Nam ca sĩ nổi tiếng chê giáo dục Việt Nam "phức tạp những thứ đơn giản", cư dân mạng: Từ nhỏ anh không học à?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Không biết giải thích với con thế nào, nam ca sĩ bèn bảo đây là con rắn chứ không phải chữ.

"Tại sao giáo dục Việt Nam vẫn duy trì cách làm phức tạp những thứ đơn giản và dạy những thứ nhiều khi không cần nhỉ?", ca sĩ Lê Hoàng (cựu thành viên nhóm The Men) chia sẻ bài thơ quen thuộc "Mười quả trứng tròn" cùng những dòng "caption" thu hút sự chú ý. 

Yếu tố "phức tạp" mà nam ca sĩ này đề cập đến chính là chữ "L" viết hoa trong câu thơ"Lòng trắng, lòng đỏ". Theo Lê Hoàng, khi con hỏi "chữ trong ô đỏ là chữ Sờ (S) hả ba?", không biết giải thích với con thế nào, anh bèn bảo đây là con rắn chứ không phải chữ. Sau đó, ông bố này đã đưa chữ S và chữ L thông thường cho con nhận diện. 

Chia sẻ của Lê Hoàng ngay lập tức thổi lên cơn bão tranh luận.

Nam ca sĩ nổi tiếng chê giáo dục Việt Nam "phức tạp những thứ đơn giản", cư dân mạng: Từ nhỏ anh không học à?- Ảnh 1.

Hình ảnh được Lê Hoàng chia sẻ cùng nhận định gây tranh cãi

Nam ca sĩ nổi tiếng chê giáo dục Việt Nam "phức tạp những thứ đơn giản", cư dân mạng: Từ nhỏ anh không học à?- Ảnh 2.

Vợ chồng Lê Hoàng

"Ngày xưa anh học chữ L, sao giờ dạy con đó là con rắn?"

Nhiều người phản đối Lê Hoàng cho rằng, không phải giáo dục Việt Nam phức tạp mà chính nam ca sĩ đã tự phức tạp hóa vấn đề lên, tìm cớ để chê bai. Vấn đề viết hoa vốn là chuyện xưa rất xưa, Lê Hoàng cũng đã từng học qua, anh thừa biết đó là chữ L, tại sao lại giải thích với con đó là con rắn? 

Nếu con hỏi đó là chữ Sờ thì với vai trò là người bố, Lê Hoàng nên tìm cách để con hiểu rằng con đang nhìn nhận sai vấn đề, chứ không phải hướng dẫn một cách hoàn toàn sai lệch. 

Chữ viết hoa là một nét đẹp văn hoá của tiếng Việt. Viết chữ Quốc ngữ đẹp là một cách thể hiện tình yêu của mình đối với chữ viết, tiếng nói dân tộc. Thứ hai, nó rèn sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, sự dẻo dai cho đôi tay của trẻ... vì luyện chữ cần mất nhiều thời gian. Hơn nữa, không chỉ trong tiếng Việt mà chữ Trung Quốc, Nhật Bản... cũng có những kiểu chữ viết được nghệ thuật hóa như vậy.

Một phụ huynh làm việc ở nước ngoài lâu năm nhận định: Nét chữ viết tay của chữ Quốc ngữ Việt Nam rất đẹp. Bản thân anh vẫn vẫn giữ quan điểm trẻ con đi học ở trường lớp nên được học cách sử dụng bộ chữ cái viết tay, hơi vất vả khi học nhưng sẽ giúp nâng cao tính thẩm mỹ, sự kiên trì và nhiều lợi ích khác. 

Chữ in hoa cầu kì, có cần thiết?

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có luồng nhận định cho rằng, họ không đồng tình với cách dạy con của Lê Hoàng, tuy nhiên cũng không hoàn toàn ủng hộ việc bắt trẻ con lớp 1 rèn chữ in hoa cầu kì, "uốn lượn". 

Việc luyện chữ chưa bao giờ là không cần thiết. Nhưng luyện chữ ở đây không phải là rèn viết chữ sao cho đẹp, bay bướm mà là viết sao cho chữ có thể đọc được rõ ràng. Thời buổi công nghệ, trẻ chỉ cần viết rõ, dễ nhìn là ổn. 

Việc ép con rèn chữ cầu kì gây nhiều hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của học sinh, tạo thêm sức ép và tạo ra tâm lý chán học. Theo họ, nếu con đã viết được to, rõ ràng, tách rời các chữ thì thiết nghĩ cũng đừng mất thời gian cho việc luyện chữ nếu con không muốn. Tính kiên nhẫn hay kỷ luật cũng có thể được học tập qua nhiều cách, không chỉ mỗi viết chữ.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ từng khá "đau đầu" vì luyện cho con viết chữ uốn lượn. Có người kể, cả hai vợ chồng đều toát mồ hôi hột trong hành trình viết  mẫu chữ viết hoa của con suốt những ngày học lớp 1 rồi đến lớp 2. Chữ nào cũng "uốn lượn như rồng, như mây", phụ huynh cũng khó mà viết cho đẹp.

Nói về vấn đề viết chữ in hoa cầu kỳ, GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho biết trên Tuổi Trẻ online: "Nếu tôi nhớ không lầm, trước năm 2000 các trường học ở ta dạy cho học sinh mẫu chữ giống với chữ in bây giờ. Tuy nhiên, sau một thời gian người ta phát hiện học sinh viết chữ xấu quá, cứng quá. Thế nên, Bộ GD-ĐT cải cách chữ viết theo mẫu như bây giờ. Tức là chữ in vẫn như cũ, mẫu chữ viết thì có thêm nét lượn, nét cong khá mềm mại và đẹp hơn.

Cá nhân tôi cho rằng việc rèn cho trẻ tiểu học viết chữ đẹp là việc nên làm trong một chừng mực nào đó, dù thời kỳ hội nhập con người ít dùng chữ viết tay. Nhưng ta chỉ nên làm với những chữ viết thường - tức là không quá cầu kỳ và không quá khác biệt so với mẫu chữ in.

Cách rèn cũng có thể linh hoạt hơn: Thay vì bắt buộc học sinh học chính khóa thì có thể coi môn rèn chữ là môn tự chọn, em nào yêu thích và có năng khiếu thì tham gia, không thì học cơ bản biết viết rõ ràng, dễ đọc là được.

Riêng về mẫu chữ viết hoa, tôi thấy quá cầu kỳ, quá khác biệt với mẫu chữ in và hơi khó đối với học sinh tiểu học. Vả lại, thời nay cũng ít người dùng mẫu chữ này, có chăng chỉ dùng trong các trường hợp viết giấy khen, bằng khen... mà thôi".

Chia sẻ