Lục đục vì chồng đòi ngủ riêng

,
Chia sẻ

Khó chịu khi đêm nào con cũng quấy, đạp, chồng chị Lan bỏ ra phòng khác ngủ. "Tủi nhất là mỗi lần 'yêu' xong, chồng đi ngay, bỏ mình chưng hửng lại", chị kể.

Chị Lan (Yên Hòa, Cầu Giấy) kể, hồi trước, hai vợ chồng chị rất quấn quít, bao giờ ngủ chị cũng phải gối đầu lên tay hay ngực chồng. Hai vợ chồng dù có giận dỗi nhau thế nào, nhưng đêm nằm cạnh, chỉ cần chồng nhẹ nhàng lùa tay vào tóc vợ, hay vợ quay sang ôm chồng là làm lành ngay.

Thế nhưng, từ khi có con, anh nhất quyết đòi sang phòng bên ngủ. Anh bảo, nếu đêm mà không được ngủ ngon, ngày anh không còn đầu óc nào mà làm việc.

"Trước hai vợ chồng ngủ chung, đêm thỉnh thoảng lại có người kéo chăn, vén tóc cho, thấy tình cảm, gần gũi lắm. Giờ thì cứ có cảm giác xa cách thế nào ấy. Tủi nhất là mỗi khi chồng có nhu cầu lại chờ con ngủ, mò sang khều khều, xong việc thì lại bỏ vợ đi luôn", chị Lan tâm sự.

Cũng chung tâm trạng ấy, nửa năm nay, chị Hậu (Đống Đa, Hà Nội) luôn cảm thấy ức chế vì thấy chồng toàn tìm cách ngủ riêng một phòng. Nhà có 4 người, vợ chồng Hậu và hai đứa con với 2 phòng ngủ nhỏ. Trước đây, Hậu đã cho hai con ngủ một phòng riêng nhưng rồi phải đổi ý vì hai nhóc đêm nào cũng đánh nhau rồi khóc ầm ĩ.
 
Sau đó, chị lại tính cách để đứa nhỏ cùng nằm với vợ chồng mình, còn chị lớn ngủ riêng. Cách này cũng không được vì chồng chị kêu chật, cô lớn cũng không chịu. Cuối cùng, chồng chị quyết định cho ba mẹ con ngủ một phòng, anh ngủ riêng. Lúc nhìn chồng ôm chăn gối sang phòng khác, chị thấy ấm ức vô cùng vì có cảm giác chồng như cố tình tìm cớ xa vợ. Mỗi đêm, nghe tiếng lách cách gõ phím máy tính hay chuông điện thoại di động kêu từ phòng anh, chị lại bứt dứt vì nghi anh đang có chuyện mờ ám.

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân, gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thật ra, chuyện vợ chồng ngủ riêng không có gì to tát cả. Trong nhiều trường hợp, đó lại là việc cần thiết, mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như khi có con nhỏ, việc ngủ chung chật chội, ảnh hưởng đến cả vợ chồng và con, nhất là nếu bố mẹ làm "chuyện ấy" mà không may để trẻ chứng kiến sẽ tác động rất xấu đến tâm lý của bé.

Ngoài ra, mỗi người cũng có sở thích riêng khi ngủ. Có người thích được nằm cạnh người khác, được ôm ấp, vuốt ve, gối đầu lên tay, ngực... nhưng một số khác lại chỉ thích được yên tĩnh một mình, ghét bị quấy rầy. Vì vậy, khi chung sống, hai người cũng cần tôn trọng những sở thích riêng.

Trong một số trường hợp, khi ông chồng hay bà vợ mắc tật ngủ ngáy hoặc nghiến răng mãn tính thì việc ngủ riêng cũng tốt cho cả hai người.

Tất nhiên, theo chuyên gia tâm lý, từ xưa đến nay người ta vẫn nói vợ chồng là đầu ấp tay gối, nên nếu một người đùng đùng ra ngủ riêng, trong khi bạn đời không thích sẽ dễ gây những thắc mắc, nghi ngờ. Đặc biệt, nếu vợ chồng đã ngủ riêng, lại chẳng dành thời gian hỏi han, yêu thương nhau, chỉ "giao lưu" khi có nhu cầu rồi thôi thì rõ ràng sẽ làm cho các bà vợ chạnh lòng.

Nhiều khi, nếu đã không đồng sàng, lại thiếu sự trò chuyện, trao đổi, vợ chồng cũng dễ "dị mộng”. Như trường hợp của vợ chồng chị Thục (Cầu Giấy, Hà Nội) chẳng hạn.

Từ hồi có em bé, chị Thục đã bảo chồng sang phòng khác ngủ vì thấy ba người quá chật mà anh lại hay để đèn khuya vì còn bận làm tiếp việc. Rồi "chuyện ấy" của hai vợ chồng cũng thưa thớt vì chị Thục mệt mỏi với việc chăm con nên chẳng ham muốn nhiều.

Bẵng đi một thời gian, hai người cứ theo một guồng quay, hầu như chỉ trao đổi vài ba câu trong bữa cơm tối, rồi ai về phòng nấy, sáng lại tất bật với công việc. Gần đây, chị Thục bỗng cảm thấy vợ chồng quá xa cách và định thầm sẽ hâm nóng lại tình cảm. Một đêm, khi con đã ngủ say, chị nhẹ nhàng sang phòng chồng, định tạo bất ngờ cho anh thì sững sờ khi thấy chồng đang "tự xử", trước mặt là màn hình máy tính với những cảnh nóng bỏng.

Sau đêm ấy, chị cảm thấy hoang mang và có cảm giác như chồng phản bội mình.

Bà Hà cho biết, trong gia đình, với mỗi sự thay đổi lớn, hai vợ chồng đều cần có sự bàn bạc với nhau để có quyết định cuối cùng. Ví dụ khi có con, hay khi định ngủ riêng vì lý do nào đó, hai vợ chồng cần trao đổi với nhau và chỉ quyết định khi cả hai đều đồng ý, không nên để một trong hai người cảm thấy bị người kia như "bỏ rơi" và dễ sinh nghi ngờ, buồn chán.

Tuy nhiên, theo bà, vấn đề ở đây không phải là việc hai người ngủ chung giường hay ngủ riêng mà điều quan trọng là cách thể hiện sự quan tâm, tình cảm với nhau.

Nếu hai người vì lý do nào đó mà ngủ riêng nhưng trong ngày vẫn luôn thể hiện sự quan tâm, trò chuyện cùng nhau, vẫn có những cử chỉ âu yếm, đụng chạm, kể cả trong các sinh hoạt nho nhỏ như khi ăn cùng, làm việc nhà... thì chẳng làm cho tình cảm của họ xa cách mà có khi còn tạo sự mới mẻ, hấp dẫn với nhau.
 
Theo Minh Thùy
Vnexpress
Chia sẻ