà cao tầng làm văn phòng, trung tâm giao dịch, thương mại có xu thế ngày càng phát triển mạnh.

Thông thường những tòa nhà này có kết cấu kính kín hoặc nửa kín lắp đặt hệ thống điều hòa không khí và thông gió trung tâm, dẫn đến lao động văn phòng thường xuyên trong không gian kín, tỷ lệ người làm việc với màn hình và trang thiết bị văn phòng khá cao chủ yếu cường độ lao động trí óc lớn. Điều này đòi hỏi nếu không thực hiện đúng những yêu cầu về lượng không khí sạch cần thiết về chất lượng không khí cấp vào, về các chế độ bảo dưỡng hệ thống, chế độ vệ sinh định kỳ... sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, từ đó giảm năng suất lao động, tủy lệ nghỉ làm việc tăng lên...

Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động cũng tổ chức tiến hành khảo sát hai tòa nhà tại 35 Hai Bà Trưng và 154 Nguyễn Thái Học. Hai tòa nhà này từ 8-10 tầng có kết cấu kín, sử dụng điều hòa không khí trung tâm và khai thác cho mục đích văn phòng. Kết quả, về cơ bản các chỉ tiêu khảo sát đạt yêu cầu, trừ nồng độ bụi và tổng vi khuẩn hiếu khí. Ngoài ra, độ rọi ánh sáng đạt tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng nói chung vẫn ở mức thấp và hệ số không đồng đều còn cao.

Từ đó, dẫn đến tỷ lệ mắc các triệu chứng đặc trưng cho SBS tại hai tòa nhà khảo sát là khá cao, đặc biệt là các triệu trứng liên quan đến các tuyến nhầy (mắt, mũi, họng) như: ngứa mắt, khô mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi, đau đầu, ngứa họng, khô họng, ho, mệt mỏi, khó tập trung... Các triệu chứng này ở những người làm việc tại hai tòa nhà xuất hiện vào những thời điểm không rõ ràng trong ngày và mất đi sau kỳ nghỉ cuối tuần hoặc sau khi rời khỏi tòa nhà. Cho thấy, ít nhất tại hai tòa nhà khảo sát đã xuất hiện SBS.

Những việc cần làm để ''đuổi'' SBS

Nhóm tác giả khảo sát thuộc Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động nêu trên đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên văn phòng, trong đó có nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả của hệ thống điều hòa không khí định kỳ vệ sinh, đặc biệt là phin lọc để bảo đảm hiệu quả của hệ thống và ngăn ngừa ô nhiễm trong phòng, đặc biệt là ô nhiễm sinh học.

 Cần luôn luôn thông thoáng, đặc biệt khu để máy in và các thiết bị điện tử

Ngoài ra cũng đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tối đa các chất ô nhiễm không khí như: tăng cường thông gió, giảm nhiệt độ và độ ẩm trong phòng, sử dụng các lọai gỗ ép dùng nhựa gốc phenol; bố trí hệ thống thông gió hút tại khu vực dành riêng cho hút thuốc lá, nhà vệ sinh, bếp.

Cần phải vệ sinh hàng ngày bàn ghế, thảm trải sàn; chỉ sử dụng chất tẩy rửa và diệt côn trùng nằm trong danh mục cho phép khi có ít người nhất và tăng cường hoạt động của hệ thống thông gió; giảm thiểu ô nhiễm amiăng bằng cách hạn chế sử dụng vật liệu xây dựng, cách âm, cách nhiệt chứa amiăng

Các nhà nghiên cứu còn đề xuất cần sắp xếp hợp lý trang thiết bị văn phòng, nhất là đối với các loại máy có phát sinh ozon, bức xạ iôn hóa như máy photocopy, máy in, lò vi sóng... nên bố trí vào những khu vực riêng có thông gió hút.

Đồng thời cải thiện hệ thống chiếu sáng bằng việc kết hợp chiếu sáng tự nhiên với chiếu sáng nhân tạo đảm bảo môi trường ánh sáng đồng đều trong phòng làm việc hạn chế mệt mỏi thị giác...
 
Theo ykhoa.net
Chia sẻ