Mối liên hệ mật thiết giữa căng thẳng, lo âu với bệnh tiêu chảy

Nhung Mai,
Chia sẻ

Căng thẳng và lo lắng có thể gây ra một loạt các vấn đề, từ mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn tới tiêu chảy.

Xác định nguyên nhân là việc làm hàng đầu và cần thiết nhất khi đối mặt với tình trạng tiêu chảy.

Bạn không phải là người duy nhất gặp phải các vấn đề về đường ruột khi bị stress. Tuy chưa có thống kê cụ thể, Ashkan Farhadi, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Y tế MemorialCare Orange Coast ở Fountain Valley, California cho biết, căng thẳng hoặc lo âu dẫn tới các vấn đề về đường ruột là hiện tượng khá phổ biến.

Mối liên hệ mật thiết giữa stress và lo âu với bệnh tiêu chảy - Ảnh 1.

Trên thực tế, stress và tiêu chảy có mối liên hệ mật thiết và thậm chí đến nay các chuyên gia vẫn còn phải nghiên cứu thêm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:

Tại sao stress gây tiêu chảy?

Câu trả lời là bộ não và đường ruột thường xuyên “liên lạc” với nhau. Alicia Clark, bác sĩ tâm lý kiêm tác giả của cuốn sách Hack Your Anxiety giải thích, mối liên kết giữa hai bộ phận này rất mạnh mẽ nhờ các bó sợi dây thần kinh. Những dây thần kinh có nhiều công dụng từ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột đến kiểm soát quá trình tiêu hóa. Do đó, khi bạn bị căng thẳng, não sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên rồi tiếp theo là đường ruột, từ đó dẫn tới hiện tượng tiêu chảy.

Các nhà khoa học tin rằng mối quan hệ giữa hai bộ phận này có tính hai chiều. Hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả sẽ gây nên các vấn đề về tâm lý và ngược lại, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Đây là lý do tại sao không ít người cảm thấy đau bụng hoặc tiêu chảy khi tâm trạng xuống dốc. Theo bác sĩ Clark, tất cả mọi thứ từ đau bụng, buồn nôn đến tiêu chảy đều có thể xảy ra do tác động mạnh mẽ của trạng thái tinh thần và cảm xúc.

Mối liên hệ mật thiết giữa stress và lo âu với bệnh tiêu chảy - Ảnh 1.

Tiêu chảy có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đang phải đối mặt với stress.

Tara Menon, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiêu hóa tại Đại học Ohio cho biết thêm, stress kích thích phản ứng tự vệ bản năng của cơ thể, từ đó làm tăng tốc độ chuyển động của ruột. Ruột có nhiệm vụ hút nước và làm rắn phân. Tuy nhiên, nếu phân di chuyển với tốc độ nhanh hơn bình thường và ruột không kịp hút nước, tiêu chảy là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Làm cách nào để tránh tiêu chảy khi căng thẳng?

Gail Saltz, phó giáo sư tâm lý học kiêm bác sĩ tại Bệnh viện NY Presbyterian trực thuộc Trường Y Weill-Cornell cho biết, nếu nhận thấy tình trạng tiêu chảy biến mất sau khi lấy lại tâm trạng, bạn rất có thể đang phải đối mặt với stress. Nếu căng thẳng hoặc lo âu không phải là nguyên nhân, mọi người nên đến bác sĩ kiểm tra nhằm phòng ngừa khả năng mắc vấn đề sức khỏe chưa biết. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn hạn chế tình trạng này:

- Tránh căng thẳng: Stress là vấn đề rất nhiều người phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Nếu có thể, bạn nên tránh những căng thẳng không cần thiết vì việc làm này cũng mang lại hiệu quả không nhỏ, góp phần hạn chế tiêu chảy do tâm trạng xuống dốc.

- Xác định nguyên nhân: Hãy tự đặt ra những câu hỏi: Stress nói lên điều gì? Tại sao phải lo lắng về vấn đề này? Phải làm gì để giải quyết điều đó? Câu trả lời sẽ hướng tới các giải pháp giúp bạn thoát khỏi những lo lắng không cần thiết.

Mối liên hệ mật thiết giữa stress và lo âu với bệnh tiêu chảy - Ảnh 2.

Thiền là kỹ thuật vừa đơn giản vừa đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát căng thẳng, giảm lo âu và giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn: Tập bài tập hít thở sâu hoặc thiền đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa stress và giảm tác động của tình trạng này lên cơ thể.

- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Bác sĩ Menon cho biết, một chế độ ăn uống cân bằng cần đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, chứa ngũ cốc, trái cây và rau quả. Đồng thời, hãy bỏ thói quen uống rượu và cà phê khi bị căng thẳng do việc làm này sẽ khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

Khi nào nên đến khám bác sĩ?

Nếu tiêu chảy bắt nguồn từ stress và tình trạng này không quá nghiêm trọng, bạn không cần thiết phải đến gặp bác sĩ.

Theo bác sĩ Farhadi, tần suất và mức độ nghiêm trọng là hai yếu tố cần quan tâm nhất. Nếu tiêu chảy kéo dài, liên tục và xảy ra ít nhất ba lần một tuần, bạn có thể đang phải đối mặt với hội chứng ruột kích thích (IBS). Hiện nay có nhiều nguyên nhân gây dẫn tới IBS và một trong số đó là stress.

Bác sĩ Menon lưu ý, tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe đường ruột khác như bệnh viêm ruột hoặc thậm chí dị ứng thực phẩm mãn tính. Do đó, nếu tình trạng này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày của bạn, đừng ngại ngần tới gặp các chuyên gia y khoa để được tư vấn.

(Nguồn: Women'shealth)

Chia sẻ