Mù mắt vì những lý do lãng xẹt

Theo Bee,
Chia sẻ

Không phải là những tai nạn đáng tiếc. Nhiều người đã tự làm hỏng con mắt của mình vì những lý do lãng xẹt như tự ý nhỏ mắt chữa đau mắt đỏ, mắt kém nhưng ngại đi khám vì... rét, đến khi thấy mắt mờ, đi khám thì đã hỏng mắt không thể phục hồi.

Chủ quan mà hỏng mắt
 
Tại phòng khám Khoa Glocom, Bệnh viện Mắt T.Ư, khi chúng tôi đến, TS Vũ Anh Tuấn, Phó Khoa đang soi mắt cho một cậu thanh niên có đôi mắt rất đẹp với hai hàng mi cong và đen. Thật xót xa khi TS Tuấn cho biết, một mắt của cậu đã hỏng hoàn toàn, con mắt bên kia còn thị lực nhưng kém.
 
Cậu thanh niên tên là Vũ Viết Linh (ở xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, em năm nay 20 tuổi, bị đau mắt đã lâu (từ 2 - 3 năm trước), đi khám, được chẩn đoán bị "viêm kết mạc mùa xuân", được chỉ định dùng thuốc để nhỏ mắt, nhưng sau một thời gian nhỏ hết thuốc, mắt vẫn ngầu đỏ. Em đã ra hiệu thuốc gần nhà tự mua thuốc Colidisai để nhỏ. Lúc đầu, mắt trắng ra, nhưng sau lại đỏ. Em lại mua thuốc này nhỏ tiếp. Cứ tiếp tục như vậy khoảng 1 năm. Gần đây, mắt vẫn đỏ kèm theo ngứa, mắt lại mờ, em đi khám mới biết dây thần kinh mắt trái đã bị teo, mắt trái đã mờ hoàn toàn; mắt phải dây thần kinh mới bắt đầu teo, tuy nhiên mắt phải vẫn còn thị giác. Bác sĩ chẩn đoán em bị glocom góc mở thứ phát do dùng thuốc có coticoid kéo dài.


Chỉ vì ngại đi khám, bệnh nhân này đã bị hỏng mắt.

Điều đáng trách là Linh sau khi điều trị, thấy mắt không khỏi, đáng lẽ phải đi khám lại để được điều chỉnh thuốc thì lại tự ý dùng thuốc Colidisai mà không biết trong thành phần thuốc có gì. TS Vũ Anh Tuấn cho biết, Colidisai hay Clodexa là những thuốc được nhiều người mua để nhỏ để chữa đau mắt đỏ, nhưng dùng lâu dài sẽ gây hỏng mắt. Việc tự ý dùng thuốc theo mách bảo của người bán thuốc rất nguy hiểm, vì người bán thuốc chỉ biết triệu chứng là đỏ mắt và chỉ định dùng thuốc, chứ không biết căn nguyên của bệnh. Và nhất là việc cứ có người mua là bán, không biết dùng kéo dài sẽ gây hỏng mắt.

Ông Nguyễn Đăng Khang ở Tam Nông, Phú Thọ lại chọn thời tiết ấm áp để đi khám dù mắt đã mờ khoảng 5 - 6 tháng nay. Khi đến viện, bác sĩ cho biết, mắt phải của ông đã mù hoàn toàn. May mà mắt trái của ông vẫn còn cứu được. Hóa ra, ông thấy mắt mờ, nhưng mọi người bảo tuổi già thì mắt mờ. Lúc thấy mắt mờ quá thì lại gặp mùa đông, trời rét. Rồi ông lại chờ ăn Tết xong thư thả mới khám. Thật tiếc, nếu như ông đi khám sớm hơn thì thị lực đã không bị mất như vậy. Bác sĩ chẩn đoán ông bị Glocom nguyên phát. Ông đã phải mổ con mắt bên phải để chữa đau nhức (dù thị lực đã không còn), còn mắt trái phải mổ cấp cứu để bảo tồn được thị lực.
 
Nên khám mắt định kỳ
 
Theo TS Vũ Anh Tuấn, trung bình mỗi tuần, tại Khoa Glocom có 20 - 30 trường hợp bệnh nhân mới được phát hiện bệnh. Điều đáng tiếc là hầu như bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn, thị lực đã rất kém hoặc mắt đã hỏng hoàn toàn. Nhiều trường hợp dù đã mù nhưng vẫn phải mổ để chữa sự đau nhức (hạ nhãn áp xuống).

Glocom là tên gọi của nhóm bệnh có nguy cơ mù lòa cao. Glocom mạn tính thường tiến triển âm thầm, thường khi người bệnh thấy một bên mắt mờ mới đi khám và đến nơi mới ngã ngửa là một mắt đã mù. Việc chẩn đoán bệnh Glocom không khó, nhưng quan trọng là bệnh nhân có đến viện không. Nhiều người bệnh sẽ có biểu hiện căng tức nhẹ, mắt như có màn sương, mắt đỏ hoặc không đỏ; nhưng nhiều trường hợp lại không có triệu chứng gì. Để bảo vệ con mắt của mình, cần đi khám mắt định kỳ 1 năm/lần. Khi thấy có bất thường, cần đi khám; nếu có bệnh phải khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ; Sau một đợt dùng thuốc, thấy chưa hiệu quả, cần đến viện khám lại để được điều chỉnh thuốc.
 
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Chia sẻ