Lương tối thiểu vùng năm 2024: Tăng bao nhiêu là đủ?

An Khánh,
Chia sẻ

Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 9-8 sẽ họp phiên đầu tiên để đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau: Vùng I 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV 3.250.000 đồng/tháng.

Sau dịch COVID-19, tình trạng các doanh nghiệp (DN) khan hiếm đơn hàng diễn ra trên diện rộng và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người lao động. Việc nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm khiến thu nhập lao động giảm sút trong khi vật giá leo thang. Do  vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024 được cho là cần thiết xem xét trong bối cảnh hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi), công nhân một DN chuyên gia công giày da ở TP Thủ Đức, TP HCM cho biết, thời gian qua do đơn hàng của công ty giảm nên mỗi tuần anh chỉ làm 4 ngày/tuần, thu nhập vì thế giảm sút. Cồng chị là công nhân một doanh nghiệp điện tử cũng không khá hơn khi phải nghỉ việc luân phiên. Tổng thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng, rất khó để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con nhỏ. "Biết là doanh nghiệp khó khăn nhưng công nhân tụi em chỉ mong sớm được tăng lương tối thiểu để cuộc sống dễ thở hơn" – chị Hồng bày tỏ. 

Lương tối thiểu vùng năm 2024: Tăng bao nhiêu là đủ? - Ảnh 2.

Khảo sát mới nhất về đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) do Viện Công nhân và công đoàn Tổng LĐLĐ VN thực hiện với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLĐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLĐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.

Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLĐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 vừa được Navigos công bố, cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc của ngành sử dụng nhiều lao động này. Ít nhất 50% doanh nghiệp (DN) đối mặt với sụt giảm doanh thu, trong đó có công ty bị ảnh hưởng đến 91%. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN ưu tiên áp dụng giảm giờ làm và cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Nhiều DN chọn giải pháp giảm bớt dây chuyền hoặc đóng cửa nhà máy. 

Trên các diễn đàn, đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp đều than khó trong việc tăng lương tối thiểu vùng bởi tình hình sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2023 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng chưa nên tăng LTT trong năm tới số lượng DN rời khỏi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 , mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trước đó,  Bộ LĐ-TB-XH đã công văn đề nghị các địa phương tổ chức nắm tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 38 2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1-7-2022. Cụ thể, đối với lương tối thiểu theo tháng, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu; trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. 

Trong đó, lưu ý về thỏa thuận về trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiếu. Đối với lương tối thiểu theo giờ, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các doanh nghiệp sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương tối thiểu theo giờ. Các địa phương tiến hành khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực, ngành nghề thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phố biến của các công việc trên; đánh giá thuận lợi, khó khăn và tác động của doanh nghiệp, người lao động sau khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu theo giờ.

Bên cạnh rà soát về áp dụng mức tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị các địa phương đánh giá việc điều chỉnh phân vùng để áp dụng các mức lương tối thiểu hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì Sở LĐ-TB-XH phối hợp với ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với liên đoàn lao động cấp tỉnh, chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ý kiến gửi về bộ.
Chia sẻ