Mùa dịch, vợ chồng Đăng Khôi cắt toàn bộ tiền mua sắm phát sinh mà chỉ tập trung vào điều này

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Có rất nhiều sự thay đổi trong cách chi tiêu và mua sắm của gia đình Đăng Khôi - Thủy Anh trong mùa dịch. Với tâm lý không biết dịch sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng bao lâu nên việc tiết kiệm được hai vợ chồng đặt lên hàng đầu.

Dịch bệnh thay đổi rất nhiều thứ, đặc biệt về thói quen sinh hoạt cũng như tinh thần của rất nhiều gia đình. Khi các thành viên đều ở nhà, thời gian tiếp xúc với nhau nhiều hơn, không gian riêng cũng có thể trở thành không gian chung và phải thích nghi với điều đó. Ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc các ông bố bà mẹ sẽ bận rộn hơn nữa khi vừa làm việc vừa chăm con, để ý tới cả chuyện học hành và sinh hoạt của tụi trẻ.

Ngoài ra, chi tiêu trong mùa dịch cũng gặp không ít rào cản như số lần đi chợ bị ít đi, không được đi mua sắm cho bản thân và gia đình, du lịch,...

Đây cũng là những sự thay đổi chung mà vợ chồng Đăng Khôi và Thủy Anh đang phải đối mặt trong giai đoạn gia đình ở nhà. Cùng lắng nghe những chia sẻ về sự thay đổi trong cuộc sống, cách chi tiêu và tiết kiệm của cặp đôi này sẽ thay đổi ra sao nhé.

Mùa dịch, vợ chồng Đăng Khôi chỉ mua sắm vừa đủ còn lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm chặt chẽ hơn - Ảnh 2.

Gia đình hạnh phúc của Đăng Khôi và Thủy Anh.

Chào Đăng Khôi - Thủy Anh, anh chị có thể tiết lộ việc chi tiêu của gia đình đã thay đổi thế nào trong mùa dịch và đặc biệt là khoảng thời gian Sài Gòn giãn cách?

Vợ chồng mình vào Sài Gòn gần như với hai bàn tay trắng nên rất hiểu giá trị của đồng tiền, đặc biệt là khi có hai nhóc và trách nhiệm với gia đình hai bên lớn hơn.

Trước dịch, việc chi tiêu của hai vợ chồng có phần thoải mái hơn nhưng vẫn luôn có chừng mực với nguyên tắc: Các khoản đầu tư mang về lợi nhuận luôn phải lớn hơn các khoản chi tiêu khác. Việc tập trung phát triển công việc kinh doanh, đầu tư là nơi vợ chồng mình chi tiêu nhiều nhất.

Còn trong cuộc sống, nếu không tính các khoản đầu tư bất động sản, có lẽ gia đình mình chi tiêu nhiều nhất cho việc du lịch, hiểu rằng nó không chỉ để cho mục đích nghỉ ngơi thư giãn mà còn giúp học thêm nhiều điều mới, tạo thêm cơ hội khám phá cuộc sống cho các con. Du lịch cũng là một khoản đầu tư rất xứng đáng khi mang về nhiều trải nghiệm cho gia đình.

Nhưng giờ dịch bùng phát, không đi du lịch cũng giúp mình tiết kiệm được kha khá và điều chỉnh lại việc chi tiêu căn cơ hơn trong mùa dịch.

Dịch bệnh bùng phát, cả gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Ngoài ra, việc không đi du lịch cũng giúp Đăng Khôi và Thủy Anh tiết kiệm được kha khá.

Khoản thay đổi trong chi tiêu nào rõ rệt nhất mà vợ chồng anh chị nhận thấy?

Việc phải chi tiêu tiết kiệm trong mùa dịch là điều không tránh khỏi và cũng là sự thay đổi lớn nhất của vợ chồng mình. Cuộc sống của cả gia đình chưa tới mức khó khăn nhưng không ai biết trước được dịch bệnh sẽ tới bao giờ. Như hiện tại, các khoản chi tiêu, mua sắm không cần thiết phải cắt giảm hoàn toàn. Chi tiêu trong gia đình chủ yếu tập trung vào ăn uống, những dịch vụ và nhu yếu phẩm cần thiết.

Ngoài ra, gia đình mình vẫn âm thầm hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng trong mùa dịch. Thủy Anh nghĩ đó vừa là trách nhiệm cá nhân, vừa là một điều tốt cho tinh thần khi mình biết rằng những khoản tiền mình chi tiêu trong mùa dịch thực sự có ý nghĩa và cần thiết. Mua sắm có thể ít đi, nhưng giúp đỡ mọi người thì không thể ít đi được.

Trời thương vợ chồng mình là người nhanh nhạy, gặp nhiều may mắn nên không bị ảnh hưởng cho lắm. Nhưng ngoài kia mọi người khó khăn quá, những người gần mình, mình quen biết mà họ đang gặp khó khăn thì mình cũng chia sẻ một chút, rồi những người mình không quen biết ở những khu phong tỏa gần nhà, họ đang cần lương thực thực phẩm mình cũng gửi tới cho họ.

Mùa dịch, vợ chồng Đăng Khôi chỉ mua sắm vừa đủ còn lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm chặt chẽ hơn - Ảnh 4.

Chi tiêu trong gia đình hiện tại chủ yếu tập trung vào ăn uống, những dịch vụ và nhu yếu phẩm cần thiết.

Hai vợ chồng thường xuyên trổ tài vào bếp để mâm cơm mùa dịch đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng.

Sự thay đổi này có giúp anh chị nhận ra điều gì trong cách chi tiêu của mình hay không?

Khách quan mà nói, việc chi tiêu ít đi phần nào phản ánh hiện trạng tình hình chung đang khó khăn hơn và tương lai bất định hơn. Điều này khiến vợ chồng mình khá lo lắng. Tuy nhiên, nếu không có dịp này, không biết bao giờ mình mới nhìn lại thói quen chi tiêu và tiết kiệm của bản thân.

Mình nhận ra rằng gia đình vẫn có thể sống tốt và thoải mái dù các điều kiện giảm đi một chút. Với các con, chi tiêu tiết kiệm cũng là bài học thực tế và cần thiết. Khi bỏ ra một đồng tiền, mình đều phải tự hỏi đồng tiền này tiêu có cần thiết không? Tiêu cho mục đích gì? Mang lại lợi ích gì cho ai?

Suy nghĩ nghiêm túc về tiền bạc khiến chúng ta biết trân trọng công sức lao động hơn và hiểu rằng kiếm tiền không bao giờ là chuyện đơn giản.

Mùa dịch, vợ chồng Đăng Khôi chỉ mua sắm vừa đủ còn lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm chặt chẽ hơn - Ảnh 6.

Trong dịch bệnh, việc bị giảm thu nhập có khiến vợ chồng Đăng Khôi - Thủy Anh càng muốn thắt chặt chi tiêu hơn nữa?

Đáng nhẽ ra, chúng ta không nên chờ tới dịch mới nói về việc lập kế hoạch chi tiêu chặt chẽ và tiết kiệm. Vợ chồng đã áp dụng cách sau để quản lý chi tiêu.

- Phân bổ ngân sách: Mỗi khoản chi tiêu trong một tháng không được vượt một con số/% cụ thể. Ví dụ: Không dành quá 20% chi tiêu trong tháng dành cho thực phẩm hoặc phải có ít nhất 50% thu nhập dùng để đầu tư.

- Tạo quỹ dự phòng: Phải hình dung mình và cả gia đình ở nhà không có thu nhập từ 6 tháng - 1 năm sau đó để dành ra một khoản chi tiêu tương ứng. Điều này không dễ thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng về lâu dài thì luôn phải nghĩ tới cái này.

- Lên danh sách chi tiêu ưu tiên: Cần biết cái gì bỏ được, cái gì không. Mình lập một danh sách "ưu tiên cao", "ưu tiên thấp" cho chi tiêu mùa dịch. Ví dụ như mua thức ăn là ưu tiên cực cao còn chi phí theo dõi báo hàng tháng, thẻ thành viên… là thứ có thể cắt giảm.

- Ghi lại chi tiêu: Có nhiều ứng dụng giúp ghi lại các khoản chi tiêu trong tháng, rất nhanh và tiện lợi. Nhờ đó sẽ biết mình đang chi tiêu nhiều hay ít như thế nào.

- Không ném hết trứng vào một giỏ: Đừng để hết tiền ở một chỗ, đa dạng nguồn đầu tư và tiết kiệm sẽ giúp mình không bị động.

Mình cố gắng chi tiêu có mục đích và mua vừa đủ. Không mua theo cảm hứng và mọi thứ chi tiêu cần có kế hoạch, ít nhất là kế hoạch trong đầu. Ngoài ra, mình phải cân đối chi tiêu của mình dựa vào số tiền mình kiếm được. Vợ chồng mình sẽ không vay tiền hay nợ ai đó chỉ để mua một món đồ mà mình biết thu nhập của mình không kham được.

Mùa dịch, vợ chồng Đăng Khôi chỉ mua sắm vừa đủ còn lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm chặt chẽ hơn - Ảnh 7.

Sau khi hết dịch anh chị có nghĩ mình sẽ giữ lại thói quen chi tiêu nào trong mùa dịch vì cảm thấy vẫn sẽ hữu ích hay không?

Chi tiêu tiết kiệm vẫn là điều mình nghĩ nên giữ sau mùa dịch. Ngoài ra, việc lên kế hoạch chi tiêu, kế hoạch tiết kiệm cũng là thói quen mình cần giữ. Điều này quan trọng vì không ai biết được khi nào những biến cố trong cuộc sống lại quay trở lại với chúng ta.

Cảm ơn những chia sẻ của vợ chồng Đăng Khôi - Thủy Anh. Chúc anh chị và gia đình thật nhiều sức khỏe!

Ảnh: NVCC

Chia sẻ