Mắt biếc - Nỗi khát khao cháy bỏng được làm người

Tiểu Phương,
Chia sẻ

“Tại một miền đất chỉ yêu thích những đứa bé tóc vàng, mắt xanh, ai sẽ khóc than cho những giấc mơ của một cô bé da đen tội nghiệp?”…

 
Mắt biếc
 
Tác giả: Toni Morrison

Nhà xuất bản Trẻ
 


Một người đàn bà da đen luôn mặc cảm với đôi chân khập khiễng, một người đàn ông đã đem lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối ấy, rồi cũng tự tay dập tắt chút hy vọng nhỏ nhoi. Một cô gái phải chịu bao đớn đau khi mang trong mình bào thai oan nghiệt - bào thai do chính cha ruột cưỡng bức mà thành...
 
“Mắt biếc” của nhà văn nữ Toni Morrison đã mang người đọc đến với một thế giới như thế - thế giới không có có tình yêu, chẳng có tình thương. Trong thế giới ấy, những đứa trẻ da đen là “những con chó đen dơ dáy” còn cha mẹ chúng chỉ là “một lũ mọi rợ” mà thôi. Mẹ của Pecola là một người đàn bà bất hạnh. Bất hạnh trong số những người da đen bất hạnh. Những người da trắng không thừa nhận sự tồn tại của bà đã đành, ngay cả trong thế giới của người cùng màu da, bà vẫn bị bỏ rơi. Vì Pauline xấu xí! Xấu xí và thêm một đôi chân tật nguyền - đôi chân lúc nào bước đi cũng phát ra những âm thanh kì cục. Phải gánh chịu đồng thời cả hai sự ruồng rẫy, Pauline tồn tại giữa cuộc đời giống như một vết đen thật mờ, thật mờ mà thôi...
 

Rồi Cholly xuất hiện, nỗi xúc động trào dâng trong Pauline, lần đầu tiên bà thấy “cái khập khiễng” trở thành cái “có giá trị” để yêu thương. Pauline yêu Cholly, họ yêu nhau và thành vợ thành chồng… bình yên và giản dị. Ám ảnh về màu da đen đúa tưởng đã nhạt phai trong hạnh phúc lứa đôi. Nhưng không, nó vẫn còn đó, mãi mãi không xóa được. Pauline mang thai. Bà đến nhà hộ sinh và nghe bác sĩ nói với nhau - những lời nói vô tình như vết dao đâm vào tim người đàn bà tội nghiệp... “Không có gì phải lo ngại cả. Họ sinh dễ dàng và không đau đớn giống như ngựa cái vậy!” - Pauline chết lặng... Những người da đen như bà, mang nặng đẻ đau cũng chỉ như một con “ngựa cái”, rồi đứa trẻ mà “ngựa cái” sinh ra sẽ là “một con chó đen dơ dáy” - chắc bọn họ nghĩ thế, chắc thế!

Lúc lâm bồn, Pauline đã la hét dữ dội, tiếng la vang động đến tan nát cõi lòng. Cái phản ứng yếu ớt đến tội nghiệp của người đàn bà da đen như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy rằng: họ cũng có da có thịt, họ biết đau, thậm chí rất đau! Làm ơn hãy xem họ là người, họ không phải là loài súc vật...
 

Số phận nghiệt ngã đẩy Pauline vào bế tắc. Túng quẫn vì đồng tiền, chồng cờ bạc, vũ phu và suốt ngày chửi bới. Chẳng còn ai để sẻ chia, người từng yêu thương nhất cũng quay lưng bỏ mặc, Pauline cô đơn, hoảng loạn. Cuộc sống gia đình phút chốc trở thành địa ngục trần gian. Pauline mất phương hướng, gia đình đối với bà giờ đây là một sự khốn khổ. Tình yêu cứ thế cạn kiệt, cảm xúc yêu thương với những đứa con cũng rơi rớt mất! Bà thờ ơ, cộc cằn và hằn học...

Toni Morrison đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh Pauline - từ một cô gái ngây thơ, hiền lành biến thành người đàn bà dữ tợn, hung hăng, bất chấp tất cả. Bà ta sẵn sàng đánh nhau với chồng, tàn bạo đến nỗi họ chỉ thỏa thuận một điều là “không được giết chết nhau”... Thế đấy, cuộc đời Pauline đã không còn có chỗ cho một ước mơ, một hy vọng. Bởi bà chẳng còn gì để bấu víu và mong cuộc sống đổi thay. Ánh sáng đã tắt, tắt cùng với những năm tháng thanh xuân, tắt từ lâu lắm rồi... không còn nhớ nữa!

Đứa con gái của bà - Pecola đã sinh ra trong một gia đình như thế. Nó không có được một mái ấm đúng nghĩa giống như những đứa trẻ khác. Nó cô đơn!

 
“Họ sống ở đó vì họ nghèo và là dân da đen, họ ở lại đó vì họ tin rằng mình xấu xí”... Pecola đến trường trong sự phân biệt đối xử của lũ bạn - “người da màu ngăn nắp, trang nhã và trầm lặng còn bọn da đen thì dơ dáy, bẩn thỉu và ồn ào”. Cô về nhà trong những cuộc cãi vã, những tiếng chửi rủa, rên la đánh đập không thương tiếc… Đôi mắt trong veo chứa đựng cả một nỗi kinh hoàng. Gia đình - đáng ra phải là chỗ dựa bình yên cho con trẻ. Tiếc thay, đối với Pecola, nó lại là bi kịch! Đôi mắt của Pecola chứng kiến cảnh những người thân yêu đang ném vào nhau những lời cay độc, anh của cô thì gào thét, bỏ đi. Pecola không làm được thế, cô im lặng. Phương pháp dẫu có khác nhau nhưng nỗi đau thì vẫn còn nằm đó - dai dẳng, âm thầm và nặng nhọc trôi qua cuộc đời...

Rồi một ngày, Pecola bị cha ruột hãm hiếp.

Nỗi đau đớn uất nghẹn không cất nổi thành lời. Cái hành động đáng ghê tởm của Cholly như là sự dồn nén và bức ra ở cả hai cực giữa tình yêu và lòng thù hận. Đau đớn thay cho những kiếp người không chống chọi được với bản ngã của chính mình! Cholly đốt nhà rồi bỏ đi, để lại cho cô bé đáng thương một giọt máu chưa thành hình...

Pecola tuyệt vọng, cô muốn chết, chết đi để biến mất khỏi cuộc đời không có tình yêu, cuộc đời nhẫn tâm và độc ác với những đứa trẻ da đen khốn khổ!
 

Đối với mọi người, chuyện cái bào thai oan nghiệt trong bụng Pecola mà sống được thì quả là một phép lạ. Nhưng những người bạn của cô, họ đã cố chăm chút ươm những hạt giống đằng sau nhà và nguyện cầu cho Pecola với niềm tin “khi các hạt giống nảy mầm thì chúng ta biết là mọi chuyện đều tốt đẹp”.
 
Thời gian trôi đi, mùa qua mùa, những bông cúc vạn thọ đã không chịu mọc, chẳng có hạt mầm nào của ai mọc vào năm đó cả!

… “chẳng còn lưu lại gì ngoài Pecola và mảnh đất vô sinh. Cholly đã chết, sự ngây thơ vô tội của lũ trẻ cũng mất đi. Hạt giống héo hon và đã chết, đứa bé sơ sinh cũng đã sớm trở về với cát bụi”...

Đi suốt chiều dài tác phẩm, Toni Morrison đã miêu tả tâm lý cô bé rất thành công.“Cô bé thấy khoảng trống thoáng hiện nơi đôi mắt của người da trắng. Ra thế, sự ghê tởm đó hẳn là dành cho cô, cho màu da đen của cô… Chính màu đen đó là điều đập vào mắt người ta, là cái tạo ra khoảng trống sắc cạnh cùng sự ghê tởm!”. Cô mơ hồ tin nếu có cặp mắt như người da trắng, người đời sẽ không xua đuổi mẹ con cô như một con chó đen bẩn thỉu, ngược lại họ sẽ nói với cô những lời âu yếm ngọt ngào:“Kìa, xem con bé Pecola với đôi mắt xinh đẹp thế kia. Chúng ta không nên làm những chuyện gì xấu trước đôi mắt xinh đẹp như thế!”.
 
 
Cái nỗ lực để thực hiện ước mơ xuất phát từ hiện thực quá khổ đau. Chúa Trời ban cho họ màu da đen, nhưng đó không phải là định mệnh buộc họ phải làm nô lệ. Họ khổ nghèo, xấu xí nhưng đó không phải là cái tội. Họ không phải là súc vật, có chăng là qua đôi mắt phản chiếu sự ích kỉ, khinh miệt rẻ rúng của những người tự cho mình là thanh cao và đẹp đẽ.
 
Nhận giải Nobel vào năm 1993, Toni Morrison trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên đạt được vinh dự cao quý này. “Mắt biếc” - tiểu thuyết đầu tay của bà đã trở thành tiếng kêu thống thiết, “khắc họa đẹp đẽ và gắn bó một cách kỳ diệu với cuộc sống, con người!". Chính giá trị nhân văn cao đẹp đã đem nó đến gần với người đọc.
Chia sẻ