Mất mạng như chơi nếu xem thường vết cắn nguy hiểm của bọ chét

Imacho,
Chia sẻ

Bọ chét có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Nhắc đến bọ chét, con người vẫn không thôi nỗi ám ảnh về căn bệnh Lyme nguy hiểm mà chúng có thể gây ra. Căn bệnh này khá phổ biến ở Mỹ và xuất phát từ một loại xoắn trùng tên là Borrelia burgdorgferi có khả năng truyền sang người nếu bị giống bọ chét loại Ixodes thường sống trên các loài thú rừng như thỏ, hươu nai... cắn. Thời gian gần đây, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra những căn bệnh khác mà bọ chét có thể gây ra và đáng lo ngại hơn là con số những người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng.

Một trong những điểm nguy hiểm nhất của loài bọ chét là chúng có kích thước vô cùng nhỏ khi mới sinh ra khoảng từ mùa xuân đến hè nên rất khó phát hiện. Những con bọ trưởng thành dễ phát hiện thường hoạt động mạnh vào mùa thu nhưng con người chúng ta vẫn hoàn toàn có khả năng bị cắn bất cứ lúc nào nếu vô tình tiếp xúc hay đi vào khu vực rậm rạp.

Mất mạng như chơi nếu xem thường vết cắn nguy hiểm của bọ chét - Ảnh 1.

Đừng bao giờ xem thường vết bọ cắn (Ảnh: Internet)

Triệu chứng của bệnh do bọ chét gây ra thay đổi tùy thuộc vào mầm bệnh nhưng phổ biến nhất là sốt, ớn lạnh, đau nhức và phát ban. “Nếu một bệnh nhân có các triệu chứng giống như cúm vào mùa xuân và mùa hè và sống ở một khu vực có nguy cơ bị bọ chét cắn cao, người đó tốt nhất nên cân nhắc đến bệnh viện để được hỗ trợ chẩn đoán tốt hơn” - Rick Ostfeld, nhà sinh thái học Viện nghiên cứu Hệ sinh thái Cary nói.

Những triệu chứng cơ bản cộng với việc vừa trở về từ khu vực đáng nghi ngại có thể là thông tin chủ chốt giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác những bệnh do bọ chét gây ra. Từ đó, họ sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm nhất định để xác định các tác nhân lây nhiễm cụ thể. Theo Paul Auwaerter, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và chuyên gia về Lyme Trường Y khoa Johns Hopkins, cho biết ngoài Lyme, bọ chét còn có thể gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Quá trình kiểm tra những bệnh ấy vẫn đang hoàn thiện và chưa được công bố rộng rãi.

Mất mạng như chơi nếu xem thường vết cắn nguy hiểm của bọ chét - Ảnh 2.

Bọ chét cái chân đen là nguồn gốc của bệnh Lyme và một số những loại bệnh hiếm khác (Ảnh: popsci)

Tuy nhiên, với những căn bệnh có thể xác định được bằng các phương pháp khoa học có sẵn, bác sĩ vẫn phải cho bệnh nhân dùng thuốc trụ sinh trước khi có kết quả kiểm tra. Thông thường là doxycycline dành cho bệnh nhân nghi nhiễm Lyme và một số bệnh nhiễm khuẩn khác, bao gồm cả một loại vi khuẩn Ehrlichia mới được phát hiện. Nếu được chữa trị sớm bằng thuốc trụ sinh, bệnh có thể khỏi hẳn nhưng cũng có những trường hợp bệnh kéo dài và trở thành kinh niên với những triệu chứng rất khó phân biệt với nhiều bệnh khác.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh lê dạng trùng (babesiosis) do loài ký sinh trùng rất nhỏ Babesia gây ra đòi hỏi phải sử dụng những loại thuốc khác. Một số bệnh cũng do virus gây ra nhưng chưa có thuốc chữa, bệnh nhân chỉ có thể được cung cấp thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng.

Phức tạp hơn, người bệnh có thể bị đồng nhiễm trùng nếu không may bị bọ chét mang nhiều vi khuẩn gây bệnh cắn, đặc biệt nguy hiểm nếu chúng lại không thể điều trị bằng cùng một loại thuốc như bệnh Lyme và bệnh lê dạng trùng. Trong những trường hợp như thế này, điều quan trọng nhất là các bác sĩ phải kiểm tra thật kĩ các triệu chứng và đánh giá xem liệu bệnh có thể điều trị được hay không. Nếu không, chẩn đoán ban đầu có thể sai hoặc bệnh nhân có thể mắc nhiều bệnh hơn.

Tất nhiên, cách tốt nhất để tránh không bị mắc bệnh là chúng ta phải nên cẩn thận với những con bọ chét. Khi đi đến những khu vực rậm rạp như rừng cây, hãy chắc chắn rằng bạn luôn mặc quần dài và đầy đủ giày vớ. Dù vậy, vẫn không loại trừ khả năng bọ chét có thể chui vào từ cổ hay tay áo và tìm đến những vị trí có nhiệt độ cao trên cơ thể như nách, háng…

Sau khi đi câu hoặc đi săn thì cần kiểm tra kĩ càng và nếu thấy có bọ chét thì phải hết sức cẩn thận lấy ra đừng để gây thương tích hoặc không lấy ra hết nọc của bọ chét. Lưu ý tuyệt đối không dùng tay tiếp xúc trực tiếp với bọ, có thể sử dụng nhíp gắp hay bất kỳ công cụ nào khác. Nếu được, bạn nên đem xác của bọ chét về để hỗ trợ quá trình chẩn đoán cũng như điều trị sau này. Nên phòng ngừa trước bằng những loại thuốc chống côn trùng thoa vào da, quần áo cũng như vớ giày có khả năng chống lại bọ chét.

Từng có một vụ án mạng kinh hoàng được gây ra bởi bệnh nhân mắc bệnh Lyme là Terry Sedlacek sau khi người này trở về từ sau chuyến đi săn. Dù đã được chữa trị nhưng sau đó, biến chứng của căn bệnh này đã ăn vào não bộ khiến anh mất ngủ, suy nhược tinh thần trở nên bất ổn, tâm tính không còn bình thường như trước cho đến khi gây ra án mạng. Thế nên, chúng ta đừng bao giờ xem thường những vết bọ cắn và hãy lập tức đến bệnh viện kiểm tra nếu xuất hiện những triệu chứng như trên và nhất là phải cẩn thận mỗi khi đi câu hoặc vào rừng.

(Nguồn: popsci)

Chia sẻ