Con gái siêu quậy

Theo TGPN,
Chia sẻ

Chỉ đến khi thấy con gái Minh Thu (lớp 3, trường Tiểu học P., Hà Nội) liên tục bị cô giáo nhắc nhở về kết quả học tập kém, là học sinh “cá biệt”, chị Dương mới giật mình.

“Ra rìa”

Sinh ra trong gia đình khá giả nhưng do bố mẹ bận rộn với công việc kinh doanh nên Minh Thu thường xuyên được gửi ở nhà ông bà nội. Từ nhỏ, bé đã nghịch ngợm hơn so với các bé gái cùng tuổi.

Khi Thu vào lớp 1, mẹ sinh em trai, cả nhà dồn hết tình cảm vào “cục cưng” và coi Thu như một... cô con gái lớn. Chiều nào bố cũng “nhờ” Thu bóp chân bóp tay cho bố. Vốn tính không kiên trì, làm được một lúc, Thu đã lủi chơi chỗ khác nên thường bị bố mắng là vô dụng.

Thế nên, cô bé rất mặc cảm và thường tìm cách lảng tránh bố. Từ ngày có cháu đích tôn, bà nội Thu cũng dồn hết tình yêu thương vào “cục vàng” và quên mất rằng Thu vẫn là một cô bé rất cần được vỗ về, an ủi.

Trong mắt cả nhà, nhiều khi Thu còn là kẻ “quấy rối” vì thường xuyên làm em bé thức giấc bởi những trò nghịch ngợm của mình. Thu luôn nghĩ mình là người thừa và vô dụng nên khi bị mọi người quát mắng, Thu không những không nghe lời mà còn làm ngược lại. Cô bé luôn làm những điều mình thích và đặc biệt thích đập phá đồ đạc trong nhà.

Thấy Thu như vậy, lẽ ra mọi người trong gia đình phải gần gũi để hiểu tâm lý của bé nhưng ngược lại, bà nội là người đưa Thu đi học luôn mách cô giáo rằng cháu gái nghịch ngợm vô lối khiến cô cũng nhiều lần về “phe” bà, chỉ trích Thu. Càng bị cô lập, căn bệnh tăng động của bé càng ngày càng phát triển.

Ở lớp, Thu không tập trung học, không cho các bạn ngủ trưa và bị cô giáo quy vào học sinh cá biệt.

Giống như Thu, căn bệnh tăng động của bé Sumi (khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội) nặng hơn khi bố mẹ dành hết tình cảm cho cậu con trai quý tử. Người bố “hộ pháp” mỗi khi đi làm về thường tra vấn con: Hôm nay học hành thế nào? Chữ xấu thế này mà cũng đòi viết à?... Những câu hỏi ấy khiến bé rất sợ bố.

Sumi rất thích khạc nhổ, đến nhà ai cũng tự ý lôi đồ đạc ra xem và ném lung tung khắp nhà...

Bố mẹ cần đồng lòng

Theo bà Ngô Minh Hà, nguyên giáo viên trường Tiểu học Thành Công B, Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu tâm lý trẻ, những đứa trẻ tăng động thường ít khi sống với người già.

Khi chúng sống cùng bố mẹ, nhà có cô dì, chú bác, ông bà cũng còn trẻ nên bị tác động tâm lý từ rất nhiều lứa tuổi khác nhau.

Mỗi người đòi hỏi đứa trẻ 1 kiểu khiến đứa trẻ bị “bung biêng”, không biết theo ai. Có những đứa lại bị nhốt trong phòng xem ti vi, khi có thắc mắc không biết hỏi ai và chỉ biết nhảy múa... suốt ngày.

Với những trẻ gái bị tăng động, bố mẹ phải dành tình cảm cho con và tránh có những hành động khiến trẻ bị tổn thương và mang cảm giác bị hắt hủi. Đặc biệt, cần phối hợp với giáo viên để trẻ có cơ hội “khẳng định” mình thông qua việc làm tổ trưởng, tổ phó, “giúp việc” trên lớp cho cô giáo...

“Để kìm sự tăng động ở bé gái, phải luôn có người hiểu và ngồi bên cạnh bé. Rèn tính kiên trì cho bé bằng cách cho trẻ xâu chuỗi vòng từ những chiếc khuy áo. Luôn động viên để trẻ có sự phấn khích mà không bỏ cuộc.

Bố mẹ phải có sự thống nhất trong việc dạy con, không thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến trẻ mất phương hướng. Đặc biệt, bố mẹ cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở con, cần hiểu thế mạnh để phát triển trẻ theo khả năng của con mình”, bà Minh Hà đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ