Môn thể thao nào tăng cường trí lực?

,
Chia sẻ

Liệu có môn thể thao nào vừa có thể giúp chúng ta tập luyện để sức khỏe thêm dẻo dai vừa trở nên thông minh hơn?

Lâu nay, người ta vẫn thường nhắc đến những loại thức ăn giúp trí nhớ hoặc giúp con người thông minh hơn. Trong dân gian, hai loại thực phẩm được nói đến nhiều nhất là cá và bí đỏ. Cách đây không lâu, cá ba sa được quảng cáo đình đám trong nước vì trong mỡ cá có chất DHA (dososahexa-enoic acid) nghe nói là tốt cho não bộ, đặc biệt là đối với trẻ em.

 

Trong khi đó, các bác sĩ khuyên chúng ta tập thể dục hoặc chơi thể thao để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật và làm chậm quá trình lão hóa.

 

Thế mà gần đây, qua công trình nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại Đại học National Cheng Kung University ở Đài Loan có vẻ đang cố gắng tìm ra cách tập luyện thân thể có lợi nhất cho trí não con người. Chắc sẽ có độc giả nghĩ ngay đến những “môn thể thao trí tuệ” (cờ vua chẳng hạn). Nhưng xét cho cùng, đó không phải là rèn luyện thể chất. Chúng ta hãy thử xem các nhà khoa học Đài Loan tìm được điều gì nhé!

 

Chạy bộ: thông minh?

 

Trong nghiên cứu nói trên - được nêu trong một bài báo đăng lại trên website của tờ New York Times - những con chuột được chia làm hai nhóm và cho bơi qua một bể nước theo đường zigzag. Mục đích của việc này là tìm hiểu thời gian cần thiết để lũ chuột học được cách thoát khỏi thủy lộ rắc rối đó sau khi chúng phải trải qua những kích thích khó chịu.

 

Trong bốn tuần kế tiếp, các nhà khoa học cho một số chuột tự do chạy trên bánh xe xoay trong lồng, một hoạt động mà chuột nuôi rất ưa thích. Trong khi đó, những con chuột còn lại buộc phải hoạt động nhiều hơn trên những băng chuyền đi bộ (di chuyển tại chỗ trên băng chuyền tự quay) theo tốc độ và thời lượng do các nhà khoa học ấn định.

 

Sau đó, tất cả những con chuột này lại được thí nghiệm để xem chúng đã học và nhớ những gì. Hai nhóm chuột đều có tiến bộ rõ rệt so với lần thử nghiệm bơi cách đó một tháng. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy rằng những con chuột chạy trên băng chuyền tỏ ra vượt trội trong việc tránh được những lối đi sai, một kỹ năng mà theo họ đòi hỏi phải có các phản ứng phức tạp liên quan đến quá trình nhận thức.

 

Các nhà khoa học Đài Loan sau đó phát hiện rằng khi quan sát dưới kính hiển vi một số vùng trên não của những con chuột chạy trên băng chuyền đã có một số thay đổi về mặt phân tử, trong khi não của những con chuột tự chạy trên bánh xe xoay chỉ thay đổi ở một chỗ duy nhất. Theo Giáo sư sinh lý học Chauying J. Jen, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu trên, phát hiện này củng cố quan điểm cho rằng các loại hình hoạt động thể chất khác nhau dẫn đến sự thay đổi về sự linh hoạt của hoạt động thần kinh ở những vùng khác nhau trên não bộ.

 

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã biết rằng rèn luyện thể chất làm thay đổi cấu trúc của não và ảnh hưởng đến tư duy. Mười năm trước, các nhà khoa học tại Viện Salk Institute ở California, Mỹ, công bố một phát hiện có tính chất đột phá cho thấy rèn luyện thể chất kích thích sản xuất các tế bào não. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi cơ bản còn chưa được giải quyết. Chẳng hạn các bài tập có cần đạt đến cường độ nào đó để có tác dụng hay không? Có nên là bài tập nhằm chủ yếu tăng cường hoạt động của tim và phổi (ví dụ thể dục nhịp điệu tập với nhạc nền)? Còn tập tạ thì sao? Liệu cải thiện trí não như vậy là lâu dài hay chỉ có tính chất nhất thời?

 

Một số nghiên cứu gần đây đã phần nào trả lời những câu hỏi trên. Trong một công trình in trong tạp chí chuyên ngành của trường Y học thể thao American College of Sports Medicine, 21 sinh viên thuộc Đại học Illinois được yêu cầu ghi nhớ một dãy ký tự. Sau đó những sinh viên này được yêu cầu thực hiện một trong ba hoạt động kéo dài trong nửa tiếng là ngồi yên, chạy trên băng chuyền hoặc nâng tạ trước khi làm lại bài tập về những ký tự đã ghi nhớ.

 

Sau đó, họ lại được thư giãn 30 phút trước khi làm lại bài tập về ký tự một lần nữa. Trong những ngày kế tiếp, những sinh viên thực hiện lần lượt hai hoạt động thể chất còn lại. Kết quả cho thấy sinh viên cải thiện rõ rệt cả về tốc độ lẫn sự chính xác khi thực hiện các bài kiểm tra về ký tự sau khi chạy bộ so với hai hoạt động còn lại. Họ tiếp tục thực hiện tốt các bài kiểm tra tương tự sau thời gian thư giãn 30 phút.

 

Theo Phó giáo sư Charles Hillman, bộ môn sinh lý vận động, Đại học Illinois, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu này, thì “dường như luyện tập nhằm tăng cường hoạt động của tim và phổi đã tạo ra sự khác biệt”.

 

Trong một thí nghiệm cũng do Đại học Illinois tiến hành, một số người cao tuổi được chọn tham gia một chương trình kéo dài sáu tháng. Những người này được chọn tập các bài tập kéo giãn cơ thể hoặc đi bộ nhanh. Kết quả nhóm đầu có sự cải thiện về sự dẻo dai. Tuy nhiên, họ kém tiến bộ trong các bài trắc nghiệm liên quan đến hoạt động trí não, điều đã được thể hiện ở nhóm thứ hai (đi bộ).

 

Giải thích hiện tượng này, Henriette van Pragg, làm việc tại phòng thí nghiệm thần kinh học thuộc Viện Lão học quốc gia (Mỹ), cho rằng hình như các yếu tố tăng trưởng phải được chuyển tải từ vùng ngoại biên của cơ thể đến não bộ mới gây ra được sự thay đổi đáng kể về mặt phân tử ở đó. Theo Pragg, để việc đó xảy ra, “bạn cần phải tạo được sự thay đổi rõ rệt về sự lưu thông của hệ tuần hoàn, tương tự như trong các hoạt động chạy bộ, đi xe đạp hay bơi lội. Trong khi đó, tập tạ chỉ kích thích sự sản xuất yếu tố tăng trưởng trong cơ bắp và không chuyển chúng đến não”.

 

Môn thể thao nào giúp phát triển trí não?

 

Còn trường hợp hai đàn chuột trong công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đài Loan cùng chạy thì sao? Các nhà nghiên cứu cho rằng những con chuột chạy trên bánh xe quay thường có ít dấu hiệu cải thiện nếu xét trên các hệ thống đo lường về tình trạng sức khỏe, như tăng cường sức mạnh của cơ và khả năng cải thiện hoạt động của tim và phổi. Những con chuột này chỉ chủ yếu “vui đùa thỏa thích chứ chẳng tốn nhiều công sức”.

 

Ngược lại, những con chuột chạy trên băng chuyền phải ra sức vừa chạy vừa thở. Giáo sư Jen cho rằng có lẽ chạy trên băng chuyền có cường độ cao hơn dẫn đến sự cải thiện khả năng hoạt động hiếu khí của cơ, giúp tăng cường hoạt động của tim và phổi, do đó ảnh hưởng nhiều hơn đến não so với chạy trên bánh xe quay.

 

Vậy thì nên chăng chúng ta cứ phó thác việc luyện tập thể chất của mình vào tay các huấn luyện viên nghiêm khắc đòi hỏi phải hoạt động liên tục? Giáo sư Jen cảnh báo rằng trong chuyện này chưa chắc cơ thể con người hoạt động tương tự như chuột.

 

“Công bằng mà nói thì có lẽ là thế này”, ông phát biểu, “bất kỳ hoạt động rèn luyện thể chất thường xuyên nào (miễn là tăng cường hoạt động của tim và phổi) đều có thể giúp duy trì hoặc thậm chí tăng cường chức năng não bộ của chúng ta”.

 

Theo Quỳnh Thư

TBKTSG

Chia sẻ