Ngăn chặn COVID-19: Thay đổi từ những thói quen tiện nhưng chưa đúng, chưa đẹp vì chính bản thân và cộng đồng

Phong Linh - Thiết kế: Hà Mĩ,
Chia sẻ

Suy cho cùng, thói quen đeo khẩu trang, không ăn chung, uống chung, nâng cao ý thức giữ vệ sinh cá nhân không chỉ tốt cho phòng chống dịch COVID-19 mà còn rất là cách ứng xử văn minh.

Những thói quen xấu tiềm tàng nhiều nguy hiểm trong mùa dịch

Một buổi sáng, giữa rừng người và xe đông đúc, ai đó hắt xì hơi rồi “khoạc” một tiếng rõ to, nhổ toẹt bãi đờm xuống lề đường. Người xung quanh liếc nhìn khó chịu, bĩu môi hoặc thở dài ra chiều “đồ vô ý thức”, nhưng không phải ai cũng nói ra.

Trưa, ở một khu ăn uống bình dân, một cảnh tượng “vui mắt” khá quen thuộc là những thực khách dễ tính ngồi ăn la liệt ở những quán cóc. Có quán, khu rửa bát đặt ngay gần miệng cống, không xa lắm là điểm tập kết rác của dân cư. Một số quán có bàn ghế tử tế cũng không tránh được cảnh dưới chân là la liệt giấy rác bừa bộn, vỏ chanh, lát ớt… và những thực khách vẫn thoải mái cười nói. Người khó chịu thì đá đá đám rác vào sâu trong gầm bàn cho khuất mắt.

Ở khu “sang trọng” hơn gần đó, có một nhóm người tụ tập liên hoan lẩu nướng. Trong câu chuyện rôm rả, họ tiếp cho nhau miếng thịt, nhờ nhau gắp cho mình một đũa rau ở cái đĩa tận đầu bàn bên kia. Họ vừa ăn vừa tranh thủ nói chuyện công việc, hỏi chuyện gia đình, cũng có người còn thổi phù cho miếng đồ nhúng nhanh nguội trước khi đưa vào miệng vì thời gian ăn trưa có hạn.

Ngăn chặn COVID-19: Thay đổi từ những thói quen tiện nhưng chưa đúng, chưa đẹp vì chính bản thân và cộng đồng - Ảnh 1.

Những chuyện đó, thật ra chẳng lạ với đa số chúng ta, nó hiện hữu ở chỗ này, chỗ kia trong cuộc sống và người ta chấp nhận nó như một thực tế hàng ngày dù biết rằng nó là hành vi chưa đẹp, chưa văn minh.

Trái lại, những người sạch sẽ, tế nhị trong sinh hoạt kiểu như từ chối được người khác gắp thức ăn cho, ra quán cóc mà ngồi lau dọn sơ bàn ăn, làm sạch đũa thìa, cốc nước… còn bị trêu ghẹo, bị coi là làm quá, là ám ảnh cưỡng chế… 

Sự chấp nhận những hành xử chưa đẹp cũng như đùa cợt bàn tán về sự cẩn trọng của người khác nói lên một sự thật là các nguyên tắc vệ sinh vẫn bị nhiều người xem nhẹ.

Ngăn chặn COVID-19: Thay đổi từ những thói quen tiện nhưng chưa đúng, chưa đẹp vì chính bản thân và cộng đồng - Ảnh 2.

Mà đấy chỉ là chuyện ăn. Còn chuyện kém vệ sinh, ý tứ trong sinh hoạt thường ngày ở công sở cũng lắm điều dở khóc dở cười. Không ít dân công sở bận rộn đến mức tay vừa gõ máy tính vừa tranh thủ nhón miếng ổi, miếng xoài, bánh trái… tiếp sức. Đáng nói là máy móc, bàn phím, bàn làm việc không phải lúc nào cũng được vệ sinh cẩn thận nên bàn phím bên ngoài bóng nhẫy, bên trong đầy bụi là chuyện thường. 

Hay như chuyện tế nhị trong WC chẳng hạn. WC nhiều công ty đôi khi không chỉ là nơi vệ sinh mà còn là chỗ rửa bát đũa, đánh răng giữa trưa, thay đồ tập yoga, gym giữa buổi… Thế nên chuyện ai đó kém ý thức giữ vệ sinh chung rồi rửa tay qua quýt, vung vẩy tay làm những giọt nước văng cả vào người khác cũng chẳng phải chuyện mới.

Trong sinh hoạt thường nhật, có rất nhiều thói quen có thể gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Ở ngày thường, có lẽ chúng chỉ gây ra một chút khó chịu, một chút bức xúc với người khác. Nhưng trong những ngày bệnh dịch như thời gian này, sự vô ý đó thực sự là ẩn họa khôn lường với cộng đồng, nếu một trong những người "hồn nhiên" mang mầm bệnh lây nhiễm. 

Thay đổi hành vi để bảo vệ bản thân và cộng đồng 

Thói quen vốn không dễ để thay đổi trong ngày một ngày hai. Nhưng dịch Covid-19 đang diễn ra dường như khiến nhiều người trong chúng ta đã và đang thay đổi các thói quen, lối sống và cả trong hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.

Bởi khi WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch thì những thói quen xấu trong sinh hoạt kể trên không chỉ là chuyện cá nhân nữa, mà trở thành câu chuyện về ý thức cộng đồng và buộc người ta, dù có quá quen với nếp cũ, phải tiết chế, thay đổi dần hành vi. 

Theo kết quả khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel, người Việt có nhận thức rất cao về nguồn gốc và triệu chứng của Covid-19. Họ tiếp tục theo dõi các tin tức cập nhật về dịch bệnh này nhiều lần mỗi ngày. 95% người tham gia khảo sát nói rằng họ cảm thấy lo sợ trước Covid-19 nhưng không nghĩ rằng nguy cơ lây lan sẽ ở mức cao tại Việt Nam. 

Không chỉ nhận thức rõ về ý thức phòng dịch, họ cũng có những hành động bảo vệ bản thân và gia đình khỏi đại dịch này. 89% đáp viên cho biết họ đeo khẩu trang bất khi nào ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn (87%) và tránh tụ tập ở những nơi công cộng hoặc đông người (81%).

Có nghiên cứu cho rằng, con người mất khoảng 21 ngày để thiết lập một thói quen mới. Đó là khi người ta lặp đi lặp lại một (vài) hành động không gián đoạn, tìm cách điều chỉnh và thích nghi dần. Nhưng với ý thức cộng đồng, sự lo lắng với sự lây lan của dịch bệnh, 21 ngày để thay đổi, điều chỉnh thói quen mới là điều hoàn toàn đáng để làm và tập làm. 

Ngăn chặn COVID-19: Thay đổi từ những thói quen tiện nhưng chưa đúng, chưa đẹp vì chính bản thân và cộng đồng - Ảnh 4.

Đành rằng, việc gắp cho nhau ăn là phong tục lâu đời của người Việt, nhưng để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân, không phải chúng ta nên điều chỉnh thói quen đó hay sao? Nhất là khi không ít người cũng chẳng thực sự thoải mái khi "được" gắp đồ ăn cho mà chẳng dám từ chối.

Hơn hết, những thói quen mới như đeo khẩu trang thường xuyên đặc biệt ở nơi công cộng và khi cảm thấy sức khỏe bản thân đang không tốt; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn hay giữ vệ sinh chung nơi công cộng đều là những thói quen; không khạc nhổ nơi công cộng, che miệng nếu hắt hơi đều là cách hành xử rất văn minh.

Để tìm được ra vắc xin cho chủng virus SARS- CoV-2, các nhà khoa học, các bác sĩ còn cần thêm thời gian. Nhưng để giảm sự lây lan của dịch Covid-19, điều đơn giản tích cực và hữu hiệu nhất mỗi người đều có thể làm được về có ý thức cao về vệ sinh cho cá nhân và tại nơi công cộng. Bởi mọi sự phòng tránh luôn luôn tốt hơn là chữa chạy.

 - Ảnh 1.


Chia sẻ