Mâu thuẫn giữa bố dượng và con riêng của vợ

Trịnh Trung Hòa,
Chia sẻ

Hiện tượng mâu thuẫn giữa bố dượng với con riêng của vợ đang gây ra nhiều bi kịch trong những gia đình “rổ rá cạp lại”, không ít trường hợp dẫn đến ly hôn lần nữa.

Chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết hầu hết nam giới ly hôn khi tiếp tục tìm bạn đời thường có nguyện vọng chấp nhận lấy người phụ nữ đã qua một đời chồng nhưng dứt khoát không sống với con.

Khi hỏi tại sao anh lại yêu cầu “oái oăm” như vậy vì đa số phụ nữ đi bước nữa thường có con riêng. Người đàn ông ấy kể rằng anh ta đã có kinh nghiệm “xương máu” rồi. Không bao giờ những đứa trẻ đó chấp nhận ai lấy mẹ nó đâu.

Anh thú nhận: Đứa con gái của người yêu mới lên 8 tuổi coi tất cả những người đàn ông lân la tìm hiểu mẹ nó là kẻ thù.

Hai người cứ phải nhắn tin hẹn nhau, khi nào con không có nhà thì anh bí mật đến. Bất ngờ một hôm cô giáo ốm phải nghỉ học, đứa trẻ về bất ngờ vừa gọi mẹ vừa đập cửa thình thình.

Hai người cuống quít cả lên. Bố dượng tương lai bí quá leo tót lên gác xép. Đứa bé vào nhà phát hiện ngay cái xe máy của “kẻ đột nhập” giữa nhà, nhìn xung quanh không thấy ai, nó leo lên gác bắt quả tang người tình của mẹ nấp trên đó.

Thế là nó làm ầm ĩ khiến hai người xấu hổ, từ đó anh ta không dám đến nữa.

Những phụ nữ đã có con, đi tìm hạnh phúc mới ngày càng nhiều và mối quan hệ giữa bố dượng với con riêng của vợ đã trở thành một vấn đề được xã hội quan tâm, như một nếp sống văn hóa trong xã hội hiện đại.
 
Chúng ta không thể mong đợi người chồng thứ hai ngay từ đầu thể hiện tình yêu thương đứa trẻ sâu sắc như con đẻ. Tình cảm muốn nảy nở phải có thời gian. Mặt khác cũng đừng hy vọng đứa bé sẽ cư xử với bố dượng tốt đẹp như những gì ông ta cư xử với nó.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý ở những người có tỷ lệ ly hôn cao và nhiều phụ nữ đem theo con vào cuộc hôn nhân sau, khi bắt đầu một mối quan hệ mới người mẹ cần tạo điều kiện cho người yêu làm quen với đứa con riêng của mình trước khi chung sống.

Tình cảm giữa hai con người, dù là một người lớn với một đứa trẻ, không thể nảy sinh một sớm một chiều mà phải có một quá trình. Nếu đứa trẻ quá nhỏ chưa hiểu gì thì giải pháp tốt nhất là tạo điều kiện để bố dượng tương lai gây thiện cảm với nó.

Muốn có được tình cảm của đứa trẻ người bố dượng cần có một tấm lòng bao dung và yêu thương đứa trẻ như máu mủ của mình.

Bố mẹ nên soạn ra những kịch bản nho nhỏ làm vui lòng trẻ. Những “kịch bản” kiểu đó hai người lớn tuổi có thể soạn ra hàng lô xích xông. Nhưng sở dĩ không mấy ai làm được điều đơn giản đó vì nghĩ trẻ con quan trọng gì mà phải mất công. Khi rắc rối xảy ra họ bị động đối phó càng sai lầm và dẫn đến tình trạng gần như đối kháng giữa đứa con với ông bố dượng tương lai.

Tục ngữ có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Bước khởi đầu thành công sẽ tạo đà cho mối quan hệ cha con gắn bó sau này. Trái lại, nếu bỏ qua hay làm hỏng bước khởi đầu, sẽ gặp rất nhiều khó khăn về sau.

Thật ra, truyền thống đạo lý của dân tộc ta một người cha hết lòng yêu thương đứa con là giọt máu của mình bao giờ cũng được xã hội trân trọng, nhưng một người cha có tấm lòng bao dung, yêu thương được đứa con không phải máu mủ của mình càng đáng kính trọng.

Vì lý do nào đó, những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh không may, thiếu vòng tay che chở của người cha đẻ nhưng lại may mắn được trái tim nhân hậu của người cha thứ hai đang trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại.

Mọi điều tốt đẹp do chúng ta tạo dựng lên. Trong đó, người đóng vai trò quyết định - cái gạch nối không thể thiếu trong mối quan hệ song phương này - không ai khác hơn là người mẹ - người vợ.

Theo Trịnh Trung Hòa
Hạnh phúc gia đình
Chia sẻ