Ngôi nhà bí mật cho phụ nữ bị bạo hành

,
Chia sẻ

Ở Hà Nội có một nơi dành cho những phụ nữ muốn “chạy trốn” khỏi bạo lực gia đình, mà chỉ nạn nhân mới được biết địa chỉ. Đã có hơn 100 người vợ khốn khổ đến đây cầu cứu.

Bị chồng dày vò, đánh đập suốt 10 năm trời, không thể chịu nổi nữa, chị M. (26 tuổi, quê Quảng Ninh), ôm hai con lên Hà Nội. Trong tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng, chị tìm tới Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam) cầu cứu với những vết thâm tím, xây xát khắp cơ thể.

Năm 19 tuổi, M. lấy chồng. Cưới nhau được một thời gian, T., chồng chị, sa vào rượu chè, cờ bạc, mỗi lần thua lại về nhà ôm đồ đi bán. Dăm bữa nửa tháng, các chủ nợ lại kéo đến nhà khiến M. sợ hãi, tất tả đi vay tiền trả cho chồng. Hai con gái lần lượt ra đời, T. vẫn không thay đổi, thường xuyên đánh chửi vợ co. Nhiều lần giữa đêm khuya, M. bị chồng lôi dậy đấm đá tới tấp chỉ vì “sao không dỗ con, để nó khóc lóc mãi làm tao không ngủ được”.

Có lần M. đi làm về muộn, bận nấu cháo và cho con bú nên chưa kịp làm cơm. T. đi chơi về đói bụng, chửi bới ầm ĩ, rồi xách phích nước nóng xông vào định dội lên người vợ con, may mà chị kịp ôm bé chạy thoát. Mặc cho gia đình, họ hàng khuyên giải, các đợt đánh đập vợ của anh ta vẫn ngày càng nhiều khiến chị không thể chịu được nữa.

Qua đài phát thanh, chị biết tới Ngôi nhà bình yên trên phố Thụy Khuê nên đã tìm đến. Ngoài việc giúp M. ổn định tâm lý, tìm việc làm, các luật sư ở đây còn giúp chị chuẩn bị các thủ tục pháp lý để ly hôn. Chị đang được ở nhà lánh nạn – một địa điểm bí mật mà người chồng vũ phu không thể biết để đến tìm.

Một bữa cơm ấm cúng tại nhà lánh nạn.
Ảnh do Trung tâm phụ nữ và phát triển cung cấp.


Chị H. (Hà Nội) cũng đang phải cầu sự giúp đỡ của Ngôi nhà bình yên. Vừa kể chuyện cho chuyên gia tư vấn, H. vừa khóc. Khi kết hôn với L.,người đã một lần đổ vỡ , chị nghĩ mình sẽ có một cuộc sống ổn định, không ngờ cuộc hôn nhân này lại trở thành nỗi ám ảnh của chị suốt hơn chục năm qua. Sau khi cưới, chị bị chồng bắt nghỉ việc. Rồi từ khi đón con riêng của L. về nuôi, trong nhà nảy sinh không ít chuyện “mẹ ghẻ con chồng”.  L. cho rằng H. là đầu mối của mọi rắc rối nên thường xuyên trách mắng vợ. 

“Tôi bị coi như người giúp việc, mỗi tháng chỉ được chồng đưa cho hơn 1 triệu để chi tiêu trong gia đình. Tôi không được ra khỏi nhà khi chồng chưa đồng ý. Ngay cả khi sinh con, anh ấy cũng bỏ bê, không chăm sóc”, H. nấc nghẹn.  Gần đây, chị phát hiện chồng “đi lại” với một người tình cũ. Chị khuyên giải nhưng anh không thừa nhận, lại mắng nhiếc vợ là vu khống, gây mất đoàn kết gia đình. Đi đâu, L. cũng rêu rao rằng H. ở nhà nhiều đâm ra bị điên, ghen tuông vô lối đến mức bỏ bê con cái.

Cũng thời gian này, chị H. liên tục nhận được tin nhắn và cuộc gọi tán tỉnh, sàm sỡ từ những số điện thoại lạ. Thế là L. kết tội chị cặp bồ, lợi dụng lúc chồng vắng nhà để theo trai.  Đau lòng nhất với chị là anh còn lôi cả các con vào cuộc, bêu xấu vợ với bà con lối phố. Con chị có lần đã nói: “Đến một lúc nào đó con sẽ bỏ đi và không bao giờ trở lại ngôi nhà này nữa”. Quá bế tắc, H cứ nhắc đi nhắc lại câu hỏi với nhân viên phòng tham vấn, giọng lạc đi: “Tôi nên làm gì đây?”

Tiến sĩ Vũ Kim Thanh, chuyên gia tâm lý trị liệu thuộc Ngôi nhà bình yên cho biết những phụ nữ khi tìm tới đây đều đã thuộc diện “không thể chịu đựng thêm được nữa”. Cơ sở này được mở vào năm 2007 với ba phòng chuyên môn chính: phòng tham vấn, nhà và nhà lánh nạn. Những phụ nữ bị bạo hành khi tìm đến đây sẽ qua phòng tham vấn để các các chuyên gia tâm lý trò chuyện, đánh giá tình trạng để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Bà Đỗ Minh Nhâm, nhân viên phòng tham vấn, cho biết nhà lánh nạn, luôn được đảm bảo bí mật và an ninh tốt. Chỉ những chị em bị đe dọa về sức khỏe và tính mạng mới được làm thủ tục vào đây. Nếu có dấu hiệu tổn thương thân thể, họ sẽ được đưa đến bệnh viện điều trị. Con cái họ được gửi ở nhà trẻ, tối lại về với mẹ. Đã có hơn 100 phụ nữ bị bạo hành tìm lại được sự bình yên và công việc để ổn định cuộc sống từ địa chỉ này.

Nụ cười đã trở lại với M. sau những tháng ngày khổ đau. M. cho biết hai đứa con chị đều được chăm sóc rất tốt, một bé ở nhà trẻ, một mới bước vào năm học mới. “Trong tương lai, mình sẽ kiếm một công việc ở Hà Nội và gửi hai con về cho ông bà ngoại chăm sóc”, chị nói đầy tự tin.

Bà Minh Nhâm cho biết, thường chị em chỉ ở nhà lánh nạn chừng 3-4 tháng là đã ổn định trở lại, rất ít người trở lại lần thứ hai. Có những người chồng cùng vợ đến cảm ơn do đã hiểu nhau hơn và tìm được tiếng nói chung. Họ đón vợ con về và còn tư vấn cho nhiều gia đình gọi điện đến khi gặp các rắc rối.

Hiện Ngôi nhà bình yên đã liên kết với rất nhiều bệnh viện và văn phòng luật sư để sẵn sàng giúp đỡ chị em khi cần. Mọi sự hỗ trợ là hoàn toàn miễn phí.

 
 
Theo Phùng Thế Kha
Đất Việt
Chia sẻ