Ngày vui đừng quên giữ dáng

,
Chia sẻ

Vào những ngày tết, chúng ta được tự do nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, họp mặt vui chơi và nhất là được ăn uống thoả thích.

Các món ăn được chọn phải vừa ngon, vừa đảm bảo sức khoẻ và kiểm soát cân nặng là một yêu cầu khá quan trọng, nhất là đối với những người thừa cân béo phì hoặc mắc các bệnh mãn tính.

Để thực hiện một chế độ ăn hợp lý, có lợi cho sức khoẻ, cần chú ý thực hiện tốt ba việc quan trọng có liên đới với nhau. Khâu đầu tiên là việc lựa chọn thực phẩm, kế đến là cách chế biến các món ăn, và sau đó là việc chủ động chọn các món ăn và ăn với một mức độ cần thiết cho nhu cầu của mỗi người.

Chọn thực phẩm tươi

Cần chuẩn bị lựa chọn thực phẩm sao cho hợp lý, hợp với túi tiền của mỗi gia đình. Thực phẩm trong những ngày tết rất phong phú, đa dạng, nên chọn các loại thực phẩm tươi, có nhiều dưỡng chất như nhiều vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hoá và chất xơ như rau, củ, quả tươi ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, gạo, nếp ít chà xát để thay thế phần nào cho các món ăn chế biến giàu năng lượng từ chất béo và chất bột đường (các loại bột, gạo đã xay xát, thịt mỡ cá mỡ).
 
Chọn các loại thịt cá nạc, tránh mua dồn nhiều thức ăn trữ lại trong nhà vì tạo điều kiện cho ta có dịp ăn nhiều, dễ làm tăng cân nhanh và dễ gây biến chất, hư hỏng. Nếu được, nên chịu khó mua thức ăn cho từng ngày để đồ ăn luôn được tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chế biến hạn chế chất béo

Khi chế biến các món ăn, khâu này khá quan trọng, tuy là yếu tố khách quan nhưng có tính khêu gợi làm con người khó kiềm chế. Vì vậy, nên hạn chế dầu mỡ trong các món chiên xào, các món hầm kho cần chọn thịt, cá nạc, ít mỡ. Giảm sử dụng các chất bột đường bằng cách giảm cơm, xôi, bánh mì và nên thay nhóm này bằng bún, miến, bánh tráng ít năng lượng hơn kết hợp với các món nhiều vitamin và khoáng chất như rau sống, rau luộc, canh rau quả, canh khoai.
 
Rau củ ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hoá, chúng còn cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho sức khoẻ vì làm giảm hấp thu chất béo, giúp nhuận trường, thải độc. Thực phẩm khi đã chế biến, tốt nhất là nên ăn hết một lần ngay sau đó, tránh để lâu, nhất là tránh hâm đi hâm lại nhiều lần làm biến chất, và dễ bị nhiễm trùng gây ngộ độc thực phẩm.
 
Nên ăn lấy vị chứ không ăn lấy no

Ăn ngon và đủ

Việc mang tính chủ động quan trọng hơn cả là mỗi người nên ăn uống như thế nào cho phù hợp với nhu cầu riêng và bảo vệ được sức khoẻ của mình. Vào các bữa ăn, ngoài dịp được ăn nhiều món mặn còn thêm bánh mứt và rượu bia, nên việc ăn uống dư thừa năng lượng, làm tăng thêm một vài kí lô hoặc tình trạng sức khoẻ giảm sút hơn so với trước tết là điều rất dễ xảy ra. Vì thế cần chú ý tuân thủ một số nguyên tắc ăn uống:

1. Nên ăn lấy vị chứ không ăn lấy no, hằng ngày ta thường phải đi nhiều nơi hoặc phải tiếp khách và phải cùng ăn với khách, nên cố gắng ăn mỗi thứ một chút thôi để có thể thưởng thức được nhiều món ngon, nhưng vẫn đảm bảo không dư thừa.

2. Để đạt được điều trên, chúng ta phải cố gắng tự kiềm chế và biết cách từ chối hoặc chỉ ăn ít lấy lòng khi được mời mọc các món ta ưa thích. Ưu tiên các món nhiều rau củ, các món nhiều nước, ít bột đường hơn cơm như bún, miến, canh, bánh tráng quấn thịt, cá với rau cải.

3. Chú ý giảm tốc độ ăn, nên ăn chậm, nhai chậm hơn để có thể vừa thưởng thức hương vị món ăn vừa tránh phải ăn nhiều.

4. Nên ăn thức ăn chứa nhiều nước và chất xơ trước bữa ăn như dùng một chén xúp, một chén canh cá, canh thịt hay canh rau sẽ giúp ta không phải ăn nhiều trong bữa chính.

5. Tránh hoặc giảm ăn các thức ăn cung cấp nhiều năng lượng, như thịt mỡ, cá mỡ, bơ, các hạt có dầu và các sản phẩm chế biến từ đó, như kẹo đậu phộng, kẹo hạt điều, kẹo dừa cũng như các loại bánh mứt, nước ngọt. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và uống nhiều nước ngọt, thay bằng trái cây, nước trái cây tươi.

6. Hạn chế rượu bia, nhất là các loại rượu mạnh, vì những chất này sẽ đưa vào cơ thể nhiều năng lượng thừa, càng dễ làm cho cơ thể béo thêm. Một gram rượu sẽ sinh ra một năng lượng dưới dạng nhiệt năng là 7 calo, trong khi đó một gram đạm hoặc một gram đường chỉ cho ra 4 calo. Người uống nhiều rượu bia thường bị tăng cân nhanh trong dịp này.

7. Đối với người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, cao huyết áp, suy tim nên hạn chế các món chứa nhiều muối nhưng rất được ưa thích trong những ngày này như củ kiệu, dưa hành. Đối với người mắc bệnh gan mật, nên tránh uống rượu, nhất là rượu mạnh, hút thuốc lá và ăn uống quá nhiều chất mỡ hoặc đường làm tăng gánh nặng đối với gan, rất có hại cho sức khoẻ.
 
Người bệnh tiểu đường nên tránh bánh hoặc chỉ ăn rất ít để lấy vị các thực phẩm làm cho chỉ số đường huyết tăng nhanh như mứt, kẹo ngọt, trái cây ngọt, nước ngọt chứa nhiều đường. Người bị viêm loét dạ dày nên tránh các thức ăn khó tiêu, chua và nhiều gia vị như tiêu, ớt, càri. Người bị gút không dùng thực phẩm có purin cao, vì có thể làm tăng cao axit uric, như nội tạng động vật, tôm cua, hạn chế các loại thực phẩm có purin như măng, nấm, đậu khô, ca cao, sôcôla. Uống nhiều nước mỗi ngày, giúp thải trừ axit uric dư thừa khỏi cơ thể.

8. Ngày tết nên uống trà với ít hạt dưa, hạt bí cũng là cách góp phần hạn chế việc tăng cân.

 
TS.BS Nguyễn Thanh Danh
(trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
SGTT
Chia sẻ