Một số vấn đề về vắc xin phòng ung thư cổ tử cung

,
Chia sẻ

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, sau ung thư vú. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus HPV gây ra.

Xét nghiệm tế bào PAP’smear
Lứa tuổi dễ bị nhiễm virus này nhất từ 20 - 24 tuổi và đỉnh cao của UTCTC là 35 - 60 tuổi. Đây là độ tuổi mà người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong gia đình như làm mẹ, làm vợ và không ít phụ nữ có đóng góp đáng kể trong xã hội, nhiều người giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, kinh tế, y tế, giáo dục...

Từ trước đến nay, để phát hiện và điều trị UTCTC, các bác sĩ thường dùng xét nghiệm tế bào PAP’smear (Phết mỏng tế bào cổ tử cung âm đạo) nhưng hiệu quả mang lại không cao. Gần đây, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vắc xin ngừa UTCTC cho phụ nữ. Bộ Y tế nước ta cũng đã cấp phép lưu hành vắc xin Gardasil từ tháng 7 năm 2008, vắc xin tiêm cho lứa tuổi 9 - 26 nhằm ngăn ngừa ung thư và tiền UTCTC, âm hộ, âm đạo và mào gà sinh dục. Đây được xem là một bước đột phá của Y học, bảo vệ cho phụ nữ trước căn bệnh này.

Vắc xin ngừa UTCTC hiện sử dụng trên thế giới có tên khoa học “Vắc xin tứ giá” được cấp phép lưu hành trên 100 quốc gia và cấp phép lần đầu bởi Cục Quản Lý Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2006 với chỉ định cho lứa tuổi 9 - 26 tuổi. Vắc xin ngừa UTCTC thứ hai có tên là vắc xin nhị giá được cấp phép lưu hành tại Cộng đồng châu Âu từ tháng 9 năm 2007, chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ 10 - 25 tuổi và hiện chưa cấp phép tại Mỹ.

Như vậy, lứa tuổi chính thức được chỉ định chủng ngừa cho vắc xin ngừa UTCTC vẫn chủ yếu là phụ nữ trẻ khoảng 9 - 26 tuổi. Một câu hỏi được rất nhiều bác sĩ cũng như phụ nữ quan tâm: Liệu vắc xin này có sử dụng cho phụ nữ trên 26 tuổi được hay không? Đây là câu hỏi lớn cho các bác sĩ cũng như hội đồng xét duyệt cấp phép lưu hành vắc xin.

Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin đề cập đến vấn đề chính là thử nghiệm lâm sàng của vắc xin này cho phụ nữ trung niên. Khi đề cập đến bất cứ vắc xin nào, chúng ta đều tập trung vào ba vấn đề chính: Tính sinh miễn dịch, tính hiệu quả và liệu vắc xin này có an toàn không?

Hội đồng các chuyên gia của Tổ Chức Y tế thế giới đã họp tại Geneva Thụy Sĩ từ 23 - 27/10/ 2006 với chủ đề: Hướng dẫn về vấn đề đánh giá chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của vắc xin tái tổ hợp vi rút sinh u nhú ở người, với hướng dẫn cụ thể như sau: Với thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của vắc xin ngừa HPV cho phụ nữ trung niên, phải có thử nghiệm lâm sàng cả ba tính: Tính sinh miễn dịch, tính hiệu quả và cả tính an toàn, không thể dùng tính sinh miễn dịch để bắt cầu cho nhóm phụ nữ này vì tính sinh miễn dịch của phụ nữ lứa tuổi này kém hơn.

Tại Hội nghị quốc tế về phòng ngừa vi rút gây u nhú ở người tại Bắc Kinh tháng 11 năm 2007, vắc xin tứ giá Gardasil đã được chứng minh về hiệu quả đối với lứa tuổi trung niên từ 26 đến 45 tuổi qua thử nghiệm lâm sàng.

Tóm lại, vắc xin ngừa UTCTC cho phụ nữ là một bước đột phá, tiến bộ của khoa học trong thế kỷ 21. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc khi lựa chọn để có quyết định cuối cùng, là nên chọn loại nào và vắc xin này sẽ giúp bệnh nhân ngừa được loại ung thư gì? Có bao nhiêu loại ung thư sẽ được ngăn ngừa khi tiêm ngừa văc xin này? Liệu vắc xin này đã đủ bằng chứng về tính hiệu quả cho phụ nữ từ 26 tuổi trở lên. Một điều quan trọng là vẫn phải theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm tế bào học, sau khi tiêm ngừa bằng vắc xin. Tôi tin rằng, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân tiêm loại vắc xin thích hợp.

Chúng ta hy vọng căn bệnh UTCTC cũng như các loại ung thư khác, như ung thư âm hộ, âm đạo sẽ là câu chuyện buồn trong quá khứ và phụ nữ sẽ được bảo vệ tốt hơn.
 
  Theo TGPN
Chia sẻ