Lừa nhau bằng những chiêu khuyến mại

Táo xanh - theo PLXH,
Chia sẻ

Liệu những chiêu bài này có thật sự hành động trên cơ sở thiện chí, hay chỉ là kẻ "miệng nam mô, bụng bồ dao găm" đang "treo đầu dê, bán thịt chó"?

Trong lúc dân tình kêu khổ than trời vì thu nhập, có những cửa hàng có vẻ như cũng thấy mủi lòng, nên họ vẫn không ngừng đề ra các chiến dịch giảm giá, khuyến mại để hỗ trợ người tiêu dùng. Đứng trước những "món hời" ngay trước mắt, người dân chúng ta cứ khấp khởi vui mừng, và ùn ùn rủ nhau đi mua sắm. Đương nhiên, điều này có nghĩa là uy tín của những "vị lái buôn" này ngày một được nâng cao. Nhưng liệu những cơ sở này có thật sự hành động trên cơ sở thiện chí, hay chỉ là kẻ "miệng nam mô, bụng bồ dao găm" đang "treo đầu dê, bán thịt chó"?

Cẩm nang mua sắm của chị em luôn có chỗ cho những mặt hàng mua 1 tặng 1, những "combo" (bộ sản phẩm đính kèm nhau) khuyến mại, và đặc biệt là những mặt hàng được dán mác sale off (giảm giá) 30%, 50%, hay thậm chí còn có những trường hợp mà theo người bán quảng cáo là "giảm giá kịch sàn", mạnh tay hơn nữa thì có "lái buôn" còn thanh lý rẻ hơn giá gốc. Những lời quảng cáo hấp dẫn này có sức hút cực mạnh, khiến chị em như thiêu thân trông thấy lửa, cứ mê mải lao vào không chút nghi ngờ. Mà còn nghi ngờ gì nữa, khi việc người ta giảm giá được tận mắt mình chứng kiến, tận tay mình sờ đến, ai lừa được nhau ở chỗ nào đâu mà ngờ vực?

Sale trong shop thời trang luôn thu hút chị em.

Thế nhưng, có một sự thật phũ phàng, là dù ít dù nhiều, thì việc lừa nhau bằng những chiêu khuyến mại là hoàn toàn có thật, và thậm chí còn nhan nhản. Vậy người ta qua mặt bạn, qua mặt chúng tôi bằng cách nào? Có những "điểm mù" nào mà chúng ta không nhìn thấy được?

Ở một số cửa hàng tạp hóa, siêu thị, một gói xà phòng to loại 5kg được tặng kèm một chai nước xả vải 500ml. Ở đây, "điểm mù" người bán tạo ra bằng cách lợi dụng điểm yếu của người tiêu dùng là sự so sánh. Bằng cách so sánh giá, người tiêu dùng nhận thấy nếu mua riêng lẻ 2 sản phẩm thì sẽ đắt hơn, cho nên khuyến mại như vậy là "hời" rồi. Vì vậy dù có khi không cần cả 2 sản phẩm, hoặc ưa thích một hãng nước xả vải khác, nhưng họ thường bỏ qua những yếu tố đó để được khuyến mại. Mặc dù hai sản phẩm này mua riêng lẻ ngoài đại lý có giá rẻ hơn hoặc bằng giá của chương trình khuyến mại này, người "lái buôn" vẫn thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm và bóp méo từ "tặng kèm" một cách tinh vi bằng sự thỏa hiệp của người mua. 

Bên cạnh những cái bẫy nhỏ, còn có cả những cú lừa ngoạn mục. Trên vỉa hè của nhiều tuyến đường, các shop thời trang đóng mác "hàng hiệu", "hàng xách tay" luôn có những "bãi chiến trường giảm giá". Chúng tôi phải dùng từ như thế, bởi ở đây tấp nập người mua, người chọn, rồi thậm chí có vài trường hợp hiếm gặp là tranh giành nhau một mặt hàng đang được shop "siêu giảm giá". Cũng bằng "điểm mù" so sánh giá, những cửa hàng này đã kiếm được không ít lợi nhuận từ sự cả tin của khách hàng. Khi những mặt hàng trong shop dán mác tiền triệu, đống hổ lốn những chiếc túi xách hay những bộ áo quần được để ngay trước cửa hiệu treo biển "giảm giá hàng lỗi mốt", "hàng thanh lý bán giá gốc",... có giá tầm 200.000đ - 300.000đ đương nhiên được người mua mặc định là "quá rẻ". Và họ tranh nhau lựa chọn, rồi hỉ hả mang về mà không biết mình đã mắc bẫy "lái buôn". Chúng tôi tình cờ nghe được chủ một shop hàng hiệu chia sẻ bí quyết cho cô bạn sắp vào nghề như sau: "Hôm đầu tháng tao hốt một đống túi xách rẻ hều ở chợ, đem về ném ra vỉa hè treo biển bán giảm giá bán cho vui, thế mà cũng lời được tầm vài trăm nghìn một cái. Cứ tằng tằng như thế có khi còn lời hơn cả bán mớ hàng trong tủ kính mày ạ!".


Hàng lề đường và thật giả chuyện đắt rẻ.

Ví dụ, hầu như ở mỗi góc đường Sài Gòn không thiếu cửa hàng mắt kính thời trang với giá khuyến mại từ 50 - 85% giá gốc trong khi chất lượng chỉ bằng hàng ngoài đường. Việc treo khuyến mại lớn chỉ là ngụy trang cho việc tăng giá gốc lên cực cao và lấy tiền bù trừ khuyến mại. Doanh thu cao thì khỏi phải nói. 

Đương nhiên, tận tay tận mắt đã lừa được nhau, thì những "lái buôn" online càng dễ bề xoay trở. Có shop online hút khách bằng tiêu đề "Thanh lý giá gốc nghỉ bán hàng", sau khi thanh lý hết với giá chẳng hề gốc như quảng cáo, lại nhập hàng mới về để bán. Người tinh khôn thì lấy lý do thời gian qua bận định nghỉ, nhưng giờ rảnh lại bán tiếp. Người giảo hoạt thì bỏ nick cũ, lập nick mới để bán. Người mua có khi biết tỏng, nhưng vẫn đôi lúc thiếu thận trọng và hơi quá cả tin, nên vẫn cứ lao đầu vào làm nạn nhân cho các "lái buôn" tha hồ sinh lợi.

Trước muôn vàn "chiêu thức" của các tiểu thương, người mua chúng ta cần cẩn thận hơn nữa để có thể là "người tiêu dùng thông minh", không để tiền trong túi mình chạy vào hầu bao những người làm giàu chỉ chăm chăm "tung hỏa mù" và trục lợi.
Chia sẻ