Ngả mũ bái phục những "Nick Vujicic" của Việt Nam

Nguyệt Nguyễn (TH),
Chia sẻ

Nghị lực sống và tinh thần vươn lên bất chấp nghịch cảnh của họ đã truyền cảm hứng sống cho hàng triệu người Việt Nam.

Nguyễn Bích Lan - dịch giả 30kg

Có người ví dịch giả Nguyễn Bích Lan như những nhánh lan khẳng khiu, lặng lẽ vượt qua những ngày giá buốt của mùa đông, những ngày nóng bức của mùa hè để rồi dâng cho đời những chùm hoa tinh tế. Có người lại ví chị như cơn gió lạ thổi qua ô cửa văn học Việt. Đam mê của chị, tác phẩm và câu chuyện về cuộc đời chị dường như có mặt để thức tỉnh hy vọng trong mỗi con người.

Ngả mũ bái phục những
Nguyễn Bích Lan và poster bìa tập truyện và thơ của chị do NXB Trẻ ấn hành.

Năm 13 tuổi, một sáng đến trường, Bích Lan tự dưng có cảm giác tê điếng hai đầu gối. Cơ thể chị gần như bị gục xuống, hai đầu gối co gập lại và chân thì cứng đơ không tự đứng dậy được. Thấy tình trạng bất thường của con gái, ba mẹ đưa chị đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết Bích Lan mắc phải căn bệnh loạn dưỡng cơ, một loại bệnh làm suy yếu vận động của cơ thể, gây sụt cân dần dần.

Từ cô gái mới lớn căng đầy sức sống, chị thành gầy yếu xanh xao. Sự sa sút về hình hài, vóc dáng khiến chị buồn một thì sự bất thường về vận động khiến chị buồn mười. Chị mất khả năng chạy, sau đó mất khả năng đứng, ngồi, mất khả năng đi lại bình thường. Những mất mát đó, như chị nói, khiến bất kỳ ai cũng rơi vào tuyệt vọng.

Chị chỉ còn hai lựa chọn, hoặc chấm dứt con đường học ở tuổi 13 hoặc mày mò tự học. Nguyễn Bích Lan đã sử dụng lựa chọn thứ hai dù biết rằng đó là con đường đầy khó khăn và gian khổ. Con đường đó không chỉ là tự đọc, mày mò tự học tiếng Anh bằng cách nghe lỏm, sử dụng chung sách với người em trai…

Ngả mũ bái phục những

Sau năm năm tự học, Bích Lan có được vốn tiếng Anh kha khá. Vùng quê Kiều Trai (Minh Tân – Hưng Hà – Thái Bình) của chị khi đó rất hiếm giáo viên ngoại ngữ. Bích Lan muốn truyền đạt những gì mình học cho trẻ em trong vùng. Hiểu được tâm nguyện của con gái, mẹ chị đã đi khuyến khích trẻ em trong vùng đến với lớp học của cô giáo Bích Lan. Lớp học từ năm, sáu em, mở rộng thành 25 – 26 học sinh. Bốn lớp học trong một tuần, chủ yếu là học sinh cấp 3, đã có học sinh học lớp “cô Lan” sau này trở thành giáo viên ngoại ngữ.

Bích Lan đã chứng tỏ được khả năng truyền đạt ngoại ngữ của mình, nhưng bệnh tật thì không để yên cho cơ thể chị. Cân nặng chỉ nhỉnh hơn 30 ký, mọi tư thế ngồi, đứng, cúi, đi lại đều là một thử thách. Chị đành phải ngưng việc dạy học tại đó.

Ngả mũ bái phục những
Cuốn tự truyện của Bích Lan

Bích Lan chuyển sang một lĩnh vực mới, dịch văn học. Tác phẩm dịch đầu tay của Bích Lan -"Đừng nghi ngờ tình yêu của anh" được xuất bản và chinh phục nhiều bạn đọc. Chị còn tập trung vào lĩnh vực khó nhằn, là dịch những tác phẩm đoạt giải Pulitzer, giải Commonwealth. Đó đều là những tác phẩm khó dịch, có hàm lượng giá trị văn chương cao, nhưng Bích Lan đã chinh phục được sự “khó nuốt” bằng chính nỗ lực và khả năng của mình.

Hiện giờ, căn bệnh loạn dưỡng cơ trong chị đã biến chứng sang suy tim. Sức khoẻ của chị chỉ bằng 15% người bình thường nhưng chưa bao giờ Bích Lan ngừng lạc quan.

Ngả mũ bái phục những

Năm 2002, Nguyễn Bích Lan bắt đầu dịch cuốn sách đầu tay và sau hơn 10 năm theo đuổi dịch thuật chuyên nghiệp, gần 30 đầu sách của chị đã được in. Năm 2009, bản dịch "Triệu phú khu ô chuột" của chị gây được tiếng vang với đông đảo độc giả trong nước, Nguyễn Bích Lan được công chúng nhắc đến nhiều hơn sau bao ngày lặng lẽ với công việc dịch thuật.

Hành trình đó, có vô vàn lý do chị có thể dựa vào để bỏ nửa chừng, để buông xuôi tất cả. Nhưng chị đã từng ngày, từng ngày vượt qua những trở ngại, nỗi nhọc nhằn và mệt mỏi, chị không cho phép mình gục ngã dù sức khỏe chỉ bằng 15% người bình thường.

Ngả mũ bái phục những
Chị Bích Lan trong ngày giới thiệu cuốn sách "Cuộc sống không giới hạn"

Ngả mũ bái phục những
Dịch giả Bích Lan xúc động khi được gặp mặt Nick Vujicic

Cuốn sách dịch mới nhất của Bích Lan chính là tác phẩm "Cuộc sống không giới hạn", nói về cuộc đời của chàng trai không chân tay nổi tiếng khắp thế giới Nick Vujicic

Thầy Nguyễn Ngọc Ký - dùng chân viết lên số phận

Cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành điển hình cho tấm gương vượt khó không chỉ cho ngành giáo dục từ những năm 60-70 ở miền Bắc mà còn là “thương hiệu” vượt qua nghịch cảnh mọi lúc, mọi nơi trên khắp nước ta.

Năm 1951, khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, ông bị liệt hẳn 2 tay. Từ đó, ngày nào cậu bé Ký cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc. Bố, mẹ nhìn thấy cũng nghẹn ngào khóc theo: "Mai sau bố mẹ chết đi, con biết làm gì mà sống". Cả chặng đường tuổi thơ của ông chỉ có một ước mơ duy nhất là quyết chí đi học để được như những người bình thường. Và ông đã vượt lên sự run rủi của số phận, trở thành một nhà giáo ưu tú viết bằng chân.

Ngả mũ bái phục những
Từ cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngày nào vượt lên số phận...

Ngả mũ bái phục những
… đến thầy giáo, nhà văn, nhà tư vấn Nguyễn Ngọc Ký hiện nay là cả một quá trình nỗ lực vượt lên chính mình.

Năm 7 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký cũng lân la nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho cậu học một buổi, rồi dẫn về nhà nói với bố mẹ: Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học, hai bác giữ em ở nhà để các bạn trong lớp tập trung học. Sau đó, vì nể gia đình nên cô giáo cho Ký vào lớp học, nhưng không tin rằng cậu bé có thể viết được.

Khó khăn thế, nhưng ông miệt mài tập viết ngày đêm. Cuối cùng ông cũng kẹp thước, compa vẽ hình tròn, hình vuông. Việc gì trong nhà ông cũng đều làm bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Năm 1962, ông được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc. Năm ấy, ông xuất sắc đứng thứ 5 và một lần nữa được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý lần hai.

Ngả mũ bái phục những
Bút tích, tiểu sử của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, người nổi tiếng một thời với cuốn sách “Tôi đi học”

Lên cấp 3, theo lời động viên của bạn bè khắp cả nước gửi thư về, ông đã chọn ngành văn. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, nhan đề: "Những năm tháng không quên".

Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết". Ông đã tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Ông vừa dạy vừa dùng chân kéo tờ giấy che ở ngoài từ từ xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cộng với giọng nói sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh.

Ngả mũ bái phục những
Thầy Ký ăn bằng chân...

Ngả mũ bái phục những
... đọc báo cũng bằng chân.

Trong suốt những năm dạy học, thầy Nguyễn Ngọc Ký được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. 1.500 buổi nói chuyện tại các THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học trong cả nước là một con số mà nhiều người thầy "nằm mơ" cũng không thấy.

Mặc dù đã 60 tuổi, nhưng sức làm việc của thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn rất khoẻ. Hằng ngày, ông làm công tác tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài 108, vẫn miệt mài ngồi máy tính, dùng chân gõ những câu đố, vần thơ...

Linh Chi - cô bé không tay chân kiên cường

Sinh năm 2005, Linh Chi (Yên Bái) không có cả tay và chân do di chứng chiến tranh từ ông nội. Bố và em trai Linh Chi cũng bị ảnh hưởng căn bệnh dị ứng máu do ông cô bé từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Khe Sanh.

Ngả mũ bái phục những
Cô bé không tay không chân Nguyễn Linh Chi.

Dù chịu thiệt thòi lớn như vậy nhưng ngay từ lúc còn bé tí, bé đã cố gắng tự làm những việc cá nhân để bố mẹ khỏi lo lắng. Bé cố gắng dùng mẩu tay ngắn ngủn của mình để bê nước uống, tự xúc cơm để ăn… Với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi bé, khó khăn lắm mới làm được những việc như thế, thì với Linh Chi, những việc này lại trở nên khó gấp nhiều lần. Để có thể ôm được cốc nước, bát cơm cũng là cả sự khổ luyện của bé và mẹ. Có những lúc, đôi tay ngắn ngủn của bé mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển của bé. Nhưng rồi được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần bé cũng tự làm được những việc của cá nhân.

Ngả mũ bái phục những

Ngả mũ bái phục những
Từ bé, Linh Chi đã cố gắng tự làm những việc của cá nhân

“Linh Chi chịu khó lắm, chỉ khi nào việc gì quá khó cháu mới nhờ bố mẹ. Chẳng hạn như phải gãi lưng, cháu cũng tìm cách để di lưng vào bàn, ghế cho khỏi ngứa. Còn việc ăn uống, cháu cũng tự mình làm. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và dạy bé tự lập, để sau này lớn lên, bé sẽ không phải làm phiền nhiều người”- chị Trịnh Ngọc Thủy (mẹ Linh Chi) tâm sự.

Ngả mũ bái phục những
Bé Linh Chi lúc mới sinh

Chị Thủy kể, khi lên 7 tuổi, nhìn các bạn đến trường, Linh Chi cũng nói với mẹ cho bé được đi học. Mới đầu gia đình chị cũng rất lo lắng, vì nghĩ rằng với đôi tay như thế, làm sao con có thể đi học được. Nhưng nhìn sự khát khao được đến trường của con, chị “liều” xin cho con vào học lớp 1 ở trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Ban đầu nhà trường cũng ngần ngại, nhưng vì sự thiết tha của gia đình, nhất là sự quyết tâm của bé, nhà trường đã nhận cháu vào học.

Những ngày đầu cầm bút đối với Linh Chi là một cực hình. Bé “quắp” bút trong cánh tay bé nhỏ, đầu nghiêng vẹo sang một bên để học viết từng nét chữ. Ngày này qua ngày khác, từng nét chữ siêu vẹo, đổ nghiêng, cánh tay bé phồng rộp, hai mắt đau nhức vì phải nghiêng theo cánh tay và phải nhìn quá sát vào trang giấy, nhưng Linh Chi vẫn không nản. Cuối cùng, những nét chữ cũng đã bắt đầu “nghe theo” điều khiển của cô bé, dần ngay ngắn và thẳng hàng.

Ngả mũ bái phục những

 Linh Chi đang miệt mài vẽ hình “thần tượng” Nick Vujicic

Ngả mũ bái phục những
Bức vẽ "thần tượng" qua nét bút của Linh Chi

Khi biết tin chàng trai “không tay, không chân” Nick Vujicic đến Việt Nam, Linh Chi như khác hẳn. Cô bé vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, luôn miệng hát líu lo. “Cháu không bỏ qua chương trình nào giới thiệu về Nick Vujicic trên tivi. Cháu cố gắng làm những việc mà ngày thường có khi cháu còn nhờ bố mẹ hỗ trợ. Cháu nhảy nhót, bắt chước các hành động của Nick làm cả nhà thực sự vui. Cháu bảo mẹ cố gắng mua được vé để cho cháu được gặp chú Nick bằng xương bằng thịt, để học tập theo chú Nick. Nhìn con vui, tôi mừng rơi nước mắt, chỉ mong những phút giây như thế này kéo dài mãi” - mẹ em chia sẻ.

Ngả mũ bái phục những
Bé Linh Chi trong buổi gặp gỡ Nick Vujicic

Và tối ngày 23/5, trên sân vận động Mỹ Đình, trước khi kết thúc phần một diễn thuyết, Nick Vujicic đã tự giới thiệu một cô bé có hoàn cảnh đặc biệt như anh lên sân khấu. Đó chính là Linh Chi. Những tràng pháo tay vang lên khi cô bé được bế lên đứng cạnh Nick. Và em đã trao bức tranh tự vẽ tặng cho thần tượng của mình. Dù vậy, cô bé khá rụt rè khi Nick muốn ôm em.

Nguyễn Sơn Lâm - chàng trai giàu ý chí nghị lực

Cái tên Nguyễn Sơn Lâm đã trở thành một biểu tượng của nghị lực và khát vọng sống từ năm 2001. Sơn Lâm bị chất độc da cam. Cơ thể cậu bé nhỏ, chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm. Sơn Lâm từng học Đại học Ngoại ngữ, làm phóng viên thể thao cho một tờ báo điện tử. Và anh cũng đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, trên nhiều bài báo về nghị lực sống của một cậu bé tật nguyền. 


Ngả mũ bái phục những
Nguyễn Sơn Lâm trong một buổi diễn thuyết

Sự tự tin mạnh mẽ mà Sơn Lâm có được ngày hôm nay bắt đầu từ một cuộc đời không may mắn. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ninh, Sơn Lâm có một tuổi thơ dữ dội. Bố Lâm đã từng ở chiến trường vào những năm tháng ác liệt nhất, Quảng Trị, Huế... Trở về thời bình, dường như ông vẫn không thoát khỏi cuộc chiến. Bất hạnh giáng xuống gia đình ông, khi sinh ra 2 cậu con trai bị nhiễm chất độc da cam. Sơn Lâm như một cậu bé tí hon. Ốm đau, quặt quẹo. Còn người anh bị chứng viêm não, lơ ngơ. Ký ức của Sơn Lâm là nỗi thống khổ chịu đựng của mẹ và 4 đứa con trước những cơn nóng giận bất thường của bố.

Một ký ức tuổi thơ sợ hãi với những trận đòn roi bất thường, của mặc cảm về bệnh tật đã thắp lên trong tâm hồn cậu bé này một giấc mơ, không cam chịu số phận. Năm 1996, bố đau vết thương tái phát và qua đời. Năm mẹ con Sơn Lâm trải qua nhưng ngày vất vả. Lúc đó, Sơn Lâm chỉ nghĩ, mình sẽ phải học, chỉ có học, mới có thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, túng bấn này. Thế nên, đều đặn, hằng ngày, cùng đôi nạng, Sơn Lâm đến trường.

Tốt nghiệp cấp 3, Sơn Lâm thi vào đại học. Năm đầu tiên trượt nhưng Sơn Lâm không từ bỏ, quyết định một mình lên Hà Nội, tự thuê nhà và học ngoại ngữ. May mắn, trời ban cho cậu một đôi tai biết nghe và một khả năng ngôn ngữ đặc biệt, Lâm học ngoại ngữ rất nhanh. Sau một năm khổ luyện, Lâm đã thi đậu vào hai trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học Phương Đông. Ra trường, Lâm được nhận ngay vào làm phóng viên thể thao, chuyên dịch tin thể thao và bình luận bóng đá.

Ngả mũ bái phục những
Sơn Lâm chinh phục đỉnh Phan xi păng

Nhưng trong chàng trai tật nguyền này, cuộc sống là những khám phá và chinh phục những đỉnh cao. Năm 2011, Sơn Lâm đã có một hành trình ấn tượng, chinh phục nóc nhà Đông Dương, đỉnh Phan xi păng. Hành trình ấy với một người bình thường đã không đơn giản, với người khuyết tật như Sơn Lâm thì lại càng đòi hỏi ý chí, nghị lực.

Lâm nhận ra rằng, bình luận viên bóng đá chỉ là một niềm đam mê, chứ không phải lý tưởng sống. Cậu bắt đầu một hành trình mới của mình, khát vọng trở thành một doanh nhân. Đó là nơi truyền tải được ước mơ, khát vọng cho các bạn trẻ trong cuộc sống có quá nhiều sự lựa chọn, nhưng rất thiếu kỹ năng sống hiện nay. Lâm đọc sách, nghe nhiều buổi diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng trên thế giới. Cuối cùng, giấc mơ ấy đã thành hiện thực khi Lâm trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty phát triển con người và đào tạo kỹ năng sống.


Ngả mũ bái phục những


Những buổi diễn thuyết miễn phí của Sơn Lâm được đón nhận ở Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Và những thông điệp về nghị lực sống, về mục đích sống, về tình yêu thương đã được truyền tải qua câu chuyện của Sơn Lâm. Đó là khát vọng được đóng góp một điều gì đó có ích cho xã hội, bắt đầu từ sự lan tỏa của chính mình.
Chia sẻ