"Méo mặt" vì tự khám chữa bệnh qua mạng

,
Chia sẻ

"Hễ trong nhà có ai ốm đau là tôi vào mạng, tìm một lúc biết ngay bệnh gì, cần dùng thuốc gì", Hiền, 29 tuổi, tâm sự. Nhiều người có thói quen như Hiền đã thấy tiếc vì điều này.

Hiền làm marketing, công việc liên quan nhiều đến internet. Bất cứ thông tin gì cô cũng đều tìm trên mạng, từ mua sắm đồ đạc, nấu nướng đến chăm sóc sức khỏe gia đình. "Trên mạng cái gì cũng có, chỉ cần chịu khó search là ra ngay". Trong nhà có ai đau gì là cô gõ ngay mấy từ khóa mô tả triệu chứng, rồi nghiên cứu các thông tin tìm được và đưa ra chẩn đoán. Đã nhiều lần, cô mua thuốc cho bản thân và cả chồng con uống sau khi đọc mạng, tự hào vì mình không kém gì bác sĩ.

Rất nhiều người dùng internet khác cũng có thói quen như Hiền. Họ phần lớn là những người có tri thức, tin ở hiểu biết và khả năng phân tích thông tin của mình, nên dù biết rằng có bệnh thì nên đến bác sĩ nhưng vẫn tự mình "chẩn đoán" nếu bệnh không nặng. Ngoài việc đọc trên báo điện tử và đối chiếu với triệu chứng của mình (hoặc người nhà), họ còn tham gia các diễn đàn. "Thành viên các diễn đàn đều là trí thức cả, nhiều người rất giỏi, họ chia sẻ kinh nghiệm của chính họ, nhiều người khác làm theo và khỏi rồi", chị Mai Chi, 33 tuổi, Hà Nội, giải thích về việc mình hay chữa bệnh theo mạng. Nhiều người cũng nghĩ như chị, và cũng nhiều người đã thấy tiếc về điều này. 

Rất nhiều người "tra" cách chữa bệnh trên mạng. Ảnh minh hoạ.

Đứa con 11 tháng của chị Dung (Thanh Trì, Hà Nội) rất hay giật mình và ra nhiều mồ hôi. Sau khi đọc các bài báo trên mạng, rồi kinh nghiệm thực tế của các bà mẹ trên một diễn đàn nổi tiếng, Dung nghi bé bị còi xương. Chị lấy nick của một thành viên để chat trao đổi. "Đúng là còi xương rồi ấy ạ, con tớ hồi trước cũng thế, sau uống vitamin D mà khỏi đấy". Hôm sau, Dung mua ngay vitamin D cho con uống thường xuyên với liều cao. Một thời gian sau, bé trở nên mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, chán ăn, buồn nôn và nôn... Đưa con đi khám, chị mới biết đó là biểu hiện ngộ độc do thừa vitamin D.

Cũng tham khảo qua mạng, chị Hạnh ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội, mua một loại kem bôi chữa hăm được các bà mẹ ca tụng hết lời để trị những vết mẩn trên da cho con. Hậu quả là sau đó bé bị dị ứng. Bác sĩ cho biết loại kem chị dùng không phải hàng giả, nhưng không phù hợp với bé vì bé không bị hăm.

Từ ho, sốt, hăm da, tiêu chảy, táo bón cho đến ung thư, hầu hết các chủ đề sức khỏe, nhất là ở trẻ em, đều có trên mạng. Ở diễn đàn, một người nêu các dấu hiệu mà con mình mắc phải, các bà mẹ khác có con từng mắc bệnh có triệu chứng “na ná” như vậy sẽ tư vấn nhiệt tình. Họ không chỉ "chẩn đoán" bệnh mà còn cho biết sử dụng loại thuốc nào, mua ở đâu.

Tư vấn bệnh giữa các thành viên trên diễn đàn là khá phổ biến.
Bác sĩ Cao Độc Lập, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, khẳng định, cho dù những thông tin trên mạng họ đọc được là rất khoa học, chính xác, thì việc tự chữa bệnh theo những gì đọc được vẫn là sai hoàn toàn về phương pháp và rất dễ gây nguy hiểm. Không thể xác định bệnh chỉ dựa vào việc thấy triệu chứng của mình hoặc người nhà giống như những biểu hiện được nêu trên mạng. Về nguyên tắc, các bác sĩ khi chẩn đoán trước hết phải xem xét dấu hiệu lâm sàng, sau đó là các phương tiện thăm khám đơn giản như ống nghe, hoặc dùng tay để chẩn bệnh. Gặp phải các trường hợp phức tạp hơn thì còn cần đến sự can thiệp của các phương pháp kỹ thuật như chụp điện quang, siêu âm, chụp cắt lớp... mới có thể đưa ra kết luận.

"Ngay hình thức khám bệnh qua thư trên các báo cũng chỉ là những gợi ý mang tính tham khảo, giải đáp một số thắc mắc cơ bản chứ không kết luận, và hầu hết sau đó đều khuyên người bệnh trực tiếp đến gặp bác sĩ. Việc chẩn đoán đòi hỏi kiến thức về y học chứ không thể 'khám' qua mạng được", bác sĩ Lập nói.

Một triệu chứng có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau, mà mỗi loại bệnh lại cần các thuốc khác nhau. Thậm chí cùng một bệnh nhưng người này cần dùng thuốc này, người kia cần dùng thuốc khác. Việc điều trị sai nhẹ thì không chữa được khỏi bệnh, nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Lập lấy ví dụ, một dấu hiệu rất hay gặp là ho có thể là triệu chứng của viêm họng, viêm amidan, cũng có thể do cúm, lao hay SARS… Trong khi đó, trẻ ho thường được bố mẹ "quy kết" là viêm họng nên tự ý mua kháng sinh về chữa, trong khi không phải chứng ho nào cũng chữa được bằng kháng sinh. Ngoài ra, việc dùng thuốc tùy tiện theo kiểu "mách nhau" trên mạng nếu quá liều có thể gây ngộ độc, còn không đủ liều lại gây nhờn thuốc, thuốc mất tác dụng và không dứt bệnh.

"Trao đổi thông tin trên mạng là điều hữu ích, rất tốt cho công tác phòng chống và phát hiện bệnh. Tuy nhiên, hãy nên xem nó chỉ là thông tin tham khảo, còn để chẩn đoán và chữa bệnh thì nhất thiết phải đến cơ sở y tế", bác sĩ Lập khuyến cáo.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ