Lời khai tại toà của cháu gái Trương Mỹ Lan khiến nhiều người ngơ ngác: Trình độ học vấn của cô rốt cuộc như nào?

Thanh Hương,
Chia sẻ

Rất nhiều người đang thắc mắc về việc học tập của cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân.

Ngày 5/3, phiên xử vụ án Vạn Thịnh Phát bắt đầu. Trong phần kiểm tra lý lịch, bị cáo Trương Huệ Vân, cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan, người bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có những lời khai về tên tuổi, năm sinh, nơi ở, tình trạng hôn nhân,...

Khi được hỏi "Bị cáo học đến lớp mấy vậy", Trương Huệ Vân đáp "12/12 ạ". Lời khai của Trương Huệ Vân khiến nhiều người bất ngờ, bởi theo như nhiều thông tin trước đó, cháu gái ruột của bà Trương Mỹ Lan tốt nghiệp Đại học RMIT. Không ít cư dân mạng để lại bình luận: "Như vậy là bạn này mới học hết lớp 12 thôi hả?", "Mình tưởng bạn này tốt nghiệp Đại học RMIT rồi chứ?", "Sao học đại học lại là 12/12?",...

Lời khai tại toà của cháu gái Trương Mỹ Lan khiến nhiều người ngơ ngác: Trình độ học vấn của cô rốt cuộc như nào?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Huệ Vân tại toà

Phân biệt trình độ học vấn và trình độ chuyên môn

Trình độ học vấn là bậc học chính quy cao nhất mà một người hoàn thành, dựa theo hệ thống giáo dục của quốc gia đó. Tại Việt Nam, bậc phổ thông bao gồm 12 năm học, trong đó có 5 năm Tiểu học, 4 năm Trung học cơ sở và 3 năm Trung học thổ thông. Do đó trình độ học vấn của người tốt nghiệp Tiểu học là 5/12, tốt nghiệp Trung học cơ sở là 9/12 và tốt nghiệp Trung học phổ thông là 12/12. Các bậc học sau phổ thông bao gồm: Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Sau Đại học (Cao học, Nghiên cứu sinh,…).

Trình độ chuyên môn là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng, năng lực của một người về một hay nhiều lĩnh vực nào đó. Trình độ chuyên môn thường được đánh giá dựa vào học vị chính thức trong quá trình học tập, nghiên cứu như: Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sỹ, Tiến sỹ,…

Với những chứng chỉ, bằng cấp liên quan tới nghiệp vụ, hay những khóa học ngắn hạn có cấp chứng chỉ từ những tổ chức uy tín thì cũng có thể được coi là có trình độ chuyên môn. Ví dụ chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp (CFA), chứng chỉ kế toán quốc tế (ACCA), chứng chỉ TESOL, chứng chỉ ngoại ngữ chính thức (IELTS, HSK, TOPIK),...

Hiểu một cách đơn giản, trình độ chuyên môn: Hoàn thành chương trình đào tạo thuộc chuyên ngành cụ thể như là kế toán, kỹ sư xây dựng, cử nhân Luật,... Trình độ học vấn: Hoàn thành chương trình cấp bậc giáo dục phổ thông như 9/12 hoặc 12/12.

Như vậy, trình độ học vấn của người tốt nghiệp đại học là 12/12, còn về trình độ chuyên môn là cử nhân hoặc kỹ sư. Điều đó có nghĩa, nếu Trương Huệ Vân tốt nghiệp Đại học RMIT thì trình độ học vấn của cô là 12/12 như đã khai trước toà và trình độ chuyên môn là cử nhân.

Chia sẻ