Mất tiền oan vì đặt vé xem phim online qua ví điện tử, cô nàng nào ngờ lên mạng lại tìm được "cả tá đồng minh"

Miss Hóng,
Chia sẻ

Đăng tải tình huống mà mình gặp phải khi mua vé xem phim online lên MXH, cô nàng T.T mới ngã ngửa bởi cô không phải là trường hợp mất tiền oan duy nhất.

Ngày nay, việc thanh toán online đang ngày càng được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Vì vậy mà các ứng dụng thanh toán qua mạng, ví điện tử cũng theo đó mà xuất hiện và phát triển với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các giao dịch điện tử cũng diễn ra được thuận lợi mà lại gây ra không ít phiền phức cho người sử dụng. Trong trường hợp này, bộ phận Chăm sóc khách hàng (CSKH) của các dịch vụ này sẽ phải giải quyết thỏa đáng cho khách hàng. Thế nhưng, tình huống mà cô nàng T.T gặp phải dưới đây đã diễn ra hoàn toàn ngược lại.

Câu chuyện được T.T đăng tải lên 1 nhóm kín trên MXH để "tố" sự vô trách nhiệm từ phía ví điện tử và phía rạp chiếu phim. 

13

Bài đăng tố sự vô trách nhiệm của phía ví điện tử lẫn phía rạp chiếp phim của cô nàng T.T.

Chuyện là cô nàng có sử dụng ví điện tử M. để đặt vé và thanh toán khi mua vé của hệ thống rạp chiếu phim C. Sau khi thanh toán thành công và bị trừ tiền thì T.T lại không nhận được mã vé nên có gửi yêu cầu hỗ trợ đến phía ví điện tử với nội dung đã thanh toán nhưng chưa nhận được mã vé. 

Khoảng vài tiếng sau, phía ví điện tử M. xử lý yêu cầu bằng một thông báo thanh toán đã thành công thế nhưng vẫn không thấy vé đâu. Vì vậy T.T đã gọi điện cho rạp chiếu phim thì bên này lại trả lời giao dịch không thành công và bảo đợi khoảng 15 phút. Tuy nhiên 1 lát sau, cô nàng vẫn không thấy vé, quay lại app M. yêu cầu hỗ trợ lần nữa thì vẫn thông báo như lần đầu.

Và cô nàng T.T bắt đầu chuỗi cuộc gọi qua lại giữa phía ví điện tử và rạp chiếu phim để nghe 2 bên đổ lỗi cho nhau. "Bên C. thì kêu bên em không thấy thanh toán, chị liên hệ bên M. Bên M. thì kêu thanh toán thành công rồi, chị liên hệ bên C." - T.T kể lại.

Giao dịch thành công, chị T.T bị trừ tiền trong tài khoản nhưng vẫn không nhận được vé.

Sau 1 hồi bị quay như chong chóng giữa 2 bên thì cô nàng lại được phía ví điện tử hỏi tên và mã nhân viên của người đã thông báo giao dịch không thành công phía rạp chiếu phim. Lý do là vì họ gọi cho bên rạp thì xác nhận giao dịch thành công rồi (?!). T.T làm theo yêu cầu này nhưng kết quả thì không khả quan hơn: "Mình đi gọi lại cho rạp C. thì bên này bảo giao dịch vẫn chưa thành công và nhiều nhân viên quá nên không biết ai để cung cấp thông tin".

Cuối cùng, sau khi tốn không ít tiền điện thoại gọi qua lại thì vấn đề của cô nàng T.T vẫn không được bên nào giải quyết. Đến giờ chiếu phim, cô đến rạp hỏi thì nhân viên tại chỗ nói giao dịch không thành công và yêu cầu phải mua vé khác để xem. "Mình đã mua và về yêu cầu bên ví điện tử hoàn tiền. Nhưng hiện tại vẫn chưa được giải quyết mà vẫn tiếp tục nhận được thông báo giao dịch đã thành công như mấy lần trước. Giờ thì mình xác định mất tiền luôn rồi, chưa bao giờ thấy chăm sóc khách hàng tệ như vậy luôn." - cô nàng ấm ức viết.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau khi T.T chia sẻ tình huống mà mình gặp phải thì đã có không ít người cho biết mình cũng bị tương tự. Kết quả là có người chấp nhận mất tiền oan, có người nhận được tiền hoàn lại nhưng cũng phải "dây dưa" cả tháng trời. 

16

Không chỉ riêng T.T mà có rất nhiều người cũng mất tiền khi thanh toán vé xem phim qua ví điện tử.

17

Hơn nữa, không chỉ mua vé xem phim mà các hoạt động thanh toán khác như nạp thẻ điện thoại hay mua sách cũng bị mất tiền tương tự.

Ngược lại, cũng không ít người khẳng định mình đã và đang sử dụng dịch vụ ví điện tử này nhưng có trải nghiệm rất tốt:

- Ơ. Mình xài M. mua vé hoài chưa thấy tình trạng này bao giờ.

- Mình cũng đặt M. nhiều mà chưa bị lần nào. Bạn mình còn mua vé máy bay trên đó này. 

- Chắc xui chứ mình giao dịch tất cả các thứ ổn hết mà. Mất tiền 1 cái là có mail về rồi. Mà giao dịch qua đây tiện ấy, chỉ cần đến rạp quét mã là xong.

7

Nhiều người cho biết mình có trải nghiệm tốt khi dùng ví điện tử M.

Thực ra chuyện lỗi hệ thống là chuyện hoàn toàn có thể gặp phải với bất cứ dịch vụ điện tử nào. Thế nhưng lần này, cách CSKH của cả phía ví điện tử lẫn rạp chiếu phim đều không được đồng tình khi chỉ chăm chăm đổ lỗi cho nhau. Hiện tại, bài viết của T.T vẫn đang khiến dân mạng bàn tán sôi nổi. 

Chia sẻ