Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Bên trong ngôi nhà không còn vững chãi, mưa xuống nước ngập tứ bề, người phụ nữ tật nguyền từng là vận động viên bóng bàn cấp thành phố giờ phải cắn răng xỏ từng hạt cườm gia công để cưu mang 17 con người bất hạnh khác.

Đó là hoàn cảnh hiện tại của chị Văn Thị Hoài Thương (49 tuổi, quê Quảng Trị). "Gia đình lớn" của người phụ nữ hiện đang khốn đốn vì nơi ăn, chốn ở đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi trời mưa, nước từ bên ngoài tràn ngược vào trong, chảy ào ào như thác lũ, ngập lên quá cẳng chân. Tất cả thành viên từ già, trẻ đến người không còn lành lặn phải hì hục tát ra mà lòng dạ rối bời. Ngày nào có mưa, ngày đó cả nhà mất ngủ.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Mưa xuống, các thành viên hì hục tát nước ra khỏi nhà.

Mái ấm Đồng cảm của nữ cựu tuyển thủ bóng bàn thành phố xuống cấp.

Từ đứa trẻ khuyết tật mồ côi đến chủ nhân "mái ấm Đồng Cảm"

Năm 6 tuổi, một trận sốt rét quái ác cướp mất hai chân Văn Thị Hoài Thương. 11 tuổi, cha mẹ mất, bỏ Thương bơ vơ trên cõi đời tạm bợ. Dòng chảy mưu sinh cuốn cô bé tàn tật vào Sài Gòn. Tại nơi đất khách quê người, Thương được Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật – mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh) tiếp nhận.

Tưởng cuộc đời đã có chỗ tựa nương thì đến năm 18 tuổi, Thương mang thai. Đứa con trong bụng là của cô với một người đàn ông tàn tật khác – kết quả của mối tình đầu chớm nở. Mặc cảm chuyện bầu bì, sợ Trung tâm không còn "chứa", hai con người bất hạnh dắt díu nhau ra một nghĩa trang bên bờ Thủ Thiêm (quận 2), dựng một túp lều tranh, tá túc tạm và đi bán vé số lấy tiền nuôi con.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Chị Thương bên ngôi nhà xụp xệ, thấp tè của mình.

Và cũng từ lúc này, túp lều tồi tàn của hai vợ chồng được nhiều người tàn tật nghèo khổ khác tìm đến xin họ tá túc. Cảm thương khi chứng kiến nhiều số phận còn khổ cực hơn mình, nên ai đến cậy nhờ, chị Thương cũng gật đầu ưng thuận. Dần dần, ngôi nhà tranh rách nát là nơi trú ngụ của hơn 20 nhân khẩu, ban ngày đi làm thuê làm mướn, tối về xúm tụm rau cháo bên nhau.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Nơi đây là chỗ trú ngụ của nhiều người khuyết tật.

Chứng kiến cảnh mấy chục người tàn tật phải chen chúc nhau cạnh những nấm mồ, nên năm 1996, một người làm công tác di dời hài cốt đã tặng cho vợ chồng chị Thương 11 triệu đồng. Được tiếp vốn, chị dắt díu "đại gia đình" tứ xứ của mình dời xuống khu vực Tân Xuân (huyện Hóc Môn) mua một mảnh đất nhỏ. Cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng chị cũng xây được mái nhà gạch.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Cảm thương cho những kiếp người bất hạnh, chị Thương sánh vai "Lá rách đùm lá tả tơi"

Niềm vui có được chỗ an cư chưa kéo dài được bao lâu thì bất hạnh lại ập xuống, khi chồng chị Thương bất ngờ đổ bệnh. Ngày anh qua đời, bỏ lại chị với hai đứa con thơ, chị khóc hết nước mắt. Gánh nặng nuôi nấng hai con lẫn làm chỗ dựa cho những con người bất hạnh như mình càng biến chị thành một người phụ nữ đầy nghị lực. Vậy là chị làm một chiếc bảng để trước cửa nhà, đề 4 chữ "Mái ấm Đồng cảm". Không phân biệt sang hèn cao thấp, hễ ai là người bất hạnh, cứ đến tìm chị để cùng nương tựa nhau mà sống.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Mái ấm Đồng cảm ra đời từ sự sẻ chia, đồng điệu.

Ai cũng nghèo khổ, lấy tiền đâu mà nâng nền...

Để có kinh phí trang trải, những thành viên trong mái ấm phải lao động cật lực. Họ làm đủ thứ nghề, từ đi bán vé số, may gia công làm thú nhồi bông đến giác hơi, tẩm quất. Tối đến, gần hai mươi con người lại cùng nhau quây quần bên mâm cơm được do chị Thương tự tay nấu nướng. Hôm nào cùng nhau "ế" hay có người đau bệnh, người phụ nữ lại lấy những lon gạo, gói mì, viên thuốc xin được ở các chùa ra nuôi sống mọi người.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm nóng tình người của các thành viên không cùng huyết thống.

Trong chuỗi ngày làm tất cả mọi thứ để tìm đường sống cơ duyên đến với chị Thương khi được một người giới thiệu vào đội bóng bàn của quận Tân Bình.

"Ban đầu mình hơi ngại, vì lớn tuổi rồi lại tàn tật. Nhưng chơi thử lại thấy mê, rồi cũng theo đội luôn. Mà lúc đó mình còn nghĩ là phải ráng chơi cho có giải, để lấy tiền về mua gạo, thịt cho các anh chị em" - chị Thương nhớ lại.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Khi rảnh, chị Thương cùng các thành viên lớn dạy cho những em nhỏ học.

Nghĩ vậy mà thật. Chị liên tục đánh thắng, được chọn vào đội bóng bàn khuyết tật thành phố. Những lần thi đấu đoạt giải, chị vui mừng khi bữa cơm của các thành viên ở nhà sẽ được cải thiện. "Ngoài bóng bàn, mình con đi thi hát, thi nấu ăn nữa. Cứ cái nào có tiền, lo được cái ăn cho mọi người là mình đi" - chị Thương thật thà.

Dưới mái nhà Đồng Cảm rộng chừng 100 mét vuông, chị Thương không chỉ nuôi sống những mảnh đời bất hạnh mà còn dung dưỡng ước mơ cho rất nhiều em nhỏ. Có 7 em đang tuổi ăn học hiện cư ngụ tại đây.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Hai cậu bé Tấn Tài, Tấn Phát phụ đập xà bần để chờ nhà được nâng nền.

Đặng Thị Thu Thảo (22 tuổi) hiện đang là sinh viên năm cuối trường đại học Công Nghiệp (quận Gò Vấp). Ngày cha mất, Thảo vẫn còn rất nhỏ, bản thân lại tật nguyền. Không muốn đứa trẻ lại sống kiếp lang thang bán vé số như cha, một tay chị Thương xin từ quyển tập, cây viết đến tấm áo dài để cô bé tội nghiệp được đến trường. Không phụ lòng dì Thương, giờ đây, khi sắp trọn vẹn ước mơ. Mỗi ngày ngoài giờ học và làm thêm, tối đến Thảo trở về nhà, dạy tiếp cho những em nhỏ khác đang tuổi cắp sách đến trường.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Chị Thương cưu mang ba mẹ con Tấn Tài, Tấn Phát từ nhỏ, khi cha mẹ các em đường ai nấy đi.

Sáng dạ nhất trong đám trẻ có lẽ là hai anh em Phạm Nguyễn Tấn Phát (9 tuổi) và Phạm Nguyễn Tấn Tài (8 tuổi), con chị Phạm Thị Bích Loan (37 tuổi, quê Cần Thơ). Từ lúc đi học đến giờ, cả hai liên tục là học sinh giỏi, được trường cấp học bổng. Mỗi ngày sau giờ đi học, hai đứa trẻ phụ mẹ đi bán vé số kiếm tiền. Trong đầu các em, "cha" là cụm từ gì đó nghe rất mờ nhạt và xa lạ.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 11.

Ngoài giờ học, các em phụ mẹ đi bán vé số.

Vài năm trước, sức khỏe chị Thương bắt đầu suy giảm nghiêm trọng. Đủ thứ bệnh từ viêm xoang, loét dạ dày, thoái hóa cột sống ập vào người phụ nữ. Khoảng một năm trước, trong một lần bị tay nạn, chị Thương không còn khả năng đẩy xe lăn rong ruổi bán vé số nữa. Giờ đây công việc duy nhất mà chị làm được là xỏ hạt cườm, làm hàng gia công.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 12.

Bãi "chiến trường" được tận dụng làm giá treo đồ.

Đó cũng là mốc thời gian mà ngôi nhà mang tên Đồng cảm xây từ năm 1996 bắt đầu xuống cấp, nền nhà bị sụp, thấp hẳn so với mặt đường. Hậu quả là trời cứ đổ mưa trận nào, nước lại chảy vô ào ào như thác đổ. Những lần già trẻ, gái trai cùng nhau tát nước ra ngoài khi trời mưa đã thành cơm bữa, kéo theo nỗi lo sợ các thành viên sau bao nhiêu năm ở cùng phải ly tán mỗi người mỗi ngả. Nghĩ đến chuyện này, nhiều đêm chị Thương trằn trọc không ngủ được, bệnh tật trong người cũng từ đó mà tái phát.

Khi chúng tôi đến, nơi đây đã hóa thành một bãi "chiến trường", ngổn ngang những đống gạch, đất, giấy vụn. Chị Thương bảo những đống xà bần ấy phần do chị mua rẻ được, phần được người ta cho. Nhưng chị chưa biết tính sao, vì lấy đâu tiền thuê thợ nâng nền, sửa sang lại căn nhà. Một anh hàng xóm gần đó thấy tội nghiệp quá, mới sang sơn giúp vài khung cửa sắt đã sét từ rất lâu.

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 13.

Khung cảnh ngổn ngang trước "Mái ấm Đồng cảm".

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 14.

Một người hàng xóm đến phụ sơn các cánh cửa đã gỉ sét trong ngôi nhà.

"Ai cũng nghèo khổ, lấy tiền đâu mà nâng nền liền. Cứ mỗi ngày có đồng nào lại làm một chút. Mấy ngày nay, một số người đã di tản bớt, thuê nhà trọ bên ngoài vì không còn đủ chỗ ngủ..." - nói đến đây, chị Thương lặng im...

Người già, trẻ nhỏ lao đao dưới mái nhà rách bươm của cựu tuyển thủ bóng bàn khuyết tật ở Sài Gòn - Ảnh 15.

Nếu không có đủ tiền sửa nhà, rất có thể các thành viên của mái ấm sẽ ly tán.

Tiếng chị Loan réo hai cậu bé Tấn Tài, Tấn Phát phá tan không khí lặng lẽ. Bỏ chiếc búa đập xà bần xuống, hai em nhanh chóng nhận lấy xấp vé số, giỏ đồ nghề từ mẹ. Công cuộc mưu sinh lại tiếp diễn trong một buổi chiều âm u. Hè đến, chúng phải lao động chăm chỉ hơn để vô năm học còn dễ thở.

Nhìn hai đứa, chị Thương muốn ngăn lại nhưng môi mím chặt. Có lẽ chị nhận ra mình không còn đủ sức chở che cho tất cả. Đến cái nơi chung thân đã xụp xệ, chị còn không lo liệu nổi kia mà...

Chia sẻ