Nghi can chủ mưu vụ thảm sát bị ảnh hưởng… phim xã hội đen

Theo Tiền phong,
Chia sẻ

Những hành động của kẻ gây ra vụ thảm sát làm 6 người trong gia đình ông Mỹ ở Bình Phước đều bắt chước như trong phim xã hội đen... Đó cũng phần nào lý giải nguồn cơn của những hành động nông nổi trong giới trẻ hiện nay sau những hụt hẫng về tình cảm hay tâm lý.

Học theo phim hành động

Nguyễn Hải Dương, 24 tuổi, nghi can chính và cũng là chủ mưu vụ thảm sát chấn động dư luận mấy ngày qua ở Bình Phước bị hụt hẫng về tình cảm khi ước mơ đổi đời nhờ lấy con gái “đại gia” ngành gỗ bị đổ bể. Dương xuất thân từ gia đình có điều kiện khó khăn, rời quê mưu sinh với hy vọng đổi đời. Được nhận vào làm trong xưởng gỗ Quốc Anh của gia đình ông Lê Văn Mỹ, nạn nhân vụ thảm sát được vài năm, Dương được ông chủ tạo điều kiện và đầu tư cho đi học lái xe, sau đó được giao hẳn chiếc xe tiền tỷ để đưa đón con gái đại gia ngành gỗ ở Bình Phước đi học ở Bình Dương hằng tuần.

Đang từ một công nhân làm ở xưởng gỗ được “đổi đời” lên ngồi xe sang rồi lại yêu được con gái ông chủ đại gia, Dương ôm mộng đổi đời. Khi cuộc sống đang thăng hoa thì mối tình của Dương bị gia đình ngăn cấm, hắn bị người yêu nói lời chia tay.  Đang ở “trên mây”, bỗng Dương bị nhấn chìm xuống đáy biển và giấc mơ đổi đời bỗng tan vỡ. Chàng trai trẻ ôm hận rồi tìm cách trả thù người yêu.


Nghi can Nguyễn Hải Dương (trái) và Vũ Văn Tiến (phải) đã gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước.

Trong buổi thẩm vấn gần đây có sự tham gia của luật sư bảo vệ cho bị can, một điều tra viên của công an tỉnh Bình Phước tiết lộ với phóng viên, Dương khai đã xác định nếu không cưới được Linh thì cuộc đời đến đây là chấm dứt. “Những suy nghĩ giết người yêu và gia đình cô gái này xuất phát từ việc bố mẹ nạn nhân ngăn cản tình cảm hai người vì không “môn đăng hộ đối””- điều tra viên cho biết thêm.

Làm việc với điều tra viên, Dương còn thừa nhận mình là người mê phim xã hội đen và kế hoạch trả thù gia đình người yêu được lên một cách chi tiết, kỹ lưỡng như trong phim. “Các phương án rút lui, phi tang, tạo chứng cứ ngoại phạm cũng được nghi can này chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi gây án, để tạo chứng cứ ngoại phạm, Dương đã mời bạn bè ăn nhậu ở một địa điểm khác. Trong các bộ phim xã hội đen, trước khi phạm tội, những tên sát thủ cũng lên phương án tạo chứng cứ ngoại phạm tương tự như thế”- điều tra viên cho hay.

Những thảm án trong phim xã hội đen, hung thủ cũng tham gia đám tang gia đình nạn nhân rồi tự kết liễu mạng sống của mình sau đó. Và trong thảm án ở Bình Phước, Dương cũng trở lại đám tang các nạn nhân và có ý định tự tử sau khi đám tang kết thúc. “Dương khai rằng đã xác định trả thù là sẽ làm đến cùng, không hề có ý định dừng lại hay nao núng. Kế hoạch của Dương là sau khi đưa tang các nạn nhân sẽ tự vẫn”, một điều tra viên nói.

Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, nguyên nhân quan trọng của vụ thảm sát là sự chưa biết cách ứng xử, đối phó với sự biến chuyển tâm lý đột ngột khi tình yêu tan vỡ, khi tâm lý không được giải tỏa con người rất dễ căng thẳng. Khi niềm tin, sự kỳ vọng càng cao thì sự thù hận càng lớn. “Trong trường hợp của Dương, vì nghĩ rằng bị phản bội, ngăn cản tình cảm nên có suy nghĩ bằng mọi cách phải lấy lại những gì đã mất dẫn đến hành vi giết cả gia đình người yêu để trả thù”, ông Quân nói.

PGS -TS Huỳnh Văn Sơn- Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng, Dương có hành động dã man như thế một phần cũng vì sự ảnh hưởng tiêu cực của phim xã hội đen, game online. “Những hành động tàn bạo, tàn sát, máu me trong phim xã hội đen đã ảnh hưởng vào tâm lý và chi phối suy nghĩ của Dương. Dương tự biến mình thành một sát thủ trong phim xã hội đen”, ông Sơn nói.

Trả giá vì hành động nông nổi

Trái lại với ý chí trả thù của Dương, nghi can Vũ Văn Tiến, 24 tuổi ở Hóc Môn, TPHCM vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó lại lâm vào cảnh nợ nần, thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Khi được Dương rủ đi cướp tài sản của gia đình giàu có ở Bình Phước, Tiến đồng ý và không ngờ đó là kế hoạch trả thù người tình của Dương.

Khi vào được đến nhà đại gia gỗ, thấy Dương ra tay sát hại nạn nhân đầu tiên ngoài cổng thì Tiến đã chùng bước muốn dừng và suốt quá trình gây án, Tiến có đến ba lần khuyên Dương dừng tay nhưng ý chí của Tiến không thắng nổi sự quả quyết của Dương.

Bị hại trong vụ thảm án ở Bình Phước là Dư Minh Vỹ, cháu ông Mỹ, người mở cổng cho Dương và Tiến vào khu biệt thự của ông Mỹ cũng là một nạn nhân của game online. Nắm được tính ham chơi và mê game của Vỹ, Dương đã dụ dỗ, hứa cho tiền và quà để nạn nhân này mở cửa cho hai đối tượng vào bên trong biệt thự.

Với trường hợp của Tiến, PGS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, hành động của Tiến, khi nghe Dương rủ đi cướp của chỉ vì đang túng thiếu, cầm cố tài sản nên đồng ý tham gia, một phần trách nhiệm thuộc về gia đình, bố mẹ khi cuộc sống của con họ không được quan tâm. “Tiến thường không về nhà mà bố mẹ không biết con mình đang làm gì, ở đâu, sống như thế nào. Thiếu đi sự quan tâm, răn dạy kịp thời của người lớn dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ trong chốc lát đã kết thúc cuộc đời của một thanh niên”- PGS Sơn nhìn nhận.

Theo ông, cuộc sống của một thanh niên mới lớn mà thiếu đi sự quan tâm của gia đình thì rất dễ hành động sai trái khi bị dụ dỗ, nhất là khi gặp vấn đề khó khăn về tiền bạc. “Khi đang lâm vào cảnh túng thiếu, suy nghĩ đơn giản và không đủ khả năng để nhận định hành động của mình nguy hại đến mức nào, họ dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Khi đó, nếu có sự quan tâm của gia đình có khi sự việc đã khác”, ông Sơn nói. Còn thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng sự mất mát mà các nạn nhân trực tiếp phải chịu là không tránh khỏi. “Bố mẹ, gia đình, họ hàng không dám ngẩng mặt nhìn bà con làng xã, họ luôn phải sống trong sự lo sợ bởi những lời dèm pha, chê trách của xã hội là cái giá phải trả đau đớn nhất”, thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân nói.

“Với những người bị lệ thuộc vào phim ảnh, mạng xã hội, cuộc sống của họ hoàn toàn bị chi phối. Đối với họ yếu tố quan trọng nhất là sử dụng mạng xã hội. Lúc này chính mạng xã hội này đã chi phối và “điều khiển” mọi hành vi của họ mà chính bản thân họ không hề nhận ra”.

PSG-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

Chia sẻ