Một đất nước có phong tục tắm nước lạnh lấy may, đàn ông đóng khố ngâm nước đá bất chấp giá rét

THÙY ANH,
Chia sẻ

Phong tục này có tuổi đời hơn 60 năm.

Nhật Bản được biết đến là một đất nước xinh đẹp, thu hút với tự nhiên trong lành và nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc. Người dân xứ hoa anh đào nổi tiếng khắp thế giới với nét văn hóa cùng những phong tục độc đáo đến lạ thường.

Vào dịp đầu năm, người Nhật có phong tục truyền thống là tắm trong bể nước lạnh. Việc làm được cho là có thể thanh lọc tâm hồn, đồng thời mang tới nhiều may mắn. Những người tham gia đều chỉ mặc trên mình một tấm vải tới công viên hay đền thờ để thực hiện nghi lễ như một cách thức chào đón năm mới.

Phong tục này còn có tên gọi là Nghi lễ Shinto. Sự kiện được tổ chức thường niên tại đền Teppouzu Inari vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Giêng. Nghi lễ Shinto này được lấy cảm hứng từ việc một cựu linh mục của đền thờ đã tạt nước lạnh vào mình để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của cộng đồng địa phương vào năm 1955.

Trước khi tắm giữa tiết trời giá rét, những người tham gia đều nhảy múa, chạy vòng quanh đền, đứng dưới ánh nắng mặt trời hiếm hoi của mùa lạnh hô lên các câu khẩu hiệu thể hiện tinh thần của mình.

33 nam giới đóng khố truyền thống, 7 nữ giới mặc áo choàng trắng vỗ tay, tụng kinh trước khi bước vào bồn tắm lớn chứa đầy những tảng đá lạnh buốt.

Một đất nước có phong tục tắm nước lạnh lấy may, đàn ông đóng khố ngâm nước đá bất chấp giá rét - Ảnh 1.

Ảnh: News18

"Thay vì cảm thấy lạnh, ngón chân của tôi có vẻ bị đau khi ngâm trong nước đá, nhưng khi kết thúc tôi lại cảm thấy có chút sảng khoái. Đây là một sự kiện thường niên mà chúng tôi vẫn làm để cầu nguyện cho sức khỏe. Tôi cảm thấy như năm mới sẽ không bắt đầu nếu không làm điều này”, một người trải nghiệm cho biết.

Đến nay, nghi lễ tắm nước đá diễn ra tại nhiều nơi. Nghi lễ này cũng có nhiều biến thể. Tại một số đền thờ, người tham gia ngâm mình trong nước lạnh hoặc ôm một tảng băng lớn. Có những nơi người tham dự ngâm mình trong tuyết hoặc tắm dưới thác nước.

Không chỉ có tắm nước lạnh, người Nhật còn có nhiều phong tục khác để đón chào năm mới.

Tiệc tiễn năm cũ

Mỗi năm, trong suốt tháng 12, người dân Nhật Bản thường tổ chức bonenkai (tiệc tiễn năm cũ). Đây là dịp nhân viên các công ty, đối tác kinh doanh, bạn bè tổ chức để kết thúc năm, quên đi những nỗi buồn phiền năm cũ và hướng đến năm mới với tinh thần tươi mới hơn. Kể cả trong dịp tiệc công ty, không khí trang trọng cũng nhanh chóng biến mất sau màn chúc tụng. Quan khách sẽ được thả lỏng dần và bắt đầu thân mật trò chuyện, ăn uống. Một số bữa tiệc còn có nhiều hoạt động vui vẻ, trò chơi hoặc tổ chức hát karaoke.

Ăn bánh nếp gương và quả quít

Một đất nước có phong tục tắm nước lạnh lấy may, đàn ông đóng khố ngâm nước đá bất chấp giá rét - Ảnh 2.

Ảnh: Tokyolife

Người Nhật có thói quen đón ngày năm mới bằng một loại bánh đặc biệt - kagami mochi, hay bánh mochi gương. Sở dĩ có tên gọi này vì bánh gồm 2 chiếc bánh nếp chồng lên nhau, có màu trắng sáng như gương.

Đặc biệt hơn, trên đỉnh chiếc bánh này luôn có một quả quít mikan. Trên thực tế, đây là một truyền thống khá mới do trước đây, bánh thường được trang trí với các loại quả họ cam quýt gọi là daidai nói chung. Daidai được cho là mang lại may mắn và trường tồn do đồng âm với từ "thế hệ" trong tiếng Nhật, tượng trưng cho mong ước nối dõi dài lâu của mỗi gia đình.

Rung chuông đón năm mới

Truyền thống này có phần giống với màn đếm ngược thời gian ở các nước Phương Tây. Ở Nhật, đây là một sự kiện đặc biệt và mỗi vùng lại tổ chức theo kiểu riêng. Vài phút trước khi bước sang năm mới, các ngôi đền Phật giáo sẽ rung hồi chuông dài 108 lần như một phần của lễ Joya no kane. Nghi lễ này được tổ chức để thanh tẩy tâm hồn con người cho một năm mới đang tới. Ở Tokyo, các ngôi đền nổi tiếng tổ chức lễ này là đền Zojoji gần tháp Tokyo và đến Sensoji ở khu Asakusa.

Dùng chiếc đũa thuôn ở 2 đầu

Đũa thông thường ở Nhật chỉ thuôn 1 đầu, nhưng chiếc đũa dùng trong năm mới, gọi là iwaibashi thường có 2 đầu thuôn và làm từ gỗ cây liễu - một vật liệu được tin là linh thiêng.

Phần giữa thân đũa phình ra tượng trưng cho một túi rơm đầy, mang hy vọng một vụ mùa bội thu. Hai đầu đũa đều thuôn vì nó có thể được dùng từ cả 2 phía. Khi ăn, mọi người chỉ sử dụng một đầu, vì đầu còn lại sẽ dành cho các vị thần hiện diện tại bữa tiệc đầu năm mới.

Tổng hợp

Chia sẻ