Ngộ độc thực phẩm mùa hè: Không trừ ai!

Theo Dantri,
Chia sẻ

Ví như thói quen đi chợ mua đồ ăn chiều, đi đón con… xong mới đem thực phẩm về nhà chế biến hay chỉ đậy lồng bàn các món ăn thừa rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Trong 2 tháng trở lại đây, tại TT Chống độc (BV Bạch Mai) ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện, cao điểm trên 10 bệnh nhân/ngày và đối tượng vô cùng phong phú, từ người bình thường đến nhân viên y tế, từ người ăn hàng đến ăn tại nhà.
 
Vì ăn hai chiếc nem chua, bệnh nhân này đã phải nằm viện 6 ngày vì nôn mửa, đau quặn bụng, đi ngoài liên tục. Ảnh: H.Hải 

Nằm điều trị ở Trung tâm chống độc sau khi điều trị tại bệnh viện thị xã không đỡ, đến hôm nay đã được 6 ngày nhưng bệnh nhân Bùi Quốc Liêm (41 tuổi ở Tam Nông, Phú Thọ) vẫn chưa thể xuất viện vì vẫn còn đau quặn bụng, đi ngoài liên tục. Nguyên do là trước đó, anh và đồng nghiệp có rủ nhau đi uống bia hơi với lạc và nem chua sau giờ làm. “Nóng nực, chỉ muốn uống bia giải khát nên tôi cũng chỉ ăn 2 cái nem chua. 5 tiếng sau, tôi bị đau quặn bụng, buồn nôn và đi ngoài liên tục”, anh Liêm kể.  

Đang hỏi chuyện bệnh nhân H., hành lang TT chống độc bỗng ầm ĩ, náo loạn bởi tiếng bước chân người chạy dầm dập. Bệnh nhân là một nữ điều dưỡng của bệnh viện Bạch Mai. Do bị nôn, đi ngoài liên tục, mặt tái xanh nên đã được chuyển ngay lên TT chống độc. Được truyền nước ngay nhưng bệnh nhân này vẫn nằm bệt trên cáng, không thể trả lời khi bác sĩ hỏi mà chỉ có gật và lắc đầu. Qua cơn nguy kịch, chị mới cho biết, 7h sáng nay chị có mua xôi ruốc ăn trước khi đi làm, đến 8h thì bắt đầu đau quặn bụng, rồi đi ngoài nên được đồng nghiệp đưa thẳng vào TT chống độc.

Không chỉ ngộ độc do thức ăn đường phố, có những bệnh nhân nhập viện sau khi ăn thực phẩm chế biến tại nhà bởi khâu bảo quản quá kém như ăn tối với món cá rán đậy lồng bàn từ trưa). “Thời tiết thì oi bức, đồ ăn lắm mỡ, đạm… sẽ là nơi thu hút cả “ổ” vi sinh vật. Bảo quản như vậy bảo sao không bị đi ngoài”, BS Đặng Thị Xuân (TT chống độc) cho biết.

BS Nguyễn Trung Nguyên (TT chống độc) cho biết, tất cả bệnh nhân ngộ độc đều nhập viện trong tình trạng miệng nôn trôn tháo, cá biệt có những trường hợp do nôn, đi ngoài liên tục nên mất nước gây tụt huyết áp, trụy mạch… nên phải hồi sức cấp cứu như với bệnh nhân nặng. Và nguyên nhân chủ yếu là do khâu chế biến và bảo quản chưa hợp vệ sinh trong khi mùa hè là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật sinh sôi.
 
Ví như thói quen đi chợ mua đồ ăn chiều, đi đón con, cho con đi chơi… xong mới đem thực phẩm về nhà chế biến hay chỉ đậy lồng bàn các món ăn thừa, dùng chưa hết để vài tiếng rồi ăn tiếp rất dễ gây ngộ độc thực phẩm. Bởi chỉ trong vài tiếng đồng hồ này, thực phẩm bọc kín trong túi nilon hay những thực phẩm giàu đạm để lâu ngoài môi trường vốn luôn sẵn vi khuẩn… sẽ thành môi trường sống của hàng triệu triệu vi sinh vật độc hại.
 
Tháng 5: 116 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
 
Bộ Y tế cho biết, trong tháng 5/2011, toàn quốc đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm tại 7 tỉnh, thành phố là Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Nghệ An làm 138 người mắc, số người phải nhập viện là 116 người, tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.
 
Về nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy có 2/10 vụ do độc tố tự nhiên trong nấm độc và cá bống hoa, 4/10 vụ ngộ độc do vi sinh vật và 4 vụ ngộ độc chưa xác định được căn nguyên. Như vậy, tích lũy từ ngày 17/12/2010 đến 17/05/2011, trên toàn quốc xảy ra 37 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.613 người mắc, 1.513 người phải nhập viện và tử vong 8 người.
 
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên (TT chống độc), thời điểm này, ngày nào tại TT cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Có những ngày cao điểm có trên 10 bệnh nhân nhập viện. Tình trạng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm bắt đầu tăng từ cuối tháng 3 khi thời tiết chuyển nắng nóng. Tuy nhiên, TT chống độc chỉ là một trong số rất nhiều cơ sở điều trị ngộ độc thực phẩm, nên con số bệnh nhân thực tế chắc chắn là hơn rất nhiều.
Chia sẻ