"Xóa tan" tính đố kỵ của con

Bích Ngọc,
Chia sẻ

Không ít bậc phụ huynh đau đầu khi con mình cứ nhìn thấy bạn bè có đồ mới là đố kỵ và nằng nặc đòi mua bằng được.

Trong nhiều trường hợp, tính đố kỵ cũng không hoàn toàn là xấu. Đố kỵ giúp trẻ phấn đấu trong học tập, biết tôn trọng người khác, có ý chí tiến thủ và khuyến khích trẻ sáng tạo. Trẻ sẽ nhận biết được mình thiếu điều gì và phải phấn đấu để sống tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên ghen ghét bạn bè mà không chịu phấn đấu, trẻ sẽ ngày càng trở nên hẹp hòi, ích kỷ, thậm chí còn coi thường người khác.

Đố kỵ hay ghen ghét là một trong những tính xấu của con người tuy nhiên đó lại là một cảm xúc rất thật mà mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua ít nhất một lần trong đời.

Đây là hỗn hợp của ác cảm, bất an, ích kỷ và nghi ngờ. Con bạn đang thể hiện đúng thái độ ấy với anh, chị em hay bạn bè. Bạn sẽ làm gì để giúp con mở lòng và vị tha hơn?

1. Giữ thái độ bĩnh tĩnh, ôn hòa

Con hay kể tội một bạn trên lớp vì đơn giản bạn ấy được thầy cô yêu quý hơn con, nhiều bạn hơn con với thái độ hằn học.

Bạn có thể bất ngờ và cảm thấy lo lắng, đôi khi có chút bực tức vì con đang mang tính xấu. Tuy nhiên, bạn đừng thể hiện thái độ bực mình ấy với trẻ vì như thế con sẽ cảm thấy mình đang mắc lỗi.

Nếu chúng ta bắt trẻ phải đương đầu với những thử thách như vậy, lần sau trẻ sẽ không tâm sự với bạn mà sẽ giữ kín mọi chuyện trong lòng. Khi đó trẻ sẽ bắt đầu tự đánh giá về bản thân với thái độ tiêu cực hơn.

Vì vậy, những gì bạn cần làm là nói với con rằng: “Mẹ biết con ghen tỵ với bạn ấy vì điều gì rồi và mẹ vui vì con đã nói cho mẹ biết điều đó. Mẹ tin rằng khi tâm sự với mẹ như vậy, con sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tuy nhiên, mẹ biết rằng con của mẹ cũng rất giỏi, chỉ cần con cố gắng nhiều hơn, học giỏi hơn, vui vẻ hơn thì thầy, cô và các bạn sẽ yêu quý con hơn thôi”.


Khi thấy người khác có thứ mà mình không có, trẻ thường nảy sinh tâm lý đố kỵ. (Ảnh minh họa)

2. Thú nhận với con mình cũng có tính xấu ấy

Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng bạn nhận thấy những biểu hiện ghen ghét của trẻ với người khác. Bạn cũng có thể thú nhận với con rằng bản thân bạn đôi khi cũng có tính xấu ấy.

Bạn có thể nói cho con nghe rằng: “Mẹ rất hiểu những gì con đang cảm thấy lúc này. Đôi khi mẹ cũng ghen ghét với người khác nhưng mẹ không để cho vấn đề này làm phiền mẹ. Mẹ nghiệm ra rằng, nếu cứ lờ đi, tập trung vào những việc khác thì một thời gian sau, lòng ác cảm sẽ biến mất và chắc chắn điều này cũng sẽ diễn ra với con thôi”.

Việc thú nhận này hoàn toàn không có hại mà đó sẽ là một bài học cho bản thân trẻ trong cách cư xử với người khác.

3. Nhấn mạnh những điểm tích cực trong tính cách của trẻ

Tính đố kỵ của trẻ thường xuất hiện trong sự so sánh với anh, chị, em, bạn bè về một mặt nào đó, chẳng hạn như bạn A có nhiều quần áo đẹp hơn, điểm thi cao hơn,...Với trường hợp này, bạn có thể giúp trẻ bằng cách tìm ra những điểm mạnh của trẻ và nhấn mạnh vào những ưu điểm, sở trường trẻ đang có.

Bạn có thể nói với con như thế này: “Mẹ thấy con đang buồn vì bạn A có nhiều quần áo mới hơn, có điểm thi cao hơn nhưng con nghĩ xem, mẹ cũng mua cho con nhiều quần áo đẹp và con vẽ đẹp hơn bạn A nhiều, đúng không? Đó là con còn được nhiều bạn bè yêu quý nữa. Vì vậy chẳng có lý do gì để ghen tỵ với bạn nữa đúng không nào?”.

4. Giúp trẻ nhìn thấy sự hợp lý trong cuộc sống

Nếu con đang ghen ghét với anh chị em trong nhà thì điều quan trọng là bạn phải cho trẻ nhìn thấy sự hợp lý chứ không phải sự bình đẳng. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng mỗi người là một cá nhân riêng biệt, có những nhu cầu tình cảm khác nhau.

Ví dụ bạn có thể nói: “Con không giống anh trai, nên bố mẹ cho con những gì phù hợp với sở thích của con chứ không thể cho cả anh và con những thứ giống hệt nhau được. Con chắc chắn không muốn nhận được món quà mà con không thích phải không?”.



Quá ganh tị sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của trẻ, khiến cho bé luôn cảm thấy tự ti.

Chia sẻ