Quậy phá liên tục, biểu hiện của trẻ tăng động

,
Chia sẻ

Trẻ tăng động là bệnh tâm thần nhi phổ biến nhưng hậu quả làm con trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, suy giảm khả năng học tập...

Quậy phá mọi nơi

Đưa được cậu con trai Đ.V.T., 8 tuổi, đến được bệnh viện (BV), chị Nga thở phào nhẹ nhõm, vì suốt dọc đường đi bé T. luôn bóp còi xe máy inh ỏi. Vừa bước vào phòng khám ở BV Nhi đồng 2 TP HCM, bé lục tung mọi thứ.

Khi bác sĩ khám bệnh, bé liền chơi trò “trồng cây chuối” và láu táu trả lời trước khi chưa nghe hết câu hỏi. Chị Nga kể, con chị thường chơi những trò nguy hiểm như: leo lên cửa sổ, nhảy nhót trên mặt bàn cao, đung đưa người ở những tay vịn cầu thang. Cháu không bao giờ ngồi yên một chỗ quá 5 phút, luôn nhảy sang làm việc khác khi việc cũ chưa xong. Gia đình thường xuyên nhận lời phàn nàn của cô giáo do cháu không thực hiện đúng nội quy nhà trường, luôn nói chuyện trong lớp, quấy rối bạn bè, không tập trung học tập và viết chữ quá xấu…

Trẻ quá hiếu động cần được đưa tới khám tại BS chuyên khoa để được diều trị kịp thời. Ảnh: Trung Kiên
 
Các bác sĩ chẩn đoán bé T. bị rối loạn tăng động, giảm chú ý, do hoạt động thái quá so với trẻ cùng độ tuổi. BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2, giải thích, quậy phá là chuyện bình thường ở trẻ 2-3 tuổi, vì thường muốn khám phá môi trường xung quanh, tuy nhiên lại là bệnh với những trẻ không cùng lứa tuổi.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị Tâm lý, BV Nhi đồng 1 khuyến cáo, nếu không chữa trị, trẻ lớn lên sẽ học hành kém, khó thành công trong sự nghiệp vì nói quá nhiều, hay cắt lời người khác khi giao tiếp; thậm chí không đủ kiên nhẫn để chờ xếp hàng ở nơi đông người hoặc thích lấn đường, vượt ẩu khi lái xe, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Thuốc men và liệu pháp tâm lý

Trẻ mắc bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau: yếu tố di truyền, tổn thương não, không được cha mẹ quan tâm, sống trong một gia đình bất ổn, hay cãi vã, cha mẹ ly dị. Ngoài ra, trẻ bị bẩm sinh do trong quá trình mang thai, thai phụ thường hút thuốc lá, uống rượu, nghiện ma túy. Hoặc do các tổn thương sau sinh như: viêm nhiễm, chấn thương sọ não, nhiễm kim loại nặng. Nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh này, con sinh ra có nguy cơ mắc bệnh đến 57%, với trẻ song sinh sẽ trên 90%.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào quá hiếu động đều mắc bệnh. Bác sĩ Đặng Ngọc Thạch, BV Nhi đồng 2, chỉ dẫn, tính rối loạn tăng động, giảm chú ý phải diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và trong tất cả các mối quan hệ. Thời gian rối loạn phải kéo dài ít nhất 6 tháng và phải được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

Để điều trị cho trẻ mắc bệnh này, bác sĩ Thủy cho biết, thuốc không có tác dụng cải thiện thành tích học tập cũng như hành vi của trẻ. Thuốc chỉ hỗ trợ khả năng tập trung, kiểm soát sự chú ý nhưng chỉ kéo dài trong vài giờ, do đó cần một quá trình điều trị lâu dài. Ngoài ra, trẻ cần được giảm thiểu các hành vi gây rối thông qua liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm thần vận động và hỗ trợ tâm lý học đường.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, do tính không tập trung nên để trẻ hiếu động ngồi ngay bàn đầu, tránh ngồi gần cửa sổ, bố trí xung quanh trẻ là những gương bạn tốt để trẻ dần thay đổi theo. Khi trẻ không thực hiện đúng nội quy lớp học, giáo viên nên nhìn thẳng vào mắt trẻ, hạ giọng khuyên răn, tránh dùng những từ chê bai và khen ngay những hành vi tốt nếu trẻ chấp hành thực hiện.
 
Theo Tiến Đạt
Đất Việt
Chia sẻ