Chơi đồ chơi xong không cất, lại còn "chống chế"

,
Chia sẻ

"Mẹ ơi, con mỏi tay quá, mẹ xách cho con đi", tôi chỉ nói: ‘Con tự xách đi’. Thế mà hôm sau yêu cầu:"Con dọn đồ chơi giúp mẹ đi" thì cháu trả lời rất nhanh:"Mẹ tự dọn đi"

Mỗi lần vẽ tranh hoặc dùng đồ chơi xong, bé Susu (3 tuổi) chạy lên phòng xem phim hoạt hình. Khi mẹ Thu phạt, không cho con xem tivi thì con sợ, dọn dẹp đâu vào đó. Tuy nhiên đến giờ, bé tỏ ra ương bướng, nhất định không chịu dọn, mà vừa lòng với việc không được mẹ cho xem hoạt hình.

“Dạo này, cháu rất lém lỉnh và thích tìm mọi cách để chống chế. Có lần, hai mẹ con đi chợ, giao cho cháu một túi kẹo thì cháu năn nỉ: ‘Mẹ ơi, con mỏi tay quá, mẹ xách cho con đi’, tôi chỉ nói: ‘Con tự xách đi’. Thế mà hôm sau yêu cầu: ‘Con dọn đồ chơi giúp mẹ đi’ thì cháu trả lời rất nhanh: ‘Mẹ tự dọn đi’. Không biết làm sao để dạy con gọn gàng, có tinh thần trách nhiệm và biết giúp đỡ cha mẹ?” – Thu tâm sự.

 


Cũng đến tuổi khôn ranh hơn, bé Cá (nhà My) lúc trước, hễ mẹ dọa: “Con không cất đồ chơi là mẹ mang bỏ vào thùng rác đấy” thì bé nhanh nhẹn thực hiện theo yêu cầu của mẹ. Tuy nhiên, được một thời gian thì mẹo của My không còn tác dụng.

My kể: “Bây giờ có nói thế thì cháu không sợ, bảo: ‘Mẹ vứt đi, con chán rồi’. Đến khi vờ bỏ hết đồ chơi vào thùng rác, con cũng không buồn rầu mà còn nhanh nhẹn đem đồ chơi, xếp vào thùng rác hộ mẹ”. Nghĩ đủ cách mà My cũng không tìm ra biện pháp nào để bé Cá chăm chỉ dọn dẹp đồ chơi, không để mẹ phải nhắc nhở nhiều.

Thua cách này, bày cách khác

Đến một độ tuổi nhất định nào đó, biện pháp động viên bé thu dọn đồ chơi (trước kia rất hiệu quả) nhưng bây giờ thì thất bại. Nguyên nhân có thể do bé đã hiểu biết hoặc do cách giáo dục của bố mẹ chưa thật sự hợp lý.

- Nếu bé lười dọn đồ thì cha mẹ sẽ nghĩ ngay đến cách phạt con. Chẳng hạn, không cho con xem phim hoạt hình, không cho ra ngoài chơi, không cho đi siêu thị (hoặc tạm thời cắt bất kỳ hoạt động yêu thích nào của bé). Ban đầu, bé sợ và chăm chỉ làm theo. Tuy nhiên, khi lớn hơn, bé sẽ biết: “Nếu không được xem phim hoạt hình hôm nay thì mai, ngày kia xem cũng được”. Khi đó, mẹ có dọa “cắt phim”, bé cũng vẫn ỳ ra.

Để khắc phục tâm lý này của con, cha mẹ có thể dùng “phần thưởng bổ sung”. Đồng thời với việc phạt, cần cho bé một cơ hội khác, như: “Nếu con dọn dẹp, mẹ sẽ tặng con một miếng dán bé ngoan”. Nếu có đủ 7 miếng bé ngoan, chẳng hạn thì bé sẽ được một món quà hoặc một trò chơi yêu thích. Nhiều bé rất “trơ” với hình phạt nhưng luôn háo hức với phần thưởng.

Nhiều bậc phụ huynh khuyến khích con độc lập, có tinh thần trách nhiệm; ví dụ: “Con chơi xong thì phải dọn dẹp. Con đi về thì phải cất giày, dép…”. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên việc hiểu về tinh thần trách nhiệm của con còn chưa hoàn thiện. Khi đó, nếu cha mẹ thường xuyên nói: “Con tự làm đi” hoặc “Ai chơi người nấy phải dọn” thì đến một lúc nào đó, bé sẽ “vặn” lại cha mẹ: “Mẹ tự làm đi”… Cách tốt nhất là cha mẹ cần cho bé thấy việc thu dọn đồ chơi là một việc tốt, khiến cha mẹ vui. Nếu rảnh, phụ huynh có thể hỗ trợ dọn đồ chơi với con. Nếu bận, có thể nói: “Con dọn đồ chơi nhé, mẹ sẽ chuẩn bị quần áo tắm cho con”…

- Khi bé biết bố mẹ không vứt đồ chơi đi mà chỉ cất, vài hôm là mang trả lại thì có thể nói: “Nếu con không dọn là mẹ cất hết”. Sau đó, cất đồ chơi của bé ở một chỗ bé biết nhưng không thể lấy được. Khi thấy bé nhớ đồ chơi, hãy thỏa thuận với con về việc dọn đồ chơi sau đó; nếu không, đồ chơi sẽ bị “tịch thu” tiếp. Nên kết hợp với biện pháp “thêm hình phạt, thêm quà tặng” ở trên.

Cuối cùng, cha mẹ nên kiên trì, linh hoạt trong cách dạy con. Phải liên tục giám sát, nhắc nhở con hàng ngày. Ngoài ra, có thể có một cách dạy bé nào rất hiệu quả nhưng đến giờ không còn tác dụng thì cha mẹ tránh lo lắng. Mỗi giai đoạn của bé ứng với mốc nhận thức khác nhau, đòi hỏi cách giáo dục cần phù hợp, cải tiến. Nếu xây dựng cho bé những thói quen tốt ngay từ sớm thì sau này, việc dạy con sẽ nhàn mà hiệu quả hơn.

Theo Mẹ và Bé


Chia sẻ