Nguy cơ nhiễm độc thực phẩm từ chai, lọ tái sử dụng

,
Chia sẻ

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, thói quen giữ lại các loại chai, lọ, hộp nhựa đựng nước, dầu ăn, thực phẩm, bánh kẹo... để tái sử dụng có thể khiến cơ thể bị nhiễm độc thực phẩm.

Mối nguy hiểm từ sự tùy tiện
 
Chị Trần Thị Lê, nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội sẵn có tủ bếp rộng nên từ muối, đường, gia vị, dấm ngâm tỏi, ớt... chị đều dùng tuốt chai nhựa, hộp nhựa. Theo chị: “Những chiếc hộp nhựa trong, không có mùi chắc là làm từ nhựa tốt, không độc hại. Nhiều khi đi siêu thị, thấy hộp đẹp thì mua hàng để lấy hộp đựng cho nhà bếp, chứ không phải vì đồ chứa trong đó”.
 
Theo chị Nguyễn Thị Hà, chuyên bán đồ nhựa ở chợ Tam Đa (Thụy Khuê, Hà Nội): “Các cửa hàng, quầy hàng bán đồ nhựa đều bày rất nhiều chai, lọ, hộp nhựa hình dáng đẹp, màu trắng trong, giá rẻ (3.000 – 5.000 đồng/lọ nhỏ, hộp từ 3- 5kg giá 8.000 đồng), nên mặt hàng này rất thu hút các bà nội trợ”.


Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, những sản phẩm làm từ nhựa nguyên chất thì không độc, nhưng những chất phụ gia hoá dẻo, chất độn, chất gia cường, chất chống tia tử ngoại, bột màu... có nhiều độc tố gây hại cho người sử dụng. Nhựa tái sinh sẽ lẫn nhiều tạp chất, dễ bị thôi nhiễm khi đựng đồ mặn, chua, nóng. Ngay những loại chai nhựa PET chứa dầu ăn, nước uống khi ở môi trường tự nhiên rất khó làm sạch, có khi chứa cả vi khuẩn gây bệnh nếu bị dùng chứa đồ ăn có tính axít như dưa cà, mắm, dấm hoặc đựng nước nóng, để nơi có nhiệt độ cao.

“Người tiêu dùng không nên đựng rượu, mắm, muối, dấm... đặc biệt là ngâm rượu thuốc nhiều ngày trong những chai lọ đựng nước, dầu ăn để tránh bị thôi nhiễm, gây nhiễm độc cơ thể” - TS Trần Văn Quang.



Các chất polymer dẻo, trong suốt được tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và kim loại đựng thực phẩm (bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai...) có thể bị thôi nhiễm khi bị đun nóng, hoặc làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc đựng đồ ăn, thức uống có axít.
 
TS Nguyễn Duy Thịnh nói: “Đồ nhựa nhà bếp của các hãng lớn trong nước và hàng nhập khẩu hầu như có đủ tính năng kháng khuẩn, chịu nhiệt nóng lạnh, khử mùi, chống tác động của tia tử ngoại... Những chất dẻo làm bao bì chứa thực phẩm lỏng của các thương hiệu nổi tiếng đều an toàn vì nhà sản xuất phải tuân thủ quy định pháp lý về chất lượng bao bì nhựa. Nhưng mối nguy hiểm tiềm ẩn là sự tùy tiện dùng lại bao bì, chai lọ nhựa cũ của các bà nội trợ”.
 
Độc do dùng  chưa đúng cách
 
TS  Trần Văn Quang, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, những sản phẩm nhựa tiết kiệm chứa thực phẩm hiện nay có loại chưa an toàn. Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định nhựa nào dùng cho thực phẩm, nhựa nào thì không được dùng, nhưng công tác hậu kiểm các loại đồ nhựa đựng thực phẩm trên thị trường chưa được quan tâm nhiều. Theo TS Trần Văn Quang, các loại nhựa tổng hợp của nhiều loại nhựa khác nhau sẽ làm thay đổi tính chất, hoá dẻo... nếu dùng lại không đúng cách sẽ rất nguy hiểm.
 
Kể cả đồ nhựa của các hãng có uy tín, bởi chai đựng thực phẩm này mà dùng cho thực phẩm khác cũng gây nguy hại cho sức khoẻ. TS Thịnh dẫn chứng, ví như chai đựng nước khoáng, độ trung hoà của nó bằng 7, là nước trung tính, nhưng đựng dấm, mắm... có tính axít là bị thôi dần ra.
 
Những thùng nhựa đựng sơn nước đẹp đẽ, rửa sạch đựng nước thì không sao, nhưng muối dưa, cà là hóa chất độc hại của sơn thấm vào nhựa sẽ khuyếch tán ra, gây hoại tử mô, kích ứng da... Chất hoá dẻo trong đồ nhựa sẽ gây độc tính qua đường ăn uống, chất tạo màu gây ung thư... Các chén, đĩa, tô, ly làm bằng nhựa melamine nhẹ, đẹp, chịu nhiệt, nhưng nếu cơ sở làm ăn gian dối, thay nguyên liệu khác để hạ giá thành thì ở nhiệt độ quá 60oC chúng sẽ thôi chất độc ra làm hại cho sức khoẻ con người.
 
Theo các nhà khoa học, nếu nhựa nhiễm vi khuẩn từ nhựa rác thải y tế còn mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm hơn bởi khâu xử lý phân loại, làm sạch nhựa phế liệu ở ta chỉ đơn giản là ngâm nước có hoá chất tẩy rửa, làm trắng nên không thể loại bỏ hết tạp chất. Nếu quá trình sản xuất pha chế nguyên liệu, phụ gia không đúng kỹ thuật, gia nhiệt không đạt yêu cầu cũng tạo ra thành phần hoá học độc hại, dẫn đến ung thư, dị tật thai nhi.
 
TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ rằng: Nếu hộp, chai lọ dùng đựng nước thì chỉ để đựng nước, dùng đựng đồ chua cay mặn, thì mới dùng để ngâm dấm, tỏi, ớt. Khi chọn mua đồ nhựa, ngoài sự “bắt mắt” cần phải chú ý chọn loại bề mặt không bị nhám, trầy xước, cong vênh, không chọn loại có ba - via ở đường khép khuôn (vành, miệng, quai), đặc biệt là không chọn loại cầm lên đã thấy mùi hắc, vì đó là những sản phẩm rất không an toàn. Tuyệt đối không được dùng các thùng nhựa đã đựng hóa chất để đựng nước ăn hay các loại thực phẩm lỏng.
 
Theo Hà Dương
Giadinhnet
Chia sẻ