Vì quá yêu nên lỡ vượt rào với chàng trai nghèo khó, cuộc đời cô tôi rẽ lối mãi về sau
Nam nữ yêu nhau không thể tránh khỏi sự cố đi quá giới hạn, nhưng số phận mỗi người một khác...
Nói về chuyện "vượt rào" thì văn hóa xưa chắc chắn không cởi mở như ngày nay. Chuyện "ăn kem trước cổng" thực sự là đại kỵ trong quan hệ yêu đương nam nữ và người con gái có thể bị cạo đầu bôi vôi, rêu rao khắp làng xóm như một sự sỉ nhục cả đời.
Cô tôi gặp chú năm 16 tuổi (Ảnh: Internet).
Cô út nhà tôi được bà nội đẻ cố thành ra chỉ hơn tôi có vài tuổi nên thân nhau lắm. Cô út đẹp theo kiểu mặn mà, có duyên chứ không hề sắc sảo mày lá liễu môi trái tim như các chị em cùng thời. 16 tuổi cô có tình yêu đầu tiên, người yêu cô là một thanh niên nghèo có tâm hồn nhạc sĩ. Cô tôi kể chú lớn lên trong gia đình có 9 người con nên chưa bao giờ biết bát cơm trắng là gì, ngay cả một manh áo lành với chú cũng là điều quá xa xỉ. Tối đến 9 anh em chui vào ổ rơm trong góc bếp nằm ngủ, không chăn, không màn. 4 giờ sáng cả nhà thay nhau đong gạo vào các túi nhỏ và tản đi bán chui trong chợ cóc. Mỗi sáng sau khi giao gạo xong, chú lại rẽ qua trường và chờ cô tôi ở gốc cây si, hai người cứ hẹn hò như thế hơn một năm trời. Chú nghèo, cô tôi không đòi hỏi gì hơn ngoài mấy củ khoai, củ sắn.
Tình cảm của cả hai nảy nở trong sáng và thuần khiết, hoàn toàn không vụ lợi (Ảnh: Internet).
Một ngày ông nội tôi phát hiện ra chuyện của cô, ông bà tôi cấm cô tôi ra khỏi cửa. "Đã nghèo còn gian díu với một thằng nghèo kiết xác, lại thêm cái tính hát hổng bông phèng thì ăn muối cả đời ư?" - Ông tôi chì chiết. Bị giam trong nhà 3 ngày, tối đó nhân lúc ông tôi đi cộng sổ thuê cô bèn cạy cửa đi gặp chú. Nam nữ yêu nhau lại bị cấm cản, chuyện gì đến cũng phải đến. Chú đưa cô tôi vào cái chòi canh bỏ hoang, mới chỉ kịp tháo đôi bím tóc và chiếc áo ngoài thì ông tôi từ đâu xông đến tát cho cô một cú như trời giáng. Cô tôi bị ông lôi về nhà như một tội nhân, còn chú thì quỳ mọp dưới chân xin ông tha tội sau khi hưởng trọn cú đạp đầy thô bạo.
Trước những rào cản về quan niệm, hạnh phúc khi bạc đầu quả thực rất xa vời... (Ảnh: Internet).
Đấy cũng là lần cuối cô tôi được gặp chú.
Ông tôi phần vì lo con gái không giữ được mình, phần vì sợ thanh danh bị kẻ khác phanh phui mà lén đi theo. Ông sống mấy chục năm trên đời chỉ lo giữ thể diện cho gia đình, dòng họ, ông sợ "quả bom nổ chậm" lại làm điều gì dại dột. Tối ấy lũ cháu chắt chúng tôi bị đuổi hết ra ngoài, chỉ nghe trong nhà liên tiếp những tiếng roi quất xuống. Ông tôi chấp nhận làm vai ác để bảo toàn hai chữ danh giá cho con gái.
Câu chuyện đó không bao giờ được nhắc đến trong gia đình tôi nữa, kể cả bà nội. Cô tôi sau một thời gian buồn phiền đã xin phép cả gia đình vào Nam với họ hàng. Cô cải đạo rồi định cư và lấy chồng năm 23 tuổi. Tôi không chắc cô đã tìm lại được cảm giác yêu thương sau cú sốc đầu đời đó hay chưa? Chỉ ước rằng giá mà cô chú được sống ở một thời đại khác thì tương lai đã đỡ bi lụy hơn nhiều...
Giữa vòng quay bộn bề của cuộc sống, đôi khi khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi bên bố mẹ để tỉ tê về những chuyện xưa cũ, về những niềm vui và nỗi buồn đã qua?
Chuỗi bài viết Chuyện xưa kể lại đem đến một góc nhìn vừa quen vừa lạ về tình yêu, cuộc sống hôn nhân & gia đình những năm 70, 80 của thế kỷ trước – Thời của đói kém, khó khăn nhưng cũng không thiếu những nguồn vui!
Hãy chậm rãi tận hưởng những con chữ để thêm yêu và thấu hiểu những con người của một thời đã xa chị em nhé.