Bản tin y tế

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời

NN (TH),
Chia sẻ

Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội bị nghi truyền nhầm máu khiến phụ sản nguy kịch, người dân vùng lũ bị cấp thuốc quá hạn 7 tháng... là các sai phạm chấn động trong ngành y tế gây bức xúc những ngày qua.

Bệnh viện bị nghi truyền nhầm máu cho sản phụ

Ngày 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh - Sơn Tây được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã truyền cho chị Loan tổng cộng 17 bịch máu (250ml/ bịch), trong đó có 7 bịch là do người nhà cho máu, 4 bịch của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện 105.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 1
Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội, nơi phẫu thuật cho chị Nguyễn Thị Loan vào ngày 22/10.

Khi đang tiến hành truyền máu cho chị Loan thì các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã phải chuyển chị Loan lên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương trong tình trạng khả nghi là truyền nhầm nhóm máu.

Các bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.

Sự việc đã khiến cho người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc, kéo đến bao vây bệnh viện đa khoa Sơn Tây yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện phải giải thích rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai sót này.

Tuy nhiên, đến ngày 1/11, sau khi tiến hành hội chẩn giữa các bệnh viện và các chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực huyết học truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai đã khẳng định không có chuyện truyền nhầm máu.

Các kết quả xét nghiệm mới nhất cũng cho thấy sản phụ Nguyễn Thị Loan có nhóm máu B đúng với nhóm máu ban đầu được bệnh viện đa khoa Sơn Tây xác định.

Một bác sĩ cho biết, bệnh nhân Loan bị chảy máu do rối loạn động máu trong bệnh lý của sản khoa chứ không phải rối loạn đông máu do truyền nhầm nhóm máu. Tuy nhiên, khi đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện thấy bệnh nhân bị rối loạn đông máu, vội vàng kết luận bệnh nhân bị truyền nhầm nhóm máu, gây hoang mang cho người nhà bệnh nhân và tạo dư luận không tốt.

Hân hoan đón công dân thứ 90 triệu của Việt Nam

Bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung chào đời lúc 2h45 sáng ngày 1/11, nặng 3,2kg tại Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) được chọn là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Bố em là Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi), mẹ là Lê Thị Duyên (26 tuổi). Gia đình anh Dũng, chị Duyên ở Hoàng Xá, Nam Chính, Nam Sách, Hải Dương.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 2
Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam - bé Nguyễn Thị Thùy Dung.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 3
Bé Dung ngủ ngoan bên cạnh mẹ

Bé Dung có một chị gái 6 tuổi, hiện đang học lớp 1. Bố mẹ bé rất bất ngờ và vui sướng khi biết con mình là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Chị Dung nhập viện vào 8h tối ngày 31/10 và lên bàn đẻ vào khoảng 23h cùng ngày. Tới 2h45 thì sinh cháu. Gia đình không hề biết bé Dung là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam cho đến khi được y bác sĩ thông báo.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 4
Anh Dũng chăm sóc vợ sau sinh

Với 90 triệu dân hiện nay, Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 3 Đông Nam Á.

Chánh thanh tra Sở Y tế dùng cuốc bổ đầu một phụ nữ

Chiều 30/10, ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Sở Y tế báo cáo về việc ông Nguyễn Đức Hoàng (chánh Thanh tra Sở Y tế) dùng cuốc đánh vào đầu người tranh chấp đất.

Trước đó, vào khoảng 8h45' ngày 25/10, đoàn cưỡng chế TP Kon Tum đến tháo dỡ bờ rào bằng lưới B40 do gia đình ông Phan Tân Tiến (45 tuổi, P.Thống Nhất, TP Kon Tum) rào nhằm phản đối việc gia đình bà Phạm Thị Quýt (67 tuổi) đang chuẩn bị xây cất căn nhà tại số 24 Nguyễn Huệ, P.Thống Nhất.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 5
Người cầm cuốc (đội mũ đỏ) là ông Hoàng - chánh Thanh tra Sở Y tế.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 6
Mặt bà Trâm đầy máu sau cú xuống tay của ông Hoàng.

Sau khi đoàn cưỡng chế ra về, người nhà bà Quýt trong đó có ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum đã xảy ra xô xát với nhà ông Tiến. Lúc này, ông Hoàng lấy cuốc bổ vào đầu bà Phan Kim Uyên Trâm (41 tuổi) làm bà Trâm chảy đầy mặt, được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu. Theo lãnh đạo Bệnh viện, bà Trâm bị vết thương dài khoảng 4cm phía trên lông mày bên trái.

Chết vì tiêm ở... tiệm thuốc

Sáng 28/10, bà Nguyễn Thị Trai (SN 1956 ở thôn Đồng Trong, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) bị chết khi đang tiêm thuốc tại một cửa hàng bán lẻ thuốc tân dược ở xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang.

Khoảng 8 giờ sáng 28/10, công an xã nhận được thông tin về một vụ chết người xảy ra tại cửa hàng bán thuốc tân dược của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (thôn Lữ Vân, xã Phúc Sơn). Khi đến nơi thì thấy nạn nhân là bà Nguyễn Thị Trai đang nằm trên giường, mặt tím tái và không còn thở nữa. Khi bác sĩ của Trạm y tế xã Phúc Sơn đến kiểm tra thì xác định bà Trai đã tử vong.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Tân Yên cho biết: Cơ sở bán lẻ thuốc của anh Hưng có đầy đủ các giấy tờ về bán lẻ thuốc nhưng không có chức năng điều trị. Ông Sơn cho rằng: bà Trai chết có thể do 1 trong 2 nguyên nhân: Hoặc là do sốc phản vệ, hoặc là do tác dụng không mong muốn của thuốc đối với người bệnh. Các loại thuốc được tiêm cho bà Trai là tổng hợp gồm 4 loại: Lidocain, Strychnin, B1 và B12. Hai loại thuốc đầu là các loại thuốc giảm đau, hai loại sau là thuốc bổ. Các loại thuốc này được tiêm thẳng vào bắp tay của nạn nhân.

Cấp thuốc quá hạn 7 tháng cho người dân vùng lũ

Mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết đã có công văn đề nghị cấm các loại thuốc của công ty Dược và trang thiết bị y tế Hải Dương lưu thông trên địa bàn Nghệ An trong thời hạn một năm (kể từ ngày 31/10).

Trước đó, vào ngày 19/10, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức đoàn bác sĩ về xã Quỳnh Vinh khám bệnh miễn phí và cấp 1.000 liều Sodobicom (thuốc bổ, có nhiều loại vitamin) của công ty này cho người dân. Sau khi được cấp phát, một số người dân phát hiện thuốc đã quá hạn sử dụng 7 tháng.

Nghi án truyền nhầm máu, công dân thứ 90 triệu chào đời 7

Ngay sau đó, Sở Y tế Nghệ An đã làm việc với Sở Y tế Hải Dương và nhà máy sản xuất thuốc của công ty này. Nhà máy đã nhận khuyết điểm là do "công nhân sản xuất vỏ hộp thuốc phun nhầm hạn sử dụng".

Ngay sau đó, nhà máy cử một đoàn cán bộ đến xin lỗi người dân Quỳnh Vinh đồng thời thu hồi 1.000 liều thuốc quá đát do "phun nhầm" và cấp phát 1.000 liều thuốc Sodobicom mới.

Tổng hợp từ báo Đất Việt, Tuổi Trẻ, Dân Việt
Chia sẻ