Mẹ chồng chuyên nghề... “bòn rút”

,
Chia sẻ

Một số bà mẹ tuy còn khỏe mạnh và có thu nhập không kém gì con cái nhưng vẫn cố tình lợi dụng điều này để... “bòn rút” con cái khiến cho không ít cô con dâu rơi vào cảnh dở khóc dở mếu.

Mẹ chồng thích đi du lịch bằng... tiền của các con

“Thật sự mình không phải là người hẹp hòi gì nhưng nhiều lúc mẹ chồng khiến mình cảm thấy rất ức chế”, H.Khánh (trưởng phòng kinh doanh của công ty tài chính S.) không hết bức xúc khi nói về chuyện nhà mình.

Khánh lập gia đình được ba năm và có một em bé 2 tuổi. Do chồng là con trai một nên hai vợ chồng cô hiện đang sống cùng bố mẹ chồng. Thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng tới vài ngàn đô nên Khánh hầu như không tiếc tiền miễn là bố mẹ hai bên gia đình vui lòng.
 
Bố chồng Khánh vốn là quan chức ngành tài chính hiện đã nghỉ hưu còn mẹ chồng cô từ trước đến giờ vẫn ở nhà làm nội trợ. Lương hưu của bố chồng cô thừa đủ để hai ông bà chi tiêu nhưng hàng tháng Khánh vẫn biếu thêm vài triệu để các cụ sinh hoạt được dư dả. Ngoài ra, mỗi năm, hai vợ chồng cô đều cố gắng thu xếp cho hai cụ được đi du lịch nước ngoài một lần. Những năm trước, các cụ đã đi Nga, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Tết Nguyên đán năm nay thì đi Trung Quốc 10 ngày. Với nhiều gia đình ở Việt Nam, nếp sinh hoạt như thế đã thuộc hàng phú quý.

Từ hồi còn đương chức, bố chồng Khánh đã đi công tác ở nhiều nước trên thế giới nên với ông, những chuyến du lịch như thế cũng không có gì hào hứng lắm. Nhưng với mẹ chồng cô thì khác. Trước đây, bà hầu như toàn ở nhà, có thời gian thì cũng chỉ được đi du lịch trong nước. Nay con cái đã thành đạt, lấy vợ lấy chồng cả, thời gian rảnh rỗi nhiều, lại được con tạo điều kiện cho đi thăm thú đây đó, sống cuộc sống an nhàn, vui vẻ nên bà đặc biệt hứng thú với các chuyến du lịch nhất là du lịch nước ngoài. Mỗi năm một chuyến đi đối với bà chả thấm tháp gì. Chính vì thế, bà tìm mọi cách để “gợi ý” hai con tạo điều kiện cho mình đi du lịch các nước.

Năm ngoái, Khánh sinh em bé. Các nguồn chi trong gia đình tăng đột biến nên hai vợ chồng không thể phóng tay như thời gian đầu mới cưới. Chính vì vậy, cả hai vợ chồng chỉ có thể đưa bố mẹ đi chơi những nơi gần gũi và chi phí không quá đắt đỏ như Thái Lan, Singapore. Đi chơi cả tuần lễ, mua sắm được rất nhiều thứ nhưng khi về, mẹ chồng Khánh lại có vẻ không vui. Bà liên tục than vãn với con dâu: “Đi Sing thì có khác nào đi... Sài Gòn”. Một thời gian sau, nhân tiện “bạn mẹ rủ”, bà lại đòi phải được đi đảo Cheju – Hàn Quốc. Dù muốn tiết kiệm tiền để sau này còn lo cho con cái học hành nhưng không muốn làm phật ý mẹ nên vợ chồng Khánh đành “cắn răng” chuẩn bị cho mẹ 1500$ để bà được đi “cho bằng bạn bằng bè”.

Năm nay, sau khi đã đi chơi khắp đất nước Vạn Lý Trường Thành trong dịp Tết Nguyên đán, bà lại “bày tỏ” nguyện vọng được đi Pháp thăm cô con gái cả đang làm việc bên đó “nhân tiện đi chơi luôn các nước EU”. Không những thế, bà còn đòi đi hạng vé thương gia vì “đi loại thường, mẹ đau nhức hết cả xương khớp, không chịu được”. Hết chồng, con trai rồi đến con dâu xúm vào can ngăn nhưng bà nhất quyết không chịu nhượng bộ. Theo ý bà, “sống còn được bao lâu nữa đâu mà không tranh thủ đi nơi này, nơi kia mở mang đầu óc”. Bà trách móc vợ chồng Khánh là “keo kiệt, đến cả người mẹ rứt ruột đẻ ra mà nó còn tiếc... mấy đồng bạc”.

“Chồng mình hôm qua đã phải ra ngân hàng chuyển khoản vào tài khoản của mẹ và rút tiền mặt chuẩn bị cho chuyến đi dài hơi của bà”, Khánh rầu rĩ. Tiếng là hai vợ chồng đi làm lương mỗi tháng ba, bốn chục triệu nhưng bây giờ tài khoản của hai vợ chồng Khánh hoàn toàn “rỗng ruột”. Chẳng biết đến khi ốm đau, bệnh tật hay có việc gì đột xuất, hai vợ chồng cô sẽ phải đối mặt thế nào?

Mẹ chồng “rút” của con này để “bòn” cho con kia

“Vợ chồng nó nhiều tiền lắm, mấy triệu bạc có đáng gì đâu”, không chỉ một lần, chị Thoa (nhân viên ngân hàng Công Thương Hà Nội) nghe thấy mẹ chồng nói với hàng xóm như vậy. Đúng là chị Thoa làm ngân hàng, chồng là kỹ sư cho một tập đoàn đồ điện tử nước ngoài nên thu nhập ổn định và có phần dư giả nhưng làm gì đến mức “nhiều tiền lắm” như lời mẹ chồng chị vẫn nói.

Hai vợ chồng chị Thoa tiếng là sống riêng nhưng thực ra không khác gì sống chung vì nhà chồng ở ngay bên cạnh căn nhà chị đang sống. Nhất cử nhất động của hai vợ chồng đều nằm trong tầm ngắm của mẹ chồng vốn nhiều chuyện. Không phải là người quá chi li hay không hiểu luân thường đạo lý nên chị Thoa chưa bao giờ cảm thấy tiếc của hay xót xa khi phải biếu bố mẹ chồng tiền hay thứ gì đó nếu thấy cần thiết.

Bố mẹ chồng của chị mới ngoài 60 tuổi và đều còn rất mạnh khỏe. Trước đây hai ông bà buôn bán nhỏ nhưng sau khi các con yên bề gia thất xong xuôi thì các cụ nghỉ ở nhà. Do cả hai ông bà đều không có lương nên vợ chồng Thoa và vợ chồng người anh cả hàng tháng đóng đóp mỗi nhà 1,5 triệu để phụng dưỡng cha mẹ riêng cô em út thì do kinh tế gia đình khó khăn nên được miễn. Tiếng là mỗi tháng đóng góp số tiền như thế nhưng tháng nào chị Thoa cũng đưa hơn để các cụ có thể dư dật trong sinh hoạt. Nhưng nhiều khi sự “đòi hỏi kinh tế” công khai của mẹ chồng khiến chị thực sự mệt mỏi.

Trong ba người con, mẹ chồng chị quý nhất cô con gái út. Theo như lời chồng chị Thoa kể thì sự thiên vị trong đối xử của bà được thể hiện ngay từ khi chồng chị và các anh chị em trong nhà còn nhỏ. Có miếng gì ngon bà đều nhớ để dành cho con út, con gái út muốn gì bà đều chiều theo ý muốn trong khi các anh trai thường xuyên bị bà mắng mỏ. Được chiều từ nhỏ nên cô út không chịu học hành, chỉ thích ăn diện, lông bông không việc làm. Đến lúc lập gia đình thì con cái nheo nhóc, vợ chồng thường xuyên mắng chửi nhau vì chuyện tiền bạc...

Thương con, mẹ chồng chị có miếng gì ngon hay có đồng nào dành dụm đều để dành cho cô út. Bà còn thường xuyên viện cớ muốn mua cái này, may cái kia... để con dâu cho tiền và lại lấy tiền đó cho con gái út. Tiền đó, nếu cô út mang về đóng học cho con thì chị Thoa cũng chẳng tiếc nhưng cô ta lại mang đi nướng vào các shop quần áo, mỹ phẩm... Rất nhiều lần như thế, vợ chồng chị Thoa biết nhưng cũng chẳng thể làm gì.

Tháng trước, nhân lúc có cả con trai, con dâu ở nhà, mẹ chị sang chơi và kêu mệt mỏi trong người, đi khám thầy lang ở Bắc Ninh thì ông này kê đơn những 300 nghìn một thang mà phải uống những mười thang mới khỏi. Bà nói hôm đó bà không mang đủ tiền nên không dám cắt thuốc. Biết ý mẹ muốn con biếu tiền nhưng lại sợ bà sẽ cho cô út như những lần trước nên chồng chị Thoa nói sẽ tự mình đưa bà đến nhà thầy lang đó bốc thuốc. Bà chối đây đẩy, lại còn nói vợ chồng chị không tin bà, mỗi tháng “làm ra cả đống tiền” mà có vài triệu cũng tiếc mẹ đẻ. Bực mình, chồng chị nói thẳng: “Biếu bố mẹ con không bao giờ tiếc nhưng nếu mẹ cứ chiều em theo kiểu này thì chỉ làm hại nó mà thôi” khiến bà khóc lu loa lên rằng: “Các anh không thương nó, không giúp đỡ vợ chồng nó nhưng tôi là mẹ nó, tôi phải thương nó”. Bà còn quy kết chị Thoa “không muốn cho mẹ chồng tiền nên đứng sau lưng xúi chồng”.

“Thực sự là có ai vào hoàn cảnh này mới hiểu mình mệt mỏi đến mức nào”, chị Thoa ngán ngẩm. Chính chị cũng không biết mình sẽ thoát ra khỏi mớ bòng bong này bằng cách nào.
 
Theo Phununet
Chia sẻ