Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân

Hải An (Ghi),
Chia sẻ

Mình nhận thấy là các mẹ châu Á mình gặp thì hay chú ý tới con to, con bé (ví dụ hỏi con bạn mấy tháng, bao nhiêu cân), các mẹ Tây (hoặc lớn lên ở đây từ bé) thì hỏi con mấy tháng rồi con biết làm những gì.

Mẹ con mình hiện đang sống ở Toronto Canada, em bé nhà mình sinh tháng 12, sắp được 11 tháng. Là một em bé có cá tính mạng và rất còi (theo lời bà ngoại là bé như cái kẹo mút dở). 

Trước khi con bắt đầu ăn dặm mình có tham khảo ý kiến các mẹ trong gia đình cũng như đọc sách để so sánh các phương pháp và nghe tư vấn của bác sĩ. Tại lần kiểm tra sức khỏe lúc 4 tháng, bác sĩ gia đình của mình nói rằng từ 4.5-5 tháng có thể cho bé bắt đầu thử với ngũ cốc trẻ em. Tuy nhiên mình không vội, nén chờ đến lúc con tròn 6 tháng mới bắt đầu. Mình cũng quyết định sẽ bỏ qua bước ăn bột của ăn dặm truyền thống Việt Nam mà cho con ăn đồ xay nhuyễn (puree food). 

Tuy nhiên ý định của mình không thành vì bạn con không hợp tác với cái thìa. Bác sĩ hướng dẫn có thể dùng ngón tay mẹ làm thìa cho con ăn cho quen. Nhưng mình thấy con có vẻ muốn tự lập và mình cũng có tìm hiểu về ăn dặm Baby Led Weaning nên tiến hành luôn, lúc này con đã 6.5 tháng.

Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân 1
Em bé "còi như một cái kẹo mút" nhưng cá tính và nhanh nhẹn nên mẹ cứ kiên nhẫn để em học ăn theo cách của mình.

Mình không xác định mục tiêu là con phải ăn được lượng bao nhiêu một ngày, hay phải đạt được kỹ năng này kia nên tâm lý khá thoải mái. Con phát triển kỹ năng khá tốt, ban đầu là cầm nắm, biết bốc thức ăn đưa chính xác lên miệng nhưng chỉ mút mát rồi ném. Mình cho con sinh hoạt theo một khung giờ gần như cố định mỗi ngày nên đến giờ ăn là mời con vào ghế, mẹ dọn thức ăn lên bàn, con ăn hay không tùy con. Và đương nhiên là con gạt, xoa, bóp nát hoặc đưa thức ăn vào miệng nhai nhai rồi nhả ra.

Theo quan sát và trao đổi của mình thì mình thấy các mẹ ở Canada cũng chẳng khác gì các mẹ Việt Nam cả. Mẹ nào có con đầu cũng hoang mang không biết thế nào. Các mẹ có con rồi thì họ làm thế nào phù hợp với nếp sinh hoạt gia đình họ. Mình nhận thấy là các mẹ châu Á mình gặp thì hay chú ý tới con to, con bé (ví dụ hỏi con bạn mấy tháng, bao nhiêu cân), các mẹ Tây (hoặc lớn lên ở đây từ bé) thì hỏi con mấy tháng rồi con biết làm những gì.

Không có lời khuyên nào đúng với mọi đứa trẻ

Ăn uống thì vô cùng. Vì Canada là đất nước đa văn hoá, dân nhập cư nhiều nên thực chất các mẹ cho con ăn cũng khác nhau. Đồ ăn, thực phẩm cho trẻ sơ sinh bày bán cũng rất đa dạng. Mình thì vẫn theo thói quen nấu nướng ở Việt Nam, chỉ đồ ăn vặt của con là mua đồ ăn sẵn thôi.

Bên này hệ thống y tế được chính phủ chi trả, em bé sinh ra không có bác sĩ nhi chuyên khoa và đi khám theo bác sĩ gia đình của bố mẹ. Lúc 4 tháng mẹ sẽ được hướng dẫn cách ăn dặm, đến 6 tháng gặp lại bác sĩ nếu có thắc mắc gì thì có thể hỏi. Quá trình ăn dặm là đồ ăn xay nhuyễn (puree foods) cho 2 tháng đầu ăn dặm, sau đó tăng dần độ thô, từ 8 tháng trở đi có thể cho con ăn thử ăn bốc (finger foods) (tất nhiên là phụ thuộc vào con). Mục tiêu trên lý thuyết là giới thiệu cho con thức ăn để đến khi con 1 tuổi có thể ăn cùng với bố mẹ, ăn đồ ăn cùng gia đình (table foods) và tự ăn.

Nói thêm là bên mình mẹ được nghỉ có trợ cấp lương là khoảng 1 năm. Trên lý thuyết là sau khi mẹ đi làm em bé sẽ đi nhà trẻ (day care) nên tự ăn tự uống để mẹ yên tâm đi làm. Lý thuyết là thế.

Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân 2
Mẹ Tây chuẩn bị đồ ăn cho con rất đơn giản và nhanh gọn, không cầu kì nấu nướng, chế biến nhiều món như thế này như mẹ Việt.

Quay lại chuyện con mình không chịu để cho mẹ xúc, mình cũng đem chuyện này ra kể và xin tư vấn của bác sĩ, rằng con tôi không chịu ăn bằng thìa, chỉ thích ăn bốc (bác sĩ không có khái niệm BLW, chỉ có ăn đồ xay nhuyễn và ăn bốc) mà để tự ăn thì con hầu như không ăn được gì, ý kiến bác sĩ thế nào.

Mình hỏi hai người (để cho chắc ăn) một người là bác sĩ nữ cũng là dân nhập cư thì bà ấy bảo không được, kiểu gì cũng phải tìm cách để cho con ăn, nó chơi đồ ăn bốc cũng được nhưng phải ăn vào bụng và lượng ăn tăng dần lên.

Người thứ hai là bác sĩ nam (Tây da trắng) thì ông ấy bảo chẳng sao, con thích ăn thích chơi làm quen cũng được chỉ cần đảm bảo con không bị nghẹn hóc là được. Nếu mẹ vẫn lo lắng con không ăn được gì thì xúc thử thêm.

Mình rút ra kết luận là bác sĩ tư vấn là phương cách chung, còn mỗi trẻ là một tính cách khác nhau, mẹ quan sát và lựa theo con. Chứ không ai có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất, mọi lời khuyên tư vấn chỉ là tham khảo.

Con mình tính theo chuẩn của WHO từ lúc sinh ra chỉ nằm ở mức 50% trên bảng số liệu. Bác sĩ kiểm tra định kỳ đưa ra nhận xét dựa vào bảng số liệu phát triển của con. Không quan trọng con tăng cân ít nhiều miễn con phát triển theo lộ trình và không tăng giảm đột biến là ổn.

Hiện tại con mình sắp 11 tháng, đến bữa ăn mời con vào ghế, mẹ bày đồ ăn chuẩn bị cho con lên, giới thiệu các món cho con thử, sau đó con ăn gì, ăn như thế nào là con quyết. Có khi bạn ấy tự bốc, bốc chán thì mẹ đút bằng tay hay đưa từng miếng cho bạn tự bỏ vào miệng. Bạn có thể đòi thìa để tự xúc hoặc mẹ xúc. Bạn ấy bé nhưng thái độ rõ ràng, không ép buộc được.

Cho bạn ấy ăn như thế thì hơi mất công nhưng mình làm vậy vì sau một thời gian quan sát bạn ấy nhai nhả thì mình phát hiện ra là nếu có nhiều đồ ăn trước mặt, con nhai chưa hết miếng này đã đưa miếng kia lên miệng (kiểu tham sợ mất) và bạn ấy không thích ăn lẫn vị nên phải nhè miếng trong miệng ra thì mới ăn miếng khác. Quá trình nhai nhà cứ thế đến lúc không ăn được gì thì khá cáu hoặc là chán chuyển sang chơi.

Thêm một điểm nữa là mình thấy các mẹ ở đây làm đồ ăn đơn giản chứ không cầu kỳ đun nấu mất thời gian như các mẹ Việt Nam. Nhiều khi nấu nướng rõ lâu mà con không chịu ăn là mẹ cũng mất tinh thần và cũng nản lắm. Các em bé Tây mình gặp hay các bé khác trong gia đình họ hàng nhà chồng mình cũng có lúc tự ăn, cũng có lúc mẹ hỗ trợ. Nhưng quan trọng là kể cả không có ai hỗ trợ, các bé hoàn toàn có thể tự ăn khi đói.
Chia sẻ