Linh Nga - "Tôi muốn một người đàn ông như bố mình"!

,
Chia sẻ

Linh Nga, hạnh phúc của cuộc “hôn nhân” với Múa kéo dài hơn 10 năm đã là barie ngăn cản cô công chúa nhỏ đến với những niềm hạnh phúc khác.

Mười năm qua không phải là thảm đỏ!  

Thông thường các bậc phụ huynh “thổi” ước mơ mà họ chưa đạt được vào những đứa con, chị có còn nhớ lúc mình 8 tuổi, chị hình dung về múa thế nào?

Khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, tôi đã được làm quen với Múa. Mẹ đã mang bầu tôi đến tháng thứ 6 mới ngưng múa. Tôi đã được thẩm thấu âm nhạc và múa theo mẹ từ lúc đấy.

Tôi được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, mở mắt ra là âm nhạc và múa. Tám tuổi tôi chưa biết mình thích gì, chỉ biết là cũng thích được lên sân khấu, thích được trang điểm, thích được xinh xắn như các bạn khác. Mẹ đã cho tôi làm quen với múa để tôi tự tin và nhanh nhẹn.



Đến năm 12 tuổi, tôi được đi du học tại Trung Quốc, đến lúc đấy tôi mới thực sự yêu thích bộ môn này. Bây giờ, múa đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, tôi phải có trách nhiệm với nghề của mình, với gia đình mình và trách nhiệm với ước mơ của mình.

Một thập kỷ chị xa nhà, nếm trải khó khăn, đắng cay một mình, chị đã bao giờ cảm thấy múa là một “chiếc áo” hơi rộng mà mình cố vùng vẫy trong nó?

Ban đầu, khi mới sang Trung Quốc du học, tôi cảm thấy hơi bỡ ngỡ. Tôi lo sợ khi sống ở một nơi toàn người lạ.

Nhưng chính nhờ những ngày tháng ấy, tôi đã thay đổi, tôi trưởng thành và dũng cảm hơn. Múa đã cho tôi rất nhiều thứ, cho tôi sự tự tin, một sức khoẻ dẻo dai, một tinh thần thép, một vóc dáng đẹp và một tâm hồn trong sáng.



Cho dù 10 năm được cho là dài, nhưng nó chỉ vừa đủ để ta học một nghề. Đối với người học nghệ thuật, đều phải trải qua từng ấy năm để tu luyện, nếu không có 10 năm ấy chắc sẽ không có một Linh Nga bây giờ.

Phải chăng mọi thứ quá dễ dàng với chị, như được trải thảm đỏ sẵn vẫy, chỉ cần bước lên mà thôi?


10 năm qua không phải là thảm đỏ, 10 năm là sự chịu đựng hy sinh và tích luỹ. Tôi may mắn có bố mẹ và gia đình bên cạnh. Bố mẹ là những người bạn đồng nghiệp của tôi, là chỗ dựa, là nơi cho tôi những đóng góp ý kiến chân thành nhất.

Nghề múa rất ngắn, chị đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho nó, nhưng có ai cũng theo được mãi đâu, chị có thấy chạnh lòng khi nghĩ về ngày mình phải rời xa sân khấu, lui vào hậu trường khi tuổi đã có, sức dẻo cũng cạn dần?

Độ tuổi đẹp nhất của diễn viên múa là trước 30 tuổi, nhưng không có nghĩa là sau 30 là không múa được nữa. Tất cả tuỳ thuộc vào niềm nhiệt huyết và tinh thần của mỗi một diễn viên.



Người nghệ sĩ phải biết lúc nào cần xuất hiện và lúc nào cần rút lui vào hậu trường. Khi còn trẻ, người diễn viên sẽ đep và có sức hút hơn nhưng cái quan trọng là tâm hồn, nếu tâm hồn vẫn muốn biểu diễn, vẫn muốn được đứng trên sân khấu thì vẫn có thể biểu diễn được.

Tôi luôn muốn cống hiến hết cho nghệ thuật khi mình còn trẻ, tôi muốn sưu tầm thật nhiều giải thưởng, thật nhiều thành công để sau này khi không múa được nữa sẽ ngồi xem lại tất cả những gì mình làm được. Tôi muốn cuộc đời làm nghệ thuật của mình thật sự có ý nghĩa.

Lửa nhiệt huyết luôn cháy

Tôi thấy chị rất hay nhấn mạnh đến những từ “không làm gì ngoài múa”, “lửa nhiệt huyết”, chị dám chắc ngọn lửa nhiệt huyết trong mình mãi bùng cháy đến khi nào?

Ngọn lửa nhiệt huyết ấy lúc nào cũng cháy trong tôi, tôi đến với múa không phải vì một mục đích gì đó vụ lợi, tôi yêu múa và thích làm công việc này.



Thế nên chị đã tự tạo cho mình một quỹ rủi ro cho mình bằng cách lập công ty Vương Vũ?


Như tôi cũng đã từng chia sẻ trước đây, Vương là họ của mẹ tôi, Vũ là tên chương trình tốt nghiệp của tôi. Đấy là hai thứ quan trọng nhất với tôi, Vương Vũ được thành lập với một mong muốn là nơi giúp đỡ các diễn viên múa, các bạn đồng nghiệp của tôi.

Tôi may mắn khi được đi du học, được biểu diễn nhiều chính vì thế tôi muốn Vương Vũ sẽ là nơi giao lưu gặp gỡ của những người yêu Múa, và là nhịp cầu nối của diễn viên múa đến với công chúng.

Nhiều người đẹp vẫn than rằng: “Đẹp là cái tội”, tôi cho rằng chị cũng có “tội” và cái tội đó đã phần nào làm lu mờ tài năng múa của chị?

Nghệ thuật là sự tổng hợp. Múa giỏi chưa đủ, đẹp cũng không đủ. Nghệ thuật là phải có năng khiếu, phải có cái duyên với sân khấu. Nếu không có duyên với sân khấu thì không phải nghệ sĩ. Nghệ thuật cũng không thể đem ra chấm điểm được, vì cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau.

Nhưng nghệ thuật có một cái chung đó là phải có sự kiên trì, hy sinh và làm nghề một cách nghiêm túc. Vẻ đẹp là trời cho, chuyên môn phải do chính mỗi người nghệ sĩ học hỏi và tu luyện, cũng như năng khiếu không phải ai cũng có được.



Nhưng tôi vẫn đánh giá rằng chị đã thành công bước đầu và sự thành công của chị là nhờ vào sự ngây thơ và thuần khiết, chị cảm thấy thế nào?

Cám ơn vì lời khen của anh. Tôi luôn sống hết mình với Múa, vì tôi tâm niệm rằng, khi ta bỏ ra công sức bao nhiêu thì ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu.

Muốn được khán giả yêu múa, yêu mình thì trước tiên mình phải yêu nghề của mình, yêu những tác phẩm của mình, phải chăm chút cho nghề và lao động nghiêm túc như thế mới xứng đáng với tình yêu của khán giả.

Tình yêu, không phải cứ muốn là được

Linh Nga đã từng thổ lộ: “Muốn một người đàn ông khác nghề, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, cũng phải đẹp trai nữa”, chị cũng “háo sắc”?


(cười) Đấy chỉ là một trong những điều tôi mong chờ ở người đàn ông của đời tôi mà thôi, và điều đó đứng sau và gần như cuối cùng những đặc điểm mà tôi mong muốn, còn thực tế cuộc sống, có rất nhiều bất ngờ, không phải cứ muốn là được.



Các bà các cô vẫn luôn cho rằng những người đẹp trai, hào hoa thường kém chung thuỷ, chị quan niệm thế nào về sự chung thuỷ?


Chung thuỷ là điều rất quan trọng trong tình yêu, tôi nghĩ tình yêu phải bắt đầu từ tình bạn và tình thương. Cả hai người phải biết lắng nghe và cùng nhau chia sẻ, như thế tình yêu mới thực sự đẹp và bền vững.

Chị còn những tiêu chuẩn khác đặt ra cho người yêu, bạn đời của mình nữa?


Tôi luôn mong sẽ tìm được một người như bố của mình.

Thời du học, chị đẹp, chị nữ tính, hẳn chị cũng bị “rung rinh” bởi ai đó?

Cả tuổi thơ tôi sống ở ký túc xá với các bạn Trung Quốc, cũng có những lúc rung động nhưng tất cả đều là tình bạn và những tình cảm của tuổi học sinh. Giờ đây, khi nghĩ lại tôi thấy khoảng thời gian đấy thật đẹp.



Chị thấy đàn ông Trung Quốc có tính cách gì nổi bật, nếu so với đàn ông Việt Nam, họ có hơn gì không?

Những người Trung Quốc tôi gặp đều là những người đầy nghị lực và dũng cảm. Người Việt Nam tôi gặp đều là những người rất sâu sắc và tình cảm. Họ đều để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng.

Khi ở Trung Quốc, sự nghiệp là quan trọng nhất đối với chị, còn khi trở về quê hương, so với bạn bè, gia đình, tiền bạc thì sự nghiệp có vị trí tương quan thế nào?

Đầu tiên là Gia đình, rồi đến sự nghiệp và tình yêu là sau cùng.

Theo 2!Đẹp
Chia sẻ