Nghề bình dân, thu nhập “khủng”

Theo Gia đình và Xã hội,
Chia sẻ

Không chạy đua vào các ngành “hot”, thậm chí thoạt nghe tên, nhiều người còn e ngại vì sợ khó xin việc làm, thu nhập thấp, nhưng nhiều bạn trẻ đã thực hiện giấc mơ trở thành cử nhân, tiến sĩ từ những ngành nghề vô cùng bình thường này…

Không a dua theo số đông

Đó là câu chuyện của Nguyễn Hải Anh, hiện là nhân viên của Viện Di truyền nông nghiệp. Hải Anh sinh năm 1983 tại Hà Nội. Từ năm lớp 8, Hải Anh đã rất thích môn Sinh học và ấp ủ ước mơ được theo nghề y hay công nghệ sinh học. Đều là các nhà khoa học nên bố mẹ Hải Anh rất tôn trọng con trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Ngày đi thi đại học, Hải Anh làm hồ sơ thi vào khoa Công nghệ sinh học (Viện đại học Mở Hà Nội).

Sau quá trình thực tập tại Viện Di truyền nông nghiệp, đến khi tốt nghiệp đại học, Hải Anh về đây công tác. Sau gần 2 năm làm việc, Hải Anh đi du học nước ngoài. Hiện nay, Hải Anh học tiến sĩ tại Nhật Bản. Hải Anh cũng đã tham gia một đề tài Nghị định thư với Đức, có 2 đề tài cấp Nhà nước và một đề tài hợp tác với Nhật Bản. Trong tương lai, Hải Anh sẽ về nước tham gia nghiên cứu và giảng dạy.

Hải Anh nhận xét: “Nếu so với các ngành kinh tế, ngân hàng thì thu nhập của ngành công nghệ sinh học nói riêng và các ngành nông nghiệp nói chung thấp hơn. Tuy nhiên bù lại, nhiều bạn sẽ có cơ hội du học vì các ngành khoa học kỹ thuật dễ xin học bổng hơn so với các ngành khác”. Đặc biệt, theo Hải Anh, thu nhập của các ngành khoa học hoặc liên quan đến nông nghiệp gần đây cũng được cải thiện nhiều.

Theo kinh nghiệm của Hải Anh, trước khi thi vào đại học, các bạn nên chọn theo ngành nghề mà mình thật sự có hứng thú, chứ không phải chỉ chọn ngành theo số đông. Sau này, nhất định người đó sẽ thành công. Và sự thật là tương lai sẽ chứng minh các ngành nghề đều có tầm quan trọng riêng của nó. “Em nghĩ, chỉ cần mình yêu thích công việc và nó phù hợp với năng lực bản thân thì mình sẽ thành công”, Hải Anh chia sẻ.

Thành công không nhất thiết bằng con đường đại học

Quyết định theo nghề đầu bếp, Nguyễn Văn Trình - Bếp trưởng của chuỗi nhà hàng khá nổi tiếng tại Hà Nội cũng phải đối mặt với những phản ứng kịch liệt từ gia đình. Tốt nghiệp THPT, Trình khăn gói vào TPHCM lập nghiệp. Tại đây, Trình theo nghề đầu bếp và sau 3 năm được nấu chính, Trình trở lại Hà Nội và xin vào làm cho một nhà hàng lớn. Mặc dù thi thố đều có giải nhưng do không có bằng nên Trình quyết định vừa làm, vừa học tại Trường trung cấp Nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội.

Nghề bình dân, thu nhập “khủng” 1
  Nguyễn Văn Trình là điển hình của việc thành đạt không nhất thiết cứ phải vào đại học. 

Sau khi tốt nghiệp, Trình đã từng thi vào vị trí bếp trưởng của nhiều nhà hàng lớn và đã thành công như: Nhà hàng Red Sun, nhà hàng Seun Garden, nhà hàng Aquaria... Sau đó, Trình được mời về làm bếp trưởng cho chuỗi nhà hàng Ao Ta. Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của Trình khoảng 1.000 USD. Nếu làm thêm giờ, Trình được trả thêm 200.000 đồng/giờ. Cái tên Nguyễn Văn Trình không chỉ là một trong những cái tên được “săn đón” trong nghề đầu bếp mà còn là tấm gương cho nhiều người đi lên không nhất thiết cứ phải bằng con đường vào đại học.

Sinh năm 1990, Đặng Văn Giỏi có thu nhập “khủng” khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Hiện nay, Giỏi đang sở hữu khoảng 60 game và ứng dụng, với mức thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 20 triệu đồng. Giỏi sinh ra trong gia đình thuần nông tại Kim Bôi, Hoà Bình. Năm 2007, Giỏi thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH dân lập Hòa Bình. Mới học năm thứ hai nhưng Giỏi đã xin được vào làm việc tại một công ty phần mềm có tên tuổi tại Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học được 1 năm, Giỏi xin nghỉ việc và mở một công ty nhỏ với 8 nhân viên viết phần mềm. Đội ngũ nhân viên của Giỏi đều là các bạn sinh viên mới ra trường, có mức thu nhập tầm 6-12 triệu đồng/tháng. Giỏi cho biết: “Khi em đi tìm những người có kinh nghiệm để hỏi thêm về lĩnh vực game thì thấy đội ngũ nhân lực này ở Việt Nam còn quá khan hiếm, trong khi tiềm năng rất lớn. Để có được kết quả như hiện nay, em phải tự lên mạng tìm tài liệu, mày mò dịch qua dịch lại các tài liệu bằng tiếng Anh bởi tài liệu tiếng Việt hiện nay không có”, Giỏi chia sẻ.

Theo phán đoán của Giỏi, hiện mobile ở nước ta rất phát triển. Đấy là cơ hội cho dân công nghệ có thể tăng thu nhập. Và tương lai, nếu ứng dụng 3D phát triển nhiều trên mobile, tiềm năng của ngành này còn phát triển hơn nữa.

Chia sẻ