Lên Hà Giang xem... chọi dê

Giang Hoàng, Trần Cường, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Những chú dê được nuôi với mục đích tăng gia sản xuất, nay còn để mang đi thi thố nên có lắm chuyện buồn cười... Ngoài ra cùng tìm hiểu những cuộc thi "chọi" khắp mọi miền Tổ quốc.

Chọi dê Hoàng Su Phì

Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang có khá nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số nuôi dê để tăng gia sản xuất. Nhà ít vài con, nhà nhiều có tới hàng chục con. Lần đầu tiên  huyện đã tổ chức cuộc thi chọi dê “độc nhất vô nhị”.

Hội chọi dê "độc nhất vô nhị" lần đầu tiên được tổ chức.

Cuộc thi không kém phần quyết liệt giữa những chú "dê cụ".

Sau thành công giải chọi dê thí điểm tại xã Bản Péo hồi tháng 9, vừa qua Hoàng Su Phì tiếp tục tổ chức thành công hội thi chọi dê cụm xã Thông Nguyên. Với ba hạng cân từ 31-35kg, 36-40 kg, và 41-50 kg.

Màn bất ngờ đối với khán giả.

Những chú dê núi ngày thường hiền lành nhởn nhơ gặp cỏ nhưng khi vào cuộc cũng không kém phần quyết liệt. Điều bất ngờ và thú vị không chỉ cho ban tổ chức, tổ trọng tài và hết thảy khán giả: cặp thứ nhất “vào xới” thì chúng chẳng hề “chọi nhau” mà “yêu nhau” khiến mọi người được phen cười vỡ bụng.

Hai chú dê đâm thẳng vào nhau bằng đầu, sừng.

Bất phân thắng bại.

Những màn kịch chiến trong hội chọi dê khiến khán giả phải liên tục vỗ tay tán thưởng. Hai “dê cụ” đâm thẳng vào nhau bằng đầu, sừng. Chúng húc, ghì, đẩy nhau bất phân thắng bại, dùng hết sức lực hai đầu bổ thẳng vào nhau. Có nhiều con còn dùng chiêu “khoá chân” đối thủ rất “hóc hiểm” nhưng cái vui là chẳng con nào bị thương cả”.

Trước khi vào trận đấu, mỗi “đấu sỹ” dê được đeo số báo danh và chăm chút kỹ lưỡng. Nhiều hộ gia đình ở Hoàng Su Phì giờ đây đã có thêm một mục đích mới là chăm chút cho những chú dê nhà mình thật khoẻ để còn “rinh” giải vào những hội chọi sau. 

Chọi bò u Pắc Miều

Du khách đến với Cao Bằng không chỉ thăm thú những danh lam nổi tiếng như thác Bản Giốc, hồ Thang Hen hay động Gườm Ngao mỹ lệ mà còn khám phá miền đất Bảo Lâm nổi tiếng với giống bò u quý hiếm...

Những chú bò u "đặc trưng" của vùng Bảo Lâm.

Người ta thường nói "Con trâu là đầu cơ nghiệp" nhưng đối với bà con đồng bào vùng núi phía Bắc, con bò mới là tài sản giá trị nhất. Hội chọi bò u Pắc Miều, Bảo Lâm được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm.

Làm một tý "cay cay" trước khi vào cuộc.

Người xem bị cuốn hút bởi những trận đấu bò đầy kịch tính và quyết liệt do những “võ sĩ bò” trình diễn. Sân đấu bò là một bãi đất trống rộng khoảng 1ha, nằm cạnh dòng sông Gâm trong xanh. Khi tiếng trống khai hội vang lên, hàng ngàn đôi mắt đổ dồn vào hai chú bò lừng lững bước ra đấu trường.

Hai  “đấu sĩ” bò nghênh sừng.

Thi triển những ngón đòn để hạ gục đối thủ.

Hai “đấu sĩ” nghênh sừng, gõ móng cồm cộp thị uy sức mạnh của mình rồi bất chợt lao thẳng vào nhau như tên bắn, tiếng va chạm của sừng làm khán giả thót tim. Những “đấu sĩ bò” thi triển hết mọi miếng đánh, miếng ghì, miếng móc khiến cho cả sân chọi bụi đất mịt mù.

Hội chọi bò để vinh danh những chú bò khỏe nhất.

Khác với hội chọi trâu, những con thắng cuộc đều bị giết thịt, hội chọi bò ở đây là để vinh danh những chú bò mạnh nhất, khỏe nhất, nhằm giữ gìn, phát triển nguồn gien bò quý hiếm.

Chọi trâu Hải Lựu

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất việt nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Sau mỗi trận thắng quân Hán, thừa tướng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam.

Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về.
 
Hai trâu chọi nhau quyết liệt.

Ganh đua giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.
 
Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là các “đấu sĩ trâu” được các xóm, làng hoặc họ tộc cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn. Lễ hội này được mở hàng năm vào ngày 17 tháng giêng. Nhân dân trong vùng này vẫn còn lưu truyền câu ca: Dù ai đi đâu, ở đâu/Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu.
 
Khi hai "ông trâu" cách nhau khoảng 20m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.

Lễ hội chọi trâu thu hút hàng vạn khán giả.

Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt, liên hoan tập thể, ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu quý và mong một năm mới có sức khoẻ “như trâu”.

Chia sẻ