Ly thân - tưởng đùa hóa thật

,
Chia sẻ

Đa phần khi quyết định ly thân, các đôi vợ chồng đều coi đây là một "phép thử" để níu kéo cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, đa phần "phép thử" này đều dẫn đến sự tan vỡ thực sự không thể hàn gắn.

Trung tâm nghiên cứu về giới, gia đình cho biết mỗi ngày nhận được khoảng 300 cuộc tư vấn qua số điện thoại. Trong đó, phần lớn ca xin tư vấn vì cuộc sống vợ chồng quá nặng nề nhưng không muốn ly hôn.
Khi mâu thuẫn giữa vợ chồng đã đẩy lên đến mức gay gắt khiến họ không thể sống cùng nhau nhưng cũng chưa đến mức phải ly dị thì người trong cuộc thường chọn cách ly thân. Ly thân có phải là khoảng thời gian để suy ngẫm và tìm cách hàn gắn rạn nứt hay chỉ là sự tích tụ gió và mưa cho cơn bão ly hôn? Làm phép thử cho cuộc hôn nhân bằng cách ly thân. Liệu có nên?
 
Bước đệm của ly hôn
 
Vợ chồng Tuấn - Ly có cách sống rất “thoáng”. Lấy nhau gần chục năm nhưng vẫn không có một mụn con dù đã chữa chạy khắp nơi. Buồn chán, hai vợ chồng xa rời chuyện chăn gối, tình cảm cũng nguội lạnh dần. Tình cảm yêu đương trong Tuấn sống dậy khi anh gặp Mai. Biết chuyện, vợ Tuấn đánh ghen lồng lộn, song điều đó không ngăn được tình yêu Tuấn dành cho cô bồ bé nhỏ. Căm tức kẻ bạc tình, Ly kiên quyết “đuổi” Tuấn ra khỏi nhà với lí do nhà ấy là của cha mẹ Ly cho, Tuấn không xứng đáng được ở. Tuấn đồng ý ra đi nếu Ly chấp nhận chia cho anh 1/3 tài sản vì anh cũng góp phần tu sửa căn nhà. Để trả thù chồng, Ly cũng cặp bồ với một người đàn ông khác. Có buổi cả hai cùng dẫn nhân tình về nhà, mỗi đôi một tầng chẳng ai “làm phiền” ai. Tình trạng “ông ăn chả, bà ăn nem” kéo dài, song hai người vẫn không đi đến quyết định ly hôn, chỉ vì họ không thoả thuận được việc phân chia tài sản.

Không ồn ào như gia đình Tuấn, không một chút căng thẳng trong giao tiếp hàng ngày, anh Quang và chị Hoa đã sống như những người hàng xóm trong một nhà đã 4 năm nay. Trong ngôi nhà khang trang ấy luôn có hai thế giới song song tồn tại, hai mảnh trời riêng cứ lặng lẽ đi về. Anh là chánh án của tòa án nhân dân thành phố, còn chị là doanh nhân thành đạt. Không chịu nổi những áp lực công việc của nhau, họ chọn cách sống ly thân điềm đạm, không điều ong tiếng ve, không ồn ã như bao cặp ly thân khác.

Trong thực tế, có rất nhiều những kiểu li thân, có thể do vợ chồng giận dỗi nhau suy nghĩ bồng bột mà ly thân, cũng nhiều khi vì bị phản bội mà một trong hai người quyết định rời xa nhau và không loại trừ khả năng, có đôi coi đó là phép đo mức độ tình cảm... Khoảng cách giữa ly thân và ly hôn là rất mỏng manh. Sau một thời gian ly thân có cặp vợ chồng chia tay nhau vĩnh viễn, nhưng cũng có cặp sau ly thân lại sống với nhau hạnh phúc, còn một số đôi lấy con cái là lý do viện ra để níu kéo cuộc hôn nhân vốn đã có nhiều sứt mẻ. Thế nhưng những đứa trẻ có thể phát triển bình thường khi sống trong không khí gia đình luôn căng thẳng như dây đàn, và bài học lớn nhất chúng học được từ gia đình là sự lừa dối?  

 
Ly thân có phải là một giải pháp tích cực?
 
Theo các nhà xã hội học thì hiện nay tình trạng ly thân đang rất phổ biến, thậm chí còn nhiều hơn những ca ly hôn. Các nghiên cứu cũng cho thấy ly thân kéo dài gây tổn hại hơn rất nhiều so với ly dị nhanh. Đặc biệt với người châu Á, họ khó khăn hơn người châu Âu trong quyết định ly dị, chính vì thế cuộc ly thân bị kéo dài với thời gian khiến người phương Tây kinh ngạc. Có khi là 4 đến 5 năm, thậm chí có người đến 7-8 năm mới có quyết định li dị.
 
Ly thân là thời gian “thử lửa” cho hôn nhân. Mặc dù thừa nhận ý nghĩa của ly thân, nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm không nên kéo dài quá thời gian này. Bởi có một câu hỏi được đặt ra là: Với những mâu thuẫn đã và đang tồn tại dưới hình thức công khai hoặc âm ỉ như thế, liệu người ta có thể tỉnh táo nhìn nhận lại cuộc hôn nhân khi mỗi ngày vẫn nhìn thấy đối phương với đầy đủ những nét đáng ghét nhiều hơn là đáng yêu?
 
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia về hôn nhân, gia đình, tình dục, Trịnh Trung Hòa của tổng đài 1080 cho biết, “Có rất ít tỉ lệ phần trăm các cuộc ly thân đưa cuộc hôn nhân trở về bến bờ hạnh phúc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi ly thân chỉ là một bước đệm của ly hôn. Đó chính là bởi sự bất ổn trong tiền đề của chọn lựa này. Nền tảng của hạnh phúc gia đình chính là tình yêu. Đã chọn giải pháp ly thân tức là tình yêu không còn, hoặc đã phai nhạt. Chưa kể thời gian ly thân kéo dài khiến đời sống tình dục bị ngắt quãng, hoặc một trong hai người sẽ đi tìm cho mình thú vui khác bên ngoài. Một thoả thuận ly thân đôi khi chỉ là sự níu kéo lẫn nhau”.
 
Hải Anh
Chia sẻ