“Yêu cho đòn, cho vọt...”

,
Chia sẻ

Giận con, bố Tí giơ tay tát con mạnh đến nỗi lằn cả 5 ngón tay lên mặt. Lúc đó, Tí mới chịu ngồi yên học bài, hai hàng nước mắt lưng tròng.

Đòn roi cũng có “tác dụng”

Cu Tí 6 tuổi, hết kỳ nghỉ Tết vẫn không chịu học bài, mải mê xem đĩa Táo quân. Mẹ mắng mãi, Tí mới lụi hụi lôi sách vở ra để học với yêu cầu: “vừa tập viết vừa xem đĩa”. Bố đi về, tắt đầu đĩa, cu cậu cứ gườm gườm nhìn bố. Bố giận quá, mới giơ tay tát cu cậu lằn cả 5 ngón tay lên mặt. Lúc đấy, Tí mới chịu ngồi yên học bài, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Rất nhiều bố mẹ cũng giống như bố cu Tí nhờ đòn roi “dạy” con hộ mình khi con bướng quá, không bảo được. Tuy cũng đã đọc quá nhiều sách báo nói rằng đánh con là việc bất đắc dĩ nhưng trong lúc nóng giận, không kiềm chế được nên phải đánh con. Cũng không ít bố mẹ công nhận rằng: “đòn roi cũng có tác dụng”.

Một mẹ trên diễn đàn tâm sự: “Con tôi mới 3 tuổi, rất hay nghịch, phá, đặc biệt là hất tung đồ đạc xuống đất. Mẹ có nghiêm mặt, quát mắng, bé vẫn cứ nhơn nhơn. Hôm vừa rồi, bé xuống phòng khách của ông nội, hất đổ cả giá sách của ông. Ông giận quá, dùng cán chổi đánh hai phát vào mông. Từ hôm đó, tôi thấy con mình không dám hất đổ đồ vật xuống đất”.
 
Bé khóc vì sợ mẹ đánh
 
Bi hài hơn là chuyện đánh con của những bố mẹ Việt Nam mới chuyển sang nước ngoài sinh sống. “Mới ăn cơm Tây được một tuần, bé gái 6 tuổi nhà tôi đã được bạn hàng xóm "bơm" vào đầu một hành trang sống lí thú : Ở đây bố mẹ đánh con sẽ bị cảnh sát bắt ngay.

Ngay ngày hôm sau, bé đã thử nghiệm điều bé mới khám phá được bằng thái độ bướng bỉnh với bố mẹ. Tôi rất bất bình và giảng giải cho con về luật đó, nhắc nhở bé làm thế là không ngoan. Một tuần sau, tôi không thể chịu nổi thái độ nhơn nhơn của con, bắt con đứng úp mặt vào tường, tay cầm roi và hỏi tội con. Bé nhận hết mọi tội và nhận hẳn 10 roi cho những tội đó. Trong khi ở Việt Nam, bé chỉ nhận 1 roi mà còn xin khất.

Tôi liền bảo: “Bây giờ mẹ đánh và con đếm nhé. Đánh được 2 roi, con bắt đầu khóc vì ở Việt Nam rất ít khi bị ăn đòn. Mẹ đâm lao phải theo lao, nên mặt phải tỉnh bơ. Đến roi thứ 3, bé oà khóc nức nở và xin lỗi: “ Mẹ ơi, cho con xin nợ. Con không dám hư nữa đâu”. Từ đó, bé lại ngoan ngoãn nghe lời, không còn dám mang luật ra để doạ bố mẹ nữa.
 
Trẻ con ở nước ngoài thường chỉ bị phạt, ít khi bị đánh
 
Đánh con: “xót con, đau bố mẹ”

Nghe chuyện bố cu Tí, ai cũng trách sao nặng tay với con nhỏ thế. Nhưng ít người biết rằng, sau khi lỡ tay đánh con mạnh như thế, bố cu Tí phải chạy ngay vào phòng đóng cửa, nằm khóc vì xót con.

Không ít các bố mẹ sau khi đánh con đều cảm thấy thương con, thấy đau hơn cả con bị đánh. Hơn thế nữa, đánh con sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của các bé.

Một bé gái mới gần 5 tuổi đưa cho cô hàng xóm một hộp diêm đựng con dế bị gãy chân. Bé hồn nhiền nói: “Cô ơi, con dế này hư nên mới bị bố mẹ dế đánh gãy chân”. Cô hàng xóm mới trấn an: “Không phải đâu con, bố mẹ vẫn thương con cái lắm, không bao giờ đánh con đâu”. Cô bé tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình: “Cô ơi, cha mẹ con đánh con hoài à. Nhưng mà con lúc con hư cha mẹ mới đánh, chắc con dế này cũng hư mới bị đánh như thế!".

Với những bé dưới 3 tuổi, bố mẹ cũng phải tỏ thái độ không bằng lòng  nếu bé làm điều gì sai hoặc bé đòi một điều gì mà không được cho phép. Những bé lớn hơn, đã nhận thức được nhiều điều, bố mẹ phải bắt đầu “uốn nắn” con và có những kỷ luật riêng.
 
Bố mẹ không nên "nhờ" đòn roi trong việc dạy dỗ con
 
Nếu giận quá, có trót nhờ đến sự giúp đỡ của đòn roi, bố mẹ nhớ chỉ nên đánh vào mông con, không nên tát bé. Có thể những trận đòn roi không mang lại hiệu quả giáo dục mà chỉ làm thoả cơn nóng giận của bố mẹ. Còn các bé ngừng làm việc sai vì sợ đánh đòn đau chứ không hề sợ bố mẹ.

Dùng roi vọt để giáo dục con cái nhiều khi sẽ phản giáo dục. Trên thực tế, những bé bị đánh quá nhiều sẽ sinh ra lỳ lợm, nhân cách bị  lệch lạc. nếu đứa trẻ bị đánh nhiều quá sẽ sinh ra lì lợm, nhân cách bị lệch lạc.

Các cụ xưa vẫn dạy “Yêu cho đòn, cho vọt”. Nhưng bố mẹ hãy giáo dục bé bằng tình yêu thương, phân tích giảng giải cho bé hiểu những lỗi lầm của mình chứ không phải bằng “sự yêu thương” của đòn roi.

Thu Hằng

(Tổng hợp)

Chia sẻ