Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

"Tại sao bạn lại cố gắng làm tôi bối rối?". Anh gì ơi, nhiều người Việt hẳn hoi cũng đang bối rối như anh đây nè.

Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao thứ TƯ không đọc là thứ... BỐN? Có những cách đọc vốn dĩ quá quen thuộc, chúng ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Thế nhưng không có nghĩa là ai cũng hiểu tại sao nó lại đọc thế này mà không đọc thế kia, đến khi được chỉ ra, mình mới... ngớ người thốt lên: Ừ, sao vậy nhỉ?

Cũng câu hỏi đầu tiên ở trên, mới đây một người nước ngoài sống tại Việt Nam đăng chia sẻ việc học tiếng Việt và thắc mắc tương tự. Anh này cho rằng, khi học các ngày trong tuần, Monday là thứ hai, Tuesday là thứ ba, Thursday là thứ năm, vậy thì tại sao Wednesday không gọi là thứ BỐN mà lại là thứ TƯ? Đồng thời chốt một câu khiến dân tình vừa thương vừa cười mém xỉu: "Tại sao các bạn cố gắng làm tôi bối rối?".

Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt - Ảnh 1.

"Tại sao các bạn cố gắng làm tôi bối rối?".

Có người cũng thắc mắc tương tự: Đọc TƯ thì "okay", nhưng "Mười Tư" thì "not okay", sau đó "hai mươi Tư" lại Okay??? Nhưng khoan nào, "kịch tính" xảy ra sau đó khi rất, rất nhiều người là người Việt 100% cũng không hiểu tại sao thứ TƯ không phải là... thứ BỐN? Một số còn thở phào may mắn vì mình là... người Việt, chứ nếu không phải học ngoại ngữ là tiếng Việt cũng đủ đau đầu bởi quá lắt léo. 

Câu hỏi khiến dân tình thi nhau trả lời lia lịa. Người thì cho rằng vì cách đọc thứ TƯ sẽ dễ hơn thứ BỐN, người khác lại cho rằng, cách đọc phụ thuộc vào... tâm trạng. Thứ 2, 3, 4, 5 đọc với âm thanh bình thường vì đó là ngày phải làm việc. Thứ 6 "tone" cao hơn vì sắp tới thứ 7. Và thứ 7 (ngày nghỉ) là âm điệu tuyệt vời nhất. Chủ nhật lại bị tuột... mood (sắp đến thứ hai). 

Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt - Ảnh 2.

Có người còn cho rằng, cách đọc phụ thuộc vào tâm trạng của bạn. Chúa tể ngôn ngữ, bà hoàng giải mã là đây chứ đâu!

Một người khác chỉ ra, BỐN là Four (số đếm), TƯ là Fourth (số thứ tự) nhận về nhiều lượt like đồng tình nhất. Liệu đây có phải là cách giải thích hợp lý?

Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt - Ảnh 3.

Khi nào đọc TƯ, khi nào đọc BỐN?

Trên thực tế, trước đó, một bài toán đọc bảy mươi TƯ hay bảy mươi BỐN cũng từng gây tranh cãi. Bài toán này nằm trong Đề cương ôn tập cuối học kỳ II của học sinh lớp 1. Đề bài như sau: Hãy khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng. Số 74 đọc là: A. Bảy mươi bốn, B. Bảy mươi tư, C. Bảy bốn, D. Bảy tư.

Học sinh làm bài chọn đáp án A. Giáo viên đánh giá đây là câu trả lời sai và sửa thành đáp án B. Theo đó, số 74 phải được đọc là “bảy mươi TƯ”.

Nhóm đứng về phía học sinh thì cho rằng, thật ra, TƯ là cách đọc của số thứ tự, còn BỐN mới là cách dùng để đọc số đếm. Cho nên, trong ngữ cảnh số đếm như đề bài, giáo viên khi chọn đáp án bảy mươi TƯ không chính xác, phải là bảy mươi BỐN mới đúng. "Nếu cô giáo đọc số 14 là số Mười Tư thì cô giáo đúng. Tất cả những văn bản chính thức đều phải dùng đáp án A", một người nói.

Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt - Ảnh 4.

Bài toán này nằm trong Đề cương ôn tập cuối học kỳ II của học sinh lớp 1 gây tranh cãi.

Nhiều người khác lại cho rằng, cả 2 đáp án đều đúng nên cô giáo gạch bỏ đáp án học sinh là quá cứng nhắc. Theo những người này, nếu ở miền Bắc thì bảy mươi TƯ là đúng còn ở miền Nam thì bảy mươi BỐN, không thể đưa ra đề bài rồi bắt học sinh phải phát âm theo đúng vùng miền của người soạn thảo được. 

Về vấn đề này, một tiến sĩ Ngôn ngữ ở một trường Đại học cho rằng: “TƯ là cách đọc của số thứ tự, còn BỐN mới là cách dùng để đọc số đếm. Chúng ta phải phân biệt rõ hai khái niệm này và cần lưu ý khi sử dụng chúng, trong những ngữ cảnh khác nhau.

“Ví dụ, người ta sẽ nói bốn cái bánh chứ không ai dùng tư cái bánh, anh Tư (nghĩa là người anh thứ tư - chỉ thứ tự). Cho nên, trong ngữ cảnh số đếm như đề bài, tôi không đồng quan điểm với giáo viên khi chọn đáp án bảy mươi TƯ, phải là bảy mươi BỐN mới đúng” - tiến sĩ giải thích thêm.

Người Pháp đang học tiếng Việt ngon ơ thì “cầu cứu” vì phát hiện ra một từ khó hiểu, cư dân mạng đọc xong thở phào: May quá mình người Việt - Ảnh 5.

Tiếng Anh cũng gây "lú" không kém. Tại sao 10 là "ten" nhưng 11 không phải là "ten one" hoặc 16 không phải là "ten six"?

Trở lại trường hợp ở trên, thứ TƯ sẽ là cách đọc chính xác hơn vì đây là cách dùng để chỉ số thứ tự về thời điểm, thời gian. Ngày thứ 4 trong tuần thường đọc là "thứ TƯ" chứ không nên đọc là "thứ BỐN", tháng 4 đọc là "tháng TƯ", không phải là "tháng BỐN". 

Tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ phong phú và giàu màu sắc, cũng bởi thế mà trở nên vô cùng khó học đối với những ai sinh ra không sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Thậm chí có những trường hợp như thế này, ngay cả nhiều người Việt đôi khi cũng "bó tay" không giải thích được. 

Bạn biết chưa? - Tuyến bài mở ra chân trời mới về những điều thú vị giúp chị em học hỏi thêm 1 chút kiến thức mỗi ngày.

Chia sẻ