Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Loại trái cây với hình dạng độc đáo, màu sắc bắt mắt và tên gọi mang hàm ý dư thừa, sung túc nên được khá nhiều người dân chọn mua chưng Tết. Tuy nhiên, ít ai biết được trong trái dư chứa nhiều chất độc có thể gây tử vong.

Những ngày cận Tết âm lịch 2018, trên một số tuyến đường ở Sài Gòn xuất hiện tiểu thương bày bán loại trái cây với lời giới thiệu tên gọi là trái dư. Loại trái này vỏ ngoài màu cam, đầu có 5 khía và khá cứng cáp. Chính vì mang cái tên với hàm ý dư dả, sung túc và giá cả cũng khá rẻ nên được nhiều bà nội trợ chọn lựa mua về chưng mâm ngũ quả.

Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 1.

Trái dư được bày bán tại vỉa hè Sài Gòn.

Ghi nhận tại một quầy bán trái cây chưng Tết trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1, TP.HCM), giá bán của loại là 10.000 đồng/trái. Theo tiểu thương, trái dư có nguồn gốc từ nước ngoài, vài năm gần đây được nhập về trồng tại Việt Nam để làm cây kiểng. Lô dư này được họ thu mua từ tỉnh Hậu Giang lên. Chỉ trong ít ngày qua đã tiêu thụ hàng trăm trái.

"Quả này rẻ lại đẹp nên được nhiều người chọn mua lắm. Có ít tiền thì chưng ít, muốn nhiều tiền thì mua nhiều. Mình thấy khách thường chọn để làm mâm ngũ thay thế cho trái dừa"- người bán nói.

Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 2.

Giá bán là 10.000 đồng/trái.

Để tìm hiểu công năng cụ thể của loại quả này, chúng tôi đã liên hệ với TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Tuy nhiên, thông tin mà bác sĩ cung cấp lại vô cùng bất ngờ.

Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 3.

Người mua có thể mang về chưng trên mâm ngũ quả hay treo thành xâu.

Theo đó, loại quả mà người dân thường gọi là trái dư (thừa) thực chất còn được gọi là cà vú dê – tên khoa học là Solanum mammosum L. Cây cà vú dê nhỏ, cứng và cao tới 1,5m, có lông dày và gai. Quả cà vú vàng, bóng, dài từ 5-8cm, phình rộng ở gốc và có nhiều u lồi ở gần cuống. Loại cây này hoa quả quanh năm, chủ yếu vào mùa thu, mùa đông.

Cà vú dê có nguồn gốc ở Trung Mỹ (Virginia). Do đặc điểm có thể làm cảnh và chưng bán ngày tết (quả to, cứng cáp và lâu hư), đồng thời cũng rất thích hợp với khí hậu miền Tây Nam Bộ, cà vú dê được nhập về Việt Nam trồng, có khi mọc hoang dại ở một số nơi như Lạng Sơn, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Theo TS.BS Lan, bên trong trái cà vú dê có chất độc rất nguy hiểm.

Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 4.

Loại quả mang 5 khía trên đầu còn được gọi là Cà vú dê.

"Cà vú dê chứa các chất solanine và scopolamine với nồng độ cao nên độc tính rất lớn, ngoài ra còn có các độc chất như atropine và hyoscyamine gây ảo giác và liệt cơ. Với liều rất thấp, nó có tác dụng như một chất gây mê. Vì vậy khi con người ăn vào dù với lượng rất nhỏ cũng có thể gây hôn mê. Với liều lớn hơn có thể gây tử vong, nhất là với trẻ nhỏ" – TS.BS Lan phân tích.

Người dân hồn nhiên mang trái “kịch độc” bày bán chưng Tết trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 5.

Theo bác sĩ, Cà vú dê mang chất độc có thể làm chết người.

Bác sĩ cảnh báo, tại Việt Nam vì cây Cà vú được đặt tên là trái dư có ý nghĩa dư thừa nên vài năm gần đây thường được dùng để bày trong mâm ngũ quả, cũng như làm châu kiểng để bán.

Trái dư được trưng trên mâm ngũ quả trên bàn thờ ông địa có vị trí thấp, lại rất bắt mắt vì trái màu vàng, ngoài ra các chậu kiểng cũng rất nhiều trái và đều nằm trong tầm tay với của trẻ nên nguy cơ trẻ lấy ăn là rất cao.

Do đó, bác sĩ khuyên người dân tốt nhất không nên bày trái cây này trong dịp Tết. Nếu trưng bày thì chỉ nên trưng ngoài tầm với của trẻ em.

Chia sẻ