Vì sao dạy con tại nhà được coi là phương pháp thông minh nhất thế kỷ 21?

H.H,
Chia sẻ

Theo một nghiên cứu sư phạm mới đây, phương pháp dạy con tại nhà được xem là cách học thích hợp nhất, đầy trách nhiệm và hiệu quả nhất để giáo dục con cái trong thế kỷ 21.

Alison Davis, bà mẹ đến từ Williamstown, New Jersey, Mỹ tìm thấy giáo dục tại nhà là một phương thức mới lạ thay thế cho trường học truyền thống. Chia sẻ với Business Insider, Alison cho biết: “Theo tôi, không khí ở trường truyền thống không phải là thế giới thực tại. Giáo dục tại nhà mới là thế giới thực sự”.
 
Sự hài lòng, mãn nguyện của Alison khi quyết định không cho con mình theo học tại hệ thống trường học truyền thống, kể cả trường công lập lẫn trường dân lập, là một sự chia sẻ gây chấn động đến hầu hết các cha mẹ ở Mỹ. Theo thống kê gần đây của Bộ Giáo dục Mỹ cho thấy việc học tại nhà đã phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là nó đã tăng lên 61,8% so với 10 năm trước, tức là có hai triệu trẻ em (khoảng 4% tổng số trẻ em) hiện nay tại Mỹ được học tập thoải mái tại nhà riêng theo phương pháp homeschool.

Học tại nhà là phương pháp hay nhất để giáo dục trẻ em ở thế kỷ 21.
 
Ngược lại với niềm tin cho rằng giáo dục tại nhà là ruồng bỏ, chống đối lại xã hội, thì thực tế đây lại là phương pháp mang lại thành tích học tập cao nhất. Chỉ khác nhau là học sinh sẽ nghiền ngẫm những vấn đề toán học tại bàn ăn chứ không phải là tại bàn học ở trong lớp. Theo một nghiên cứu sư phạm mới đây, phương pháp dạy con tại nhà được xem là cách học thích hợp nhất, đầy trách nhiệm và hiệu quả nhất để giáo dục con cái trong thế kỷ 21.
 
Mỗi cá nhân là một chìa khóa
 
Trong cuốn sách “Creative Schools: The Grassroots Revolution That's Transforming Education” xuất bản năm 2015 của Ken Robinson, cựu diễn giả của TED nhấn mạnh rằng học sinh sẽ học tốt nhất ở tốc độ và cách thức ưa thích của trẻ. “Mỗi học sinh là một cá nhân độc lập với những hoài bão của riêng chúng. Mỗi trẻ đều có tài năng, sự lo âu, sự sợ hãi, niềm đam mê và khát vọng của mình”, ông viết. “Tập trung vào bản thân của từng cá nhân chính là tập trung vào việc nâng cao thành tích”. Robinson đã không đề cập trực tiếp đến giáo dục tại nhà, nhưng ý của ông cũng không khác là mấy. Không có hình thức giáo dục nào được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của cá nhân hơn hình thức dạy con tại nhà.
 
Trong khi các trường truyền thống cố gắng hết sức mình để điều chỉnh kế hoạch học tập cho từng học sinh, thì giáo viên vẫn thường giảng dạy theo cách truyền thống. Đơn giản là có quá nhiều trẻ em học ở các tốc độ khác nhau nên rất khó để giáo viên có thể cung cấp cho trẻ chính xác những gì trẻ cần. Trong khi đó, giáo dục tại nhà thì mỗi người sẽ có một giáo án được thiết kế riêng.

Dạy con tại nhà
Giáo dục tại nhà còn làm cho sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái thêm bền chặt.
 
Alison cho biết con trai cô, Luke, đã sớm “vật lộn” với việc đọc sách. Ngay cả khi học lớp hai, cậu bé vẫn không thích nó và thấy nó nặng nề không chịu nổi. Nếu như tại các trường học truyền thống, giáo viên sẽ không thể dành nhiều thời gian cho Luke, giúp cậu bé đọc tốt hơn bởi vì họ còn có 20 đứa trẻ khác phải lo. Nhưng điều này thì không xảy ra trong gia đình của Alison. "Tôi có thể dành thêm chút thời gian với con của mình", cô nói. Thêm vào đó, thời gian đọc sách nhiều hơn không chỉ là một sự thúc đẩy hướng tới khả năng đọc và viết tốt hơn mà nó còn là khoảng thời gian mà cô và Luke liên kết với nhau. Đây là điều mà không có trường học nào có thể cạnh tranh nổi. “Bây giờ thằng bé có thể đọc sách ngấu nghiến trong suốt một tuần hoặc vài ngày”, Alison chia sẻ.
 
Những tác động của việc cá nhân hóa mang lại tác dụng lâu dài. Theo một nghiên cứu năm 2009, những trẻ được học tại nhà thường đạt 86 điểm, tức là đạt số điểm cao hơn mà hoàn toàn không phụ thuộc vào kinh tế gia đình, số lượng môn học và các quy định do nhà nước đặt ra. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ em học tại nhà được nhận vào các trường đại học nhiều hơn và học tập tốt hơn. 
 
Trẻ học tại nhà vẫn có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội dễ dàng
 
Người ta thường nghĩ rằng homeschool là cách dạy “một với một” – cách dạy này hạn chế sự giao tiếp của trẻ em với xã hội mà chúng cần để phát triển. Không phải như vậy. Trẻ em học tại nhà cũng chơi bóng đá và làm các bài tập nhóm như các học sinh khác.
 
Gia đình Alison thường xuyên tham gia vào nhiều hoạt động của nhà thờ địa phương, vì vậy Luke và chị gái Amanda đều có những người bạn trong ca đoàn. Cả hai đều chơi một nhạc cụ, vì vậy họ có bạn bè trong một dàn nhạc tại nhà. Bọn trẻ ở trong khu phố chơi với nhau. Amanda còn có một người bạn qua thư đang sống ở Arizona. Và khi thời thơ ấu qua đi, Luke và Amanda sẽ không cảm thấy tuổi thơ mình buồn tẻ.

Giáo dục tại nhà, trẻ không phải chịu những áp lực như học tại các trường truyền thống.
 
Giáo dục tại nhà không chỉ giúp trẻ em thoát khỏi những áp lực từ các trường học mà nó còn giúp trẻ tránh được những “nhược điểm” của trường. Đó là kết bè kết phái và kết bạn cùng “đẳng cấp”. Alison nói có nhiều đứa trẻ khác đã bày tỏ sự ghen tị mà Luke và Amanda nhận được khi được học ở nhà, có thể tránh xa các hệ thống thứ bậc xã hội đang tồn tại trong trường học. “Những đứa trẻ đó nói rằng Luke là cậu bé tuyệt vời. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe được điều đó”, cô nói.
 
Thực tế, ngay cả đối với những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn thì xu hướng hiện nay cho thấy Internet giúp việc kết bạn trở nên dễ dàng hơn. Một cuộc khảo sát của Pew từ năm ngoái cho thấy rằng 55% các thanh thiếu niên cho biết họ thường xuyên dành thời gian nói chuyện với bạn bè trực tuyến hoặc thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Và 45% nói rằng họ gặp nhau qua các hoạt động ngoại khóa, thể thao, hoặc cùng chung sở thích. Điều này cho thấy lớp học không phải là cách duy nhất để kết bạn.

Trẻ cũng tránh được việc kết bè kết phái và chơi bạn cùng "đẳng cấp".
 
Trường học là nơi “làm việc” quá sức đối với học sinh
 
Khi sức ép căng thẳng đè lên các học sinh thì nhà trường có thể phải chịu áp lực nhiều hơn thế để thực hiện. Phụ huynh hy vọng trường học là nơi giúp trẻ em trở nên thông minh chứ không phải các em đi học có sức khỏe mà không đam mê hoạt động, tự chủ nhưng chưa hợp tác và sáng tạo, trong khi ở bậc đại học thì rất cần điều này. Một cuộc khảo sát gần đây của 165.000 sinh viên Mỹ, thì có đến ít hơn một nửa các sinh viên cảm thấy mình chưa chuẩn bị cho việc học đại học và học xa hơn nữa.
 
Có lẽ bởi vì có rất nhiều trách nhiệm mà chúng ta đang đổ dồn cho trường học và cho rằng nhà trường thực hiện những việc này tốt hơn cha mẹ. Còn Alison thì cảm thấy thành công với Luke và Amanda vì cô đã bỏ qua những công việc bận rộn, những thành tích mà chỉ tập trung vào những gì bọn trẻ cần. “Trường học cần phải đưa tất cả các bài kiểm tra, các khóa học và các môn học tự chọn vào thêm nữa để nó thiết thực hơn. Nhưng điều đó không bao giờ có thể xảy ra, trừ khi bạn đang thực sự sống trong đó”, cô cho biết.

Đôi nét về tác giả:

Chris Weller là một phóng viên cao cấp thích tìm hiểu về sự đổi mới. Anh thích viết về các chủ đề về giáo dục, thu nhập, chính sách công cộng, tâm lý, tương lai… Anh thường viết bài cho tờ Newsweek và The Atlantic, và anh đã xuất hiện trên NPR.
 

Nguồn: Businessinsider
Chia sẻ