Ngứa do bệnh

,
Chia sẻ

"Tôi bị ngứa, kiêng khem đủ thứ vẫn ngứa, uống thuốc Tây chỉ tạm ổn nhưng không hết, chuyển qua Đông y vẫn... ngứa!

Thật khủng khiếp, đang ngủ trưa hoặc tối đều phải ngồi bật dậy để gãi. Cơn ngứa chỉ dịu đi khi lau bằng nước thật nóng. Mãi đến khi gặp đúng thầy, tôi mới biết ngứa do bệnh thận của tôi mà ra...", bác Kim, 55 tuổi nói về bệnh của mình.

Ngứa từ đâu đến?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa, hay nói cách khác, ngứa là lời báo động của cơ thể khi "gặp chuyện". Bác sĩ Lương Lễ Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp TP.HCM, cho biết: "Tại các nước có nền y tế tiên tiến, người ta khuyên người dân nên đến thầy thuốc khi phát hiện bị dị ứng, không nên xem thường hay tự điều trị. Vì đây là dấu hiệu hệ thống miễn dịch đã sai lệch".

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa. Đầu tiên là dị ứng. Chị Nguyệt Ánh kể: "Tôi bị dị ứng đậu phộng mà mất một thời gian dài mới phát hiện ra "thủ phạm". Bệnh trầm trọng đến mức chỉ cần ăn món gà nấu đậu, là cổ tôi đã "mọc" đốm to đốm  nhỏ. Lỡ mà ăn phải hạt đậu phộng thì... trên thổ dưới tả, mặt biến dạng vì sưng phù. Tôi sợ đến mức không dám ăn uống bên ngoài vì ngại thức ăn được chiên bằng dầu phộng. Bụi cũng là một nguyên nhân gây ngứa khá phổ biến. Các nhà khoa học đã phát hiện ra trong nệm có con mạt bụi nhà, là nguyên nhân gây ngứa ở nhiều người. Ngoài ra, hóa chất (chất tẩy rửa, nước hoa) và cả thuốc (Đông và Tây y), thời tiết nóng hoặc lạnh quá, đều có thể trở thành "thủ phạm". Những người đang có bệnh trong giai đoạn "âm thầm hoạt động" cũng bị ngứa, chẳng hạn như: tiểu đường, ung thư, bệnh gan (viêm gan do virus, do rượu...), suy thận (thận không làm tốt nhiệm vụ loại bỏ chất thải).

"Điều tôi không ngờ là ký sinh trùng cũng gây ngứa! Thỉnh thoảng tôi bị nổi từng chùm như hạt bắp ở tay, bụng... rất ngứa. Đi khám tổng quát, thử phân mới biết bị nhiễm giun lươn, giun móc. Bác sĩ điều trị cho biết, ký sinh trùng định cư trong cơ thể, sau khi "ăn uống  no say" sẽ tiết ra một số độc tố. Cơ thể phát hiện có độc, đã  gửi "văn bản ngứa" để "báo cáo" - bà Thụy, 59 tuổi, kể về trường hợp tự nhiên... ngứa của mình. Ngứa còn là hậu quả của bệnh ngoài da: rôm sảy, nấm...

Sản phụ cũng là đối tượng thường bị ngứa. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM giải thích: "Một số người khi mang thai, nội tiết tố tăng cao, gây kích ứng ngoài da. Chứng ngứa do nội tiết tố này sẽ chóng qua khi cơ thể quen dần. Nhưng, nếu ngứa kéo dài và ngày càng nặng, cần đi khám nội khoa và da liễu để tìm nguyên nhân".

Khi ngứa ta có phản xạ gãi. Ông cha có câu "gãi cho đã ngứa", thế là cứ đúng chỗ ngứa mà gãi đến "trầy vi tróc vảy". Thực tế từ BV Da Liễu TP.HCM cho thấy, gãi dễ tạo ra những vết trầy xước gây nhiễm trùng máu (móng tay dơ), sẹo xấu, thậm chí tạo thành vòng luẩn quẩn ngứa – gãi – ngứa! Do đó, điều đầu tiên cần thay đổi là phản xạ: xoa nhẹ. Riêng với bệnh nhân tiểu đường, tuyệt đối không được gãi, vì dễ bị loét da nhiễm trùng, khó lành vết thương.

Giã từ... ngứa

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa, vì thế cần truy đúng "thủ phạm" thì mới  "cắt nguồn" được. Theo bác sĩ Võ Quang Đỉnh – giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, những ai trong gia đình có người bị hen suyễn dễ bị dị ứng, vì có liên quan đến bệnh chàm thể tạng, mề đay. Đây là những bệnh không thể ngừa, vì vậy, cần chú ý tránh các tác nhân gây dị ứng: lông thú, len, hóa chất, thức ăn... Nếu gia đình không ai bị hen suyễn, dị ứng, sức khỏe từ xưa đến nay tốt mà bỗng dưng...ngứa, cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết, xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng, đi khám da liễu... Mỗi bệnh, thầy thuốc sẽ có cách điều trị riêng.

Về điều trị dị ứng thức ăn, hóa chất... Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP.HCM có phương pháp giải mẫn cảm. Phương pháp này sẽ xác định bệnh nhân dị ứng với chất gì. Sau đó, cho cơ thể bệnh nhân "làm quen" với chất này với liều từ thấp lên cao, đến khi không còn dị ứng. Bên cạnh điều trị, để không bị ngứa, bạn cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, thay chăn gối, drap giường mỗi tuần. Mở rộng cửa để ánh nắng vào nhà, tẩy giun định kỳ. Các loại thú cưng cũng là nguồn gây ngứa (lông, bọ chét...), vì vậy, nếu là người dễ mẫn cảm mà thích nuôi thú, nên có chỗ ở riêng cho chúng...

Theo Phương Nam
PNO
Chia sẻ