“Nàng men chàng bóng” chỉ toàn là thảm họa?

Ngân Nguyễn,
Chia sẻ

Dù là "đại thảm họa" nhưng ở một khía cạnh nào đó, bộ phim cũng đã tạo được tiếng cười cho khán giả.

Nàng men chàng bóng xoay quanh chuyện tình của chàng Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) và Út Chót (Đinh Ngọc Diệp). Một là Nàng Men Út Chót, là con gái mà tóc gọt ngắn như giang hồ, áo thun quần dù, balô bộ đội, với đam mê lớn nhất là cưỡi ca-nô, phóng dây thòng lọng, múa côn nhị khúc để trừng trị kẻ gian. Còn lại là Ẽo Ợt – Chàng Bóng, con trai mà da trắng như bông bưởi, dáng đi dịu dàng, giọng nói thánh thót, và đặc biệt là vô cùng khéo tay.

Một lần, Út Chót tình cờ giải cứu anh chàng bóng lộ Ẽo Ợt trong lúc anh này đang cố gắng chạy trốn cô vợ chưa cưới mà cha mẹ anh sắp đặt cho. Từng là bạn thuở nhỏ, Út Chót đồng ‎ý giúp Ẽo Ợt chinh phục anh chàng mà Ẽo Ợt thầm thương từ lâu. 

Kế hoạch không thành, đúng lúc Ẽo Ợt đang tìm cách tự tử thì một lần nữa lại được Út chót giải cứu. Những đụng chạm vô tình khiến chàng “bóng” nhận ra mình thực chất vẫn là “men”. Và người đánh thức bản năng giới tính của chàng không ai khác ngoài nàng “men” Út Chót.


Trailer bộ phim "Nàng men chàng bóng"

Võ Tấn Bình là đạo diễn từng rất thành công với bộ phim truyền hình sông nước miền Tây mang tên Hương phù sa, chạm ngõ màn ảnh rộng cũng bằng một câu chuyện ở vùng sông nước Nàng men chàng bóng. Thoạt đầu mới nghe đến tên phim, khán giả sẽ không có gì ngạc nhiên khi bộ phim vẫn giữ nguyên lối cũ vốn đã đi mòn trong phim thị trường Việt: diễn viên thần tượng, giả gái, đồng tính và... cười một lần rồi thôi.

Ngay sau khi Nàng men chàng bóng ra mắt đã có rất nhiều người "ném đá" kịch liệt bộ phim này, cho rằng đây là một "đại thảm họa" của phim điện ảnh Việt. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận Nàng men chàng bóng là một bộ phim giải trí, trên một khía cạnh nào đó đã đem lại tiếng cười cho khán giả.

Lần đầu tiên thử sức trong một vai bóng có thể coi đây là một thành công đáng nể của Ngô Kiến Huy. Chăm chỉ nghiên cứu và học hỏi những người “trong giới”, cộng với lòng dũng cảm ngoại hạng đã giúp Ngô Kiến Huy hóa thân nuột nà vào vai chàng bóng Ẽo Ợt, thướt tha váy đầm giả gái, và tình tứ thân mật với… các chàng trai khác (Baggio, Đức Tiến).

“Nàng men chàng bóng” chỉ toàn là thảm họa?

“Nàng men chàng bóng” chỉ toàn là thảm họa?

Và dĩ nhiên, tiếng cười còn được vang lên qua sự thể hiện của NS. Thanh Thủy, Tấn Beo, Cát Phượng, Việt Anh trong vai các bậc phụ huynh của hai nhân vật chính. Cứ mỗi lần tía Tấn Beo gọi con gái: “Út Chót, tắm heo! Dọn chuồng heo! Cho heo ăn!” hay “đi phối giống heo…” là khán giả lại phì cười. Bất kể họ cười vì ngoại hình nhân vật, cười vì lời thoại gây sốc đến mức rất vô duyên hay đơn giản chỉ là cười theo điệu cười của nhân vật trong phim, miễn họ không ngủ gật khi đang xem phim cũng đã là một thành công đáng kể.

Nhưng nói gì thì nói, với một người yêu điện ảnh, dành nhiều sự tâm huyết và quan tâm đến tính nghệ thuật trong một bộ phim thì Nàng men chàng bóng quả không sai khi gọi là một "đại thảm họa". Dù tiếng cười hóm hỉnh đến đâu thì việc lạm dụng quá nhiều những tình huống có thể gây cười đã khiến cho bộ phim mang sắc thái vô duyên. Đặc biệt, với một cốt truyện hoàn toàn không có chiều sâu, sơ sài trong kịch bản, lời thoại được bù đắp lại bằng cách chăm sóc tối đa cho ngoại hình nhân vật đã làm cho bộ phim càng trở nên nhạt nhẽo.

“Nàng men chàng bóng” chỉ toàn là thảm họa?

“Nàng men chàng bóng” chỉ toàn là thảm họa?

Nếu để ý kỹ từng phân cảnh thì quả thực có rất nhiều tình tiết phi lí, khó lòng “nuốt” nổi từ đầu đến cuối phim. Có chăng phần dễ thở chỉ nằm lại ở diễn xuất của Ngô Kiến Huy còn về phía nữ chính Đinh Ngọc Diệp thì không có gì đổi mới, vẫn là một cô gái quen thuộc với nhiều vai diễn trước kia.

Bên cạnh đó, Nàng men chàng bóng còn là con dao hai lưỡi giết chết sự đáng yêu của đồng tính trong phim. Đề tài "bóng" trong phim Việt không còn xa lạ với khán giả nhưng cách thể hiện nó trên màn ảnh lại không hề dễ dàng và chắc chắn không phải là "đất" cho những đạo diễn non tay. Với Nàng men chàng bóng, có lẽ không ít người đồng tính khi xem xong phim cũng phải chạnh lòng, khó chịu khi bị lôi ra “bêu xấu” một cách thái quá, kém duyên, vớ vẩn như vậy.
Chia sẻ