Một ngày học tại nhà của trẻ theo phương pháp homeschool

Đặng Nam Phương,
Chia sẻ

Ở nhà có đồ chơi, sách vở, bảng, phấn, bút để viết và vẽ, cây để tưới, cá và mèo để bé cho ăn… Lựa chọn là của bé.

Nhiều cách tiếp cận khi áp dụng dạy con tại nhà

Khi nói đến giáo dục tại nhà, nhiều người băn khoăn xem trẻ được homeschool sẽ học như thế nào? Một số tưởng tượng rằng khi nhà nhà đi học, đi làm, thì người mẹ homeschool khoá cửa, cài then, “nhốt” con ở nhà. Một số khác thì hình dung ra cảnh trẻ học theo giờ cố định, có sách vở như ở trường. Tuy nhiên, homeschool không hẳn là thế.
Cùng lựa chọn homeschool, các gia đình có thể lựa chọn rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, bởi nội dung, cách thức và thời lượng có thể được điều chỉnh cho phù hợp nhất với triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục mà cha mẹ đang theo đuổi, cũng như các yếu tố liên quan trực tiếp đến trẻ bao gồm độ tuổi, khả năng ngôn ngữ, khả năng nhận thức và tư duy, thiên hướng, sở thích và tính cách của trẻ. Không gia đình homeschool nào giáo dục con như gia đình nào.

Bé Bư (4 tuổi), con đầu của tôi, không đi nhà trẻ hay học mẫu giáo mà học tại nhà với mẹ từ 2 tuổi.



Dạy con học tại nhà
Thay vì đi mẫu giáo hay nhà trẻ, bé Bư học tại nhà với mẹ.

Unschooling – giáo dục bé chỉ huy

Mỗi gia đình có các niềm tin về giáo dục khác nhau. Các niềm tin này ảnh hưởng rất lớn đến cách thức cha mẹ dạy trẻ và nội dung mà cha mẹ cho trẻ học. 

Một số niềm tin giáo dục chính của tôi bao gồm:

- Trẻ em sinh ra vốn đã tò mò, ham học hỏi. Niềm đam mê học cần được người lớn tạo môi trường phù hợp để duy trì.
- Trẻ em có quyền lựa chọn, tức là trẻ có quyền chọn hoặc… không chọn.
- Trẻ em có quyền tự do bày tỏ suy nghĩ và cần được người lớn tôn trọng.
- Trẻ em có quyền vận động/sử dụng cơ thể theo cách trẻ muốn trong chừng mực an toàn cho tài sản, người/vật xung quanh và bản thân trẻ.
- Việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Việc học không nên bị cố định trong 4 bức tường hay sách vở (đặc biệt là sách giáo khoa), đặc biệt không nên diễn ra theo cách người lớn nói trong khi trẻ ngồi nghe.
- Trẻ sẽ học một nội dung nào đó khi trẻ đã sẵn sàng về mặt tư duy, nhận thức, và quan tâm đến nội dung đó. Nếu trẻ chưa sẵn sàng, người lớn hãy chờ lúc khác. Việc học không thể bị ép buộc.
-Với trẻ nhỏ, không có ranh giới giữa chơi và học. Trẻ cần nhiều thời gian chơi tự do để phát triển tốt. Điều này đã được khoa học chứng minh.

Những niềm tin này của tôi khiến tôi chọn unschooling - cách thức giáo dục trao quyền quyết định cho trẻ, để trẻ dẫn dắt cha mẹ.

Thời gian biểu học-chơi hàng ngày của con

Bé Bư không phải học theo giờ cố định, và được quyền quyết định sử dụng thời gian của bé cho hợp lý dưới sự hướng dẫn của tôi. Ở nhà có đồ chơi, sách vở, bảng, phấn, bút để viết và vẽ, cây để tưới, cá và mèo để bé cho ăn… Lựa chọn là của bé. Giờ học không cố định không có nghĩa là chúng tôi sinh hoạt bừa bãi. Chúng tôi cũng không giới hạn việc học chỉ ở nhà.

Một ngày của chúng tôi thường diễn ra như sau:

Sáng: Cả gia đình dậy ăn sáng, rồi ngồi ở hàng cà phê. Trong khi bố mẹ uống cà phê, hai bé tranh thủ chạy nhảy và chơi đùa. Toàn bộ thời gian còn lại cho đến bữa trưa là thời gian chơi tự do. 

Dạy con học tại nhà
Bé có thể chọn tập viết, tô màu, chơi đồ chơi, nghe nhạc và hát, hoặc xem hoạt hình...

Trưa: Nhờ có bà nội luôn nấu ăn cho cả nhà, tôi không phải lo cơm nước. Sau bữa trưa, tôi cho bé nhỏ đi ngủ, sau đó đọc sách cùng bé lớn. Bé lớn tự chọn sách tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Giờ đọc sách của chúng tôi kéo dài từ 20 tới 40 phút tuỳ xem bé muốn đọc bao nhiêu.

Chiều: Tiếp đó là giờ chơi - học tự do của bé lớn: bé có thể chọn tập viết, tô màu, chơi đồ chơi, nghe nhạc và hát, hoặc xem hoạt hình. Riêng thời lượng xem hoạt hình chỉ giới hạn ở mức 30 – 40 phút một ngày.

Khi bé nhỏ dậy, hai bé có thể chơi cùng nhau trong khu vực tầng 1 và sân. Hai bé có thể dùng phấn để vẽ và nghịch nếu thích (có hôm thì nghịch nước). Khoảng 4 giờ chiều, tôi cho hai bé đi bộ ra hồ ở gần nhà. Ở vườn hoa ven hồ, các bé có thể chạy nhảy hoặc chơi xúc cát. Đây cũng là lúc các bé làm quen với các trẻ khác và cả người lớn.

Tối: Sau khi về nhà, chúng tôi tắm rửa, ăn tối. Dọn dẹp xong, cả gia đình tôi cùng nhau ra ngoài đi bộ. Nếu có đồ cần mua, thay vì đi bộ, vợ chồng tôi đưa các bé ra siêu thị. Bé lớn sẽ có một giỏ đồ riêng để đẩy quanh siêu thị. Sau khi về nhà, các bé chơi tự do. Sau khi bé nhỏ ngủ, bé lớn có thể đọc thêm sách cùng mẹ.

Cách chọn và đọc sách cho con

Tôi đã đọc sách hàng ngày cho Bư bắt đầu từ khi bé được 1,5 tuổi, mỗi ngày khoảng 30 phút. Các tiêu chí chọn sách cho bé của tôi như sau:
- Sách có câu đầy đủ. Hình vẽ thể hiện được rõ ràng nội dung lời.
- Nội dung đa dạng. Bên cạnh các truyện kể thông thường (chúng tôi đặc biệt thích truyện ngụ ngôn), chúng tôi đọc về các con vật, nông trại, xe cộ, máy móc, cây cỏ, vũ trụ, khoa học, thức ăn, tình yêu, hạnh phúc, quyền trẻ em, cách phối màu cơ bản,…
- Nếu là sách tiếng Anh, tôi ưu tiên các sách dành cho trẻ em bản ngữ.

Dạy con học tại nhà
Chơi-học cùng con chính là cách thức đơn giản và hiệu quả nhất để dạy con.

Khi bé 1,5 tuổi, bé chỉ có thể hiểu được những cuốn có nhiều nhất là 1 câu hoặc một cụm từ mỗi trang. Nay 4 tuổi, bé có thể hiểu những cuốn sách dành cho trẻ bản ngữ 6 tuổi về các đề tài phức tạp như cách thức bộ não người vận hành và khí hậu.

Khi đọc sách, tôi để cho bé chọn các cuốn và các phần trong từng cuốn mà bé muốn đọc, và đọc theo thời lượng bé muốn. Để hiệu quả cao nhất, chúng tôi khám phá các đề tài cùng nhau, đặt câu hỏi cho nhau, giả giọng các nhân vật hoặc tạo “hiệu ứng âm thanh”, và tương tác với nhau nhiều nhất có thể. Bé Bư cũng rất thích đọc nhiều lần các cuốn quen thuộc.

***

Nghe có vẻ như chẳng có gì là học? Tôi luôn trò chuyện cùng con, và trò chuyện với con trong khi chăm sóc và chơi-học cùng con chính là cách thức đơn giản và hiệu quả nhất để dạy con.

Con đầu của tôi đã sử dụng tiếng Anh thành thạo như tiếng mẹ đẻ, tự ăn, biết cho cá và mèo ăn, hăng hái tìm hiểu về nhiều đề tài với mẹ cũng như có nhiều hiểu biết về các đề tài này, biết quan tâm đến em, biết dùng lời nói để diễn tả rõ ràng điều mình mong muốn với người trong gia đình và người lạ, không ngại làm quen với người lạ, hiểu về phép lịch sự, biết cất đồ chơi, giúp mẹ khi cần, biết xem giờ, nhận diện được số và chữ… Học nhiều và học sớm không phải là điều chúng tôi theo đuổi. Điều quan trọng nhất với gia đình tôi là các con được phát triển theo tốc độ phù hợp nhất, được học những nội dung mà con thích theo cách con muốn, được lớn lên trong môi trường giàu yêu thương, và có cha mẹ là bạn đồng hành.

Khi các bé lớn dần và bước vào các giai đoạn phát triển khác, chắc chắn các nhu cầu, sở thích và mong muốn của các bé sẽ thay đổi dần. Gia đình tôi luôn sẵn sàng để điều chỉnh cách thức giáo dục con.
Ảnh: NVCC
Chia sẻ